Gương mặt bé 9 tuổi, chân dung golf thủ, tiếng than của PGS Văn Như Cương và bàn tay đen Trịnh Xuân Thanh

Bùi Hải |

Một đất nước có nhiều vùng người dân vẫn tất tả chạy ăn từng bữa khoai sắn, trẻ em thiếu ngay cả thước kẻ, bút chì, tại sao lại có nhiều sân golf đến thế?

Những đứa trẻ VIP

Nhìn tấm ảnh những đứa trẻ miền núi nghèo khó ngơ ngác, ngẩn ngơ giữa cảnh tan hoang khi trận lũ quét ở Mù Cang Chải đi qua, tôi bất giác nhớ đến câu chuyện PGS Văn Như Cương vừa kể.

Trường Lương Thế Vinh của ông tổ chức tập quân sự cho học sinh ở một nơi cách xa Hà Nội có 40km. Trường không cho phụ huynh tiếp tế đồ ăn uống để rèn các em tính tự lập.

Gương mặt bé 9 tuổi, chân dung golf thủ, tiếng than của PGS Văn Như Cương và bàn tay đen Trịnh Xuân Thanh - Ảnh 1.

Thế nhưng PGS Cương đã rất ngạc nhiên, khi thấy thái độ lo lắng đến bấn loạn của một số phụ huynh. Họ đòi tiếp tế vì "con tôi chỉ biết uống nước nhập ngoại, sợ nó không biết uống nước của ta".

PGS Văn Như Cương than thở "nhiều vị phụ huynh làm hư con cái của mình mà cứ tưởng như vậy là mình thương chúng nó".

Nếu không quá chú ý vào thông điệp ngoan – hư của những đứa trẻ VIP, chúng ta sẽ ngạc nhiên vì câu chuyện của PGS Cương đã hé lộ lối sống xa xỉ đến độ "không biết uống nước của ta" – dù thứ nước ấy, nhiều triệu người Việt ở đô thị vẫn uống mỗi ngày.

Vụ giao lưu golf và chuyện đi nước ngoài chữa đau mắt đỏ

Sự kiện giao lưu golf ở Bộ TN – MT trong những ngày mưa lũ ở Yên Bái, Sơn La, cuối cùng đã hủy bỏ sau khi có phản hồi từ dư luận.

Việc hủy bỏ này đúng về đạo lý và đúng về xử lý khủng hoảng truyền thông. Bản thân Golf – một môn thể thao, không có tội. Người có điều kiện hoàn toàn có thể chọn môn thể thao họ muốn.

Tuy nhiên, câu hỏi mà chắc chắn nhiều triệu người Việt đều muốn nêu ra là: Một đất nước có nhiều vùng người dân vẫn tất tả chạy ăn từng bữa khoai sắn, trẻ em thiếu ngay cả thước kẻ, bút chì, tại sao lại có nhiều sân golf đến thế?

Gương mặt bé 9 tuổi, chân dung golf thủ, tiếng than của PGS Văn Như Cương và bàn tay đen Trịnh Xuân Thanh - Ảnh 2.

Tại sao nhiều cán bộ chỉ có mức lương hưu khiêm tốn lại rất quen chơi và say mê môn thể thao ngốn nhiều tiền đến thế?

Theo tính toán của Việt Nam Golf Magazine, một người chơi golf 6 lần/tháng sẽ phải chi bộn tiền: 300 USD cho chi phí sân và ăn uống; 5.000 USD/năm tiền quần áo, giầy, bóng; 40.000 - 60.000 USD để đăng ký thẻ hội viên…

Trong một cuộc nhậu đầy phè rượu tây, tôi đã được nghe ông bạn chuyên nghề "ngoại giao sân golf" hớn hở khoe chiến tích: "May quá, hôm qua tao hân hạnh thua anh Y 7.000 đô la, trong cuộc độ trên sân golf. Chúng mày tưởng người chơi golf 10 năm như tao mà dễ thua à? Muốn thua cũng phải có cách, đừng phô quá. Thua nhưng lại rất phấn khởi vì được việc".

Câu hỏi về "người giàu chân chính"

Sẽ có người so sánh hình ảnh em bé nghèo Mù Cang Chải (Yên Bái), thậm chí chưa từng được uống một hộp sữa tươi, hàng ngày giải khát bằng nước suối, với hình ảnh các cô cậu bé Việt Nam "chỉ biết uống nước nhập ngoại".

Cũng có người so sánh hình ảnh các golf thủ sang chảnh, mỗi lần chơi Golf tiêu xài số tiền bằng cả năm thu nhập của một gia đình vừa bị lũ xóa trắng gia tài ở Mường La (Sơn La).

Nhiều người sẽ không thích lối so sánh đơn giản và có phần khiên cưỡng như vậy.

Bởi người làm giàu chính đáng bằng mồ hôi nước mắt, hoàn toàn có quyền chi tiêu bộn tiền cho sức khỏe, thú chơi, hạnh phúc của họ và người thân.

Gương mặt bé 9 tuổi, chân dung golf thủ, tiếng than của PGS Văn Như Cương và bàn tay đen Trịnh Xuân Thanh - Ảnh 3.

Chả ai trách một ông tỉ phú chân chính mua máy bay chỉ vì "xã hội vẫn còn nhiều người xe máy không có mà đi".

Nhưng những so sánh kia, không phải không có chút cơ sở, bởi vì ở Việt Nam, bao nhiêu người "làm giàu chính đáng", bao nhiêu người làm giàu khuất tất, luôn là câu hỏi không dễ trả lời .

Một người anh cùng quê, làm ở một vị trí cũng khá (kể cả rất khá thì lương tháng cũng chỉ 8-9 triệu đồng/ tháng), có lần cởi lòng với tôi rằng: Anh chỉ tin tưởng y tế nước ngoài. "Bên đó nó chăm mình còn hơn mình chăm bố" – anh bảo.

"Nhà tớ khám chữa bệnh đều bay sang Singapore hết. Năm trước, thằng con lớn mọc xiên răng số 8, tớ mới đánh tiếng nên nhổ ở đâu, thì đã có mấy anh em doanh nghiệp nhảy vào lãnh trách nhiệm đưa nó sang bển.

Đầu năm nay, vợ tớ đau mắt đỏ, anh em cũng bảo "để em dẫn chị đi, anh bao nhiêu công to việc lớn, làm gì có thời gian". Bay sang Sing chữa xong, khi về chúng nó lại còn khuyến mại thêm cái kính Gucci bằng bốn tháng lương của tớ. Này, tớ bảo thật, có điều kiện, tội gì chữa ở Việt Nam, lôi thôi lắm".

Tôi biết, cái "điều kiện" của anh, hàng triệu người ở vị trí bình thường, không thể có được.

Khi vụ án Trịnh Xuân Thanh vỡ lở, chỉ có những người không đánh golf bằng tiền người khác, mới ngạc nhiên khi thấy những khoản tiền cực lớn, được rút ra nhanh như chớp vì những việc rất "vui tai".

Đó là chuyện một nhân viên đã rút đến 550 triệu đồng để "chi sinh nhật bố sếp Thanh", rút 350 triệu đồng để mua bộ đồ đánh golf cho sếp, rút hàng tỉ đồng chỉ để đi tiếp khách.

Khi viết những dòng này, trên tường facebook của tôi hiện lên những dòng kêu gọi quyên góp 50 triệu để dựng lại một trong số nhiều điểm trường bị lũ xóa xổ hoàn toàn ở Mù Cang Chải, Mường La.

Một buổi sinh nhật cho bố sếp đã có thể dựng lên được 11 điểm trường; một bộ đồ đánh golf của sếp đã có thể dựng được 18 căn nhà tàm tạm…, thế thì 3.200 tỉ, nếu không thua lỗ - thất thoát dưới thời Trịnh Xuân Thanh, sẽ còn xây dựng được những gì?

Tiếc rằng, các phép nhân chia rất đơn giản đó lại không bao giờ thực hiện được trong cuộc sống của quan tham.

Đứa bé 9 tuổi và sự vĩ đại của một dân tộc

Khi Nhật Bản bị tàn phá khủng khiếp bởi thảm họa kép động đất – sóng thần, có một cậu bé 9 tuổi được nhắc đến.

Đứa bé ấy đang lạnh cóng với chiếc áo thun và quần đùi, gần như biết chắc bố mẹ và em mình đã chết trong sóng dữ, vẫn kiên nhẫn gạt nước mắt, đứng xếp cuối hàng chờ phát thức ăn trong một trường học.

Khi một tình nguyện viên người Việt cởi áo của mình khoác cho cậu bé, bao lương khô trong túi anh vô tình rơi ra. Anh nhặt lên đưa cho cậu bé: "Đợi tới phiên của con chắc hết thức ăn, khẩu phần của chú đó, chú ăn rồi, con ăn đi cho đỡ đói".

Cậu bé nhận túi lương khô, khom người cảm ơn rồi bất ngờ mang gói lương khô đi thẳng lên chỗ những người đang phát thực phẩm, để vào thùng đồ ăn rồi lại quay lại xếp hàng.

Người tình nguyện viên sửng sốt và ngạc nhiên vô cùng. Anh hỏi cậu bé tại sao không ăn mà lại đem bỏ vào đó. Cậu bé trả lời: "Bởi vì còn có nhiều người chắc đói hơn con. Bỏ vào đó để các cô chú phát chung cho công bằng chú ạ".

Thái độ của cậu bé 9 tuổi đã khiến người tình nguyện viên bật khóc và nghĩ: "Một dân tộc với những đứa trẻ 9 tuổi đã biết nhẫn nại, chịu gian khổ và chấp nhận hy sinh cho người khác chắc chắn là một dân tộc vĩ đại.

Đất nước này đang đứng ở trong những giờ phút nguy cấp nhất của sự điêu tàn, nhưng chắc chắn nó sẽ hồi sinh mạnh hơn nhờ những công dân biết hy sinh bản thân ngay từ tuổi niên thiếu".

"Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được"

Làm sao xã hội Nhật lại tạo ra được những đứa trẻ 9 tuổi mà đã không tham lam, biết hy sinh và phụng sự công bằng – điều mà những người đi hơn nửa đời người như Trịnh Xuân Thanh không làm được?

Nước Nhật không thể vĩ đại nếu chỉ có một vài cậu bé 9 tuổi biết nhẫn nại, hy sinh.

Nước Nhật vĩ đại bởi trong thảm họa, tất cả mọi người đều trật tự xếp hàng, sẵn lòng chia sẻ, cưu mang. Nước Nhật vĩ đại bởi họ giàu nhưng ai cũng nêu cao tinh thần tiết kiệm thời gian, của cải, cơ hội, tài nguyên. Nước Nhật vĩ đại bởi họ có nhiều người giàu chân chính. Nước Nhật vĩ đại bởi họ không dung thứ cho cái xấu, cái ác…

Gương mặt bé 9 tuổi, chân dung golf thủ, tiếng than của PGS Văn Như Cương và bàn tay đen Trịnh Xuân Thanh - Ảnh 4.

Muốn không còn những trận lũ quét khủng khiếp thì cả xã hội phải tạo ra một phong trào biết nói không với phá rừng, cùng nhau bảo vệ môi trường thiên nhiên. Lũ không đứng lại trước mấy câu khẩu hiệu và sự cố gắng đơn lẻ của một nhóm người.

Muốn "cơn lũ tham nhũng hung tàn" bị chặn đứng, muốn chặt đứt những "bàn tay đen" của Trịnh Xuân Thanh, Dương Chí Dũng thò vào công quỹ làm mục ruỗng đất nước, thì cần tạo phong trào cho nhiều người, nhiều tổ chức có trách nhiệm vào cuộc, chứ không chỉ dựa trên nỗ lực đơn lẻ của một vài người, một vài tổ chức.

Thông điệp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cho thấy phong trào ấy bắt đầu vận hành, nóng lên từng ngày: "Đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực không phải lẻ mẻ từng vụ, từng việc mà bây giờ đã thành phong trào, thành một xu thế, làm có bài bản, phân công cơ quan nào làm, kết quả thế nào, bao giờ xong. 

Đây là kinh nghiệm rất quý. Tạo ra được xu thế, được phong trào mới là cơ bản.

Khi tiếp xúc cử tri, tôi hay nói: Cái lò đã nóng lên rồi thì củi tươi vào đây cũng phải cháy. Củi khô, củi vừa vừa cháy trước, rồi cả lò nóng lên, tất cả các cơ quan vào cuộc, có ai đứng ngoài đâu. Và không thể đứng ngoài được. Cá nhân nào muốn không làm cũng không thể được, thế mới là thành công".

Thiên tai gây hại 1 thì nhân tai, tham nhũng gây hại 10. Vài chục ngôi nhà, vài điểm trường bị lũ xóa rồi có thể dựng lại, nhưng hậu quả của "cơn lũ sâu mọt" đục khoét đất nước, thì có thể kéo dài cả thế hệ.

Khi chiếc lò đốt "củi tham nhũng" cháy rực hiệu quả, khi một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh được vận hành đầy đủ, thì tự khắc sẽ xuất hiện nhiều em bé 9 tuổi nhưng đã biết thượng tôn sự công bằng và lòng nhân bản.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại