Ngày 22/7, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), Phó trưởng Ban chỉ đạo T.Ư về Phòng chống thiên tai làm trưởng đoàn công tác tại Hà Giang kiểm tra, trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ lịch sử. Đây là trận mưa lũ lịch sử lớn nhất trong gần 60 năm qua.
Tính đến chiều 22/7, mưa lũ ở Hà Giang đã làm 5 người chết, trong đó 3 người do sạt lở đất, 2 người bị lũ cuốn trôi, 2 người bị thương. Mưa lũ đã làm trên 60 ngôi nhà bị sập, hư hại, 2.800 nhà bị ngập, trên 460 ha lúa, hoa màu, cây lâm nghiệp bị thiệt hại…
Có 2 nhà máy thủy điện (Thái An, huyện Quản Bạ và Thuận Hòa, huyện Vị Xuyên) bị dừng hoạt động do đất đá sạt lở, vùi lấp hệ thống máy móc.
Có 33 xe ô tô bị ngập và hư hỏng. Hiện nhiều khu vực ở thành phố Hà Giang, huyện Vị Xuyên, Bắc Mê…còn bị ngập, giao thông ách tắc. Tổng thiệt hại ban đầu ở Hà Giang do mưa lũ lên tới trên 80 tỷ đồng (chưa tính thiệt hại thủy điện).
Lý giải về trận lũ lớn ở Hà Giang, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết, do ảnh hưởng của vùng hội tụ gió trên cao gây ra mưa rào và dông cho các tỉnh Bắc Bộ, khu vực vùng núi và trung du phía Bắc đã có mưa to đến rất to.
Theo cơ quan dự báo khí tượng thủy văn, từ ngày 23/7, lượng mưa ở khu vực vùng núi phía Bắc giảm dần.
Do mưa lũ còn phức tạp, nhiều tuyến đường bị ngập, sạt lở, cơ quan chức năng Hà Giang cảnh báo người dân hạn chế di chuyển; để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản do ngập lụt, di dời tạm thời tài sản đến nơi khô ráo, an toàn.
Lãnh đạo tỉnh Hà Giang yêu cầu Sở Công Thương chỉ đạo các nhà máy thủy điện trên sông Miện và sông Lô thực hiện nghiêm túc quy chế phối hợp cung cấp thông tin vận hành đón, xả lũ các nhà máy thủy điện.
Khi xả lũ, thông báo và cảnh báo đến chính quyền và người dân khu vực hạ du để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản của người dân.