Ông Ryu Yong Chol trở thành gương mặt đại diện cho nỗ lực chống COVID-19 ở Triều Tiên hiện nay. (Ảnh: KRT)
Là quan chức ít được biết đến trước đó, ông Ryu Yong Chol giờ trở thành gương mặt đại diện cho nỗ lực chống dịch của Triều Tiên, giống như TS Anthony Fauci của Mỹ hay giám đốc cơ quan phòng chống dịch bệnh của Hàn Quốc Jeong Eun-kyeong.
Trong 2 năm qua, với việc tự đóng cửa biên giới, Triều Tiên không báo cáo số ca mắc COVID-19 nào, điều mà giới quan sát bên ngoài luôn nghi ngờ.
Từ khi xác nhận đợt bùng phát đầu tiên và ban bố tình trạng khẩn cấp vào tuần trước, Triều Tiên đã thay đổi. Dường như đang học cách làm từ các quốc gia khác, Triều Tiên công bố số liệu cụ thể về tình trạng lây lan của virus và lời khuyên về cách phòng tránh.
Theo bản tin của KCNA, ông Ryu làm việc cho cơ quan chỉ đạo phòng chống dịch bệnh khẩn cấp của Triều Tiên. Có vẻ cơ quan này vừa được lập ra để thống nhất chỉ đạo nỗ lực chống COVID-19.
Giống như Hàn Quốc, cơ quan này của Triều Tiên tổ chức họp báo hằng ngày, do ông Ryu chủ trì, nhưng khác là không có câu hỏi từ báo chí.
Trong trang phục vest và đeo kính, ông Ryu tạo nên hình ảnh hiếm thấy trên truyền hình Triều Tiên, khác xa những phát thanh viên hay chỉ huy quân đội mang khí thế hừng hực.
“Chúng ta nên tăng cường những nỗ lực khống chế và cách ly tất cả người bệnh mà không có ngoại lệ, để có thể loại bỏ triệt để bất kỳ không gian nào cho bệnh truyền nhiễm lây lan”, ông Ryu nói trong cuộc họp ngày 20/5. Ông thúc giục người dân “đề phòng sơ hở”.
Triều Tiên đến nay đã báo cáo 2.241.610 ca sốt và 65 trường hợp tử vong trong tổng số 25 triệu dân. Quốc gia này thiếu năng lực xét nghiệm nên không cho biết có bao nhiêu người trong số đó mắc COVID-19.
Minh bạch hơn
Có rất ít thông tin về ông Ryu được công khai, bao gồm cả trình độ y tế.
Tháng 7/2017, báo chí nhà nước viết về một tổng cục trưởng của Bộ Y tế có cùng tên Ryu Yong Chol, người đã cáo buộc Hàn Quốc “âm mưu tấn công khủng bố sinh hoá nhằm vào nhà lãnh đạo Kim Jong Un". Seoul bác bỏ cáo buộc này.
Một quan chức thuộc Bộ Thống nhất Hàn Quốc nói rằng ông Ryu từng giữ vị trí đó, dù không rõ có phải ông là người được bài báo trên nhắc đến hay không.
GS Yang Moo-jin, công tác tại ĐH Nghiên cứu Triều Tiên ở Seoul, cho rằng chiến lược truyền thông mới của Triều Tiên khi công khai thông tin về COVID-19 là điều phù hợp với nỗ lực của ông Kim nhằm xây dựng một “nhà nước bình thường”, bằng cách nâng cao tính minh bạch và thừa nhận khiếm khuyết.
“Ông ấy cũng có thể khuyến khích người dân báo cáo triệu chứng và tham gia dập dịch, trong đó sự tham gia của người dân đóng vai trò chìa khoá”, GS Yang nhận định.
Một quan chức khác của Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho rằng có thể Triều Tiên đã học được từ các nước khác, vì thế đang liên tục cập nhật thông tin và số liệu để “huy động mọi phương tiện có thể”, khi dịch bệnh đang trong giai đoạn cấp bách.
Tuy nhiên, GS Yang cho rằng số liệu tử vong của Triều Tiên thấp hơn đáng kể so với tỷ lệ ở các nước khác, vì thế ông nghi ngờ rằng con số thực tế có thể cao hơn.