Đứa trẻ mang theo nỗi tủi thân, lưu lạc hơn 50 năm
Anh Vũ Quốc Oai (hay còn có 2 cái tên khác Lê Tuấn Chơi hoặc Vũ Nguyễn Tiến Dũng) là một người đàn ông thất lạc gia đình từ năm 1973.
Trong trí nhớ của người đàn ông này, năm ấy, anh được gia đình cho vào Cô nhi viện Bình Lợi, đến năm 1974 thì trốn khỏi Cô nhi viện, ra chợ dân sinh sống với trẻ bụi đời. Sau đó, anh Oai kết nghĩa anh em với anh Lê Độ (quê ở huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi). Năm 1975, anh theo anh Độ về quê Quảng Ngãi, được gia đình anh Độ nhận làm con nuôi. Cái tên Lê Tuấn Chơi chính là được ba mẹ nuôi đặt cho.
Anh Oai (áo trắng ngoài cùng bên phải ảnh) trước lúc lưu lạc gia đình.
Anh Oai (áo kẻ bên trái ảnh) thuở nhỏ được nhận xét là thông minh, lanh lợi.
Anh Oai cùng mấy anh em trong nhà sàn sàn tuổi nhau phụ cha mẹ chài lưới, khoảng 3-4 năm sau thì đi nghĩa vụ quân sự. Đến năm 1982, anh Oai trở về, lấy vợ, sinh con, làm nghề đi biển. Vợ chồng anh có 3 người con, nay đều đã trưởng thành, có gia đình riêng.
Hiện tại, anh Oai đã giao thuyền lại cho con trai, còn mình ở nhà bán tạp hóa. Vài năm trở lại đây, thần kinh của anh bị ảnh hưởng, nói chuyện rất khó khăn, muốn nói gì phải viết ra giấy.
Anh Oai còn nhớ rất nhiều điều về gia đình. Nhớ tên khai sinh của mình là Vũ Nguyễn Tiến Dũng (Vũ Quốc Oai là tên gọi ở nhà - PV), ba tên Vũ Quốc Thái, mẹ là Nguyễn Thị Hoàng. Ba có cái sẹo sau gáy, còn mẹ có nốt ruồi sau lưng. Anh nhớ mình còn có 2 người em tên Đạt và Trang. Nhà của anh ở gần nhà thờ Ba Chuông (phường 10, quận Phú Nhuận, TP.HCM - PV).
Giờ đây khi đã gần 60 tuổi, sức khỏe của anh giảm sút nhiều.
Lúc được gửi vào Cô nhi viện, anh Oai khoảng 6-7 tuổi, được mọi người nhận xét là lanh lợi, thông minh. Vậy mà cả khi trốn khỏi Cô nhi viện hay cùng anh Độ về quê, anh Oai cũng không tìm về ngôi nhà của mình. Lý do là bởi, anh nghĩ ba mẹ bỏ rơi mình, suốt thời gian ở Cô nhi viện, không có ai đến thăm nom gì.
Sau này, vào năm 1989 và 2004, anh Oai cùng vợ lên TP.HCM tìm gia đình nhưng không có kết quả. Anh gửi thư về chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” để được giúp đỡ. Gia đình cũng rất mong muốn anh có thể tìm được người thân, để các con của anh biết được nguồn cội.
Gia đình ai cũng nhớ thương, cứ tưởng con đã chết
Chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” dày công tìm kiếm và đã đem lại kết quả rất đáng mừng. Cũng từ đây, một câu chuyện khác hoàn toàn được mở ra.
Ba của anh thực tế có tên là Vũ Huỳnh Thái và mẹ là Nguyễn Thị Kim Hoàng. Năm ấy, ông Thái, bà Hoàng gửi con lên Chủng viện Fatima Bình Triệu (TP.Thủ Đức) học để trở thành một tu sĩ.
Anh Đạt, em trai của anh Oai.
Em gái của anh Oai được mẹ kể lại rằng, gia đình luôn nghĩ anh không còn.
Đến khoảng năm 1974, mẹ và bác có lên tìm để đón anh về. Nhưng lúc này, những người trong Chủng viện nói, tất cả các Chủng sinh đều đã được đưa ra nước ngoài. Nhưng trong hai chuyến bay đưa Chủng sinh đi thì có một chuyến bị rơi. Chính vì thế, gia đình đinh ninh là anh Oai đã chết. Vì nếu còn sống, chắc chắn anh đã tìm cách liên hệ với gia đình.
Dưới anh Oai có 4 người em, ngoài anh Đạt, chị Trang còn có 2 người nữa là anh Hòa và anh Bình. Có lẽ vì quá bận chăm con nhỏ nên năm ấy, bà Hoàng ít có thời gian đi thăm con trai lớn.
Biết tin con mất tích, ông Thái ngã ngất tưởng không qua khỏi. Sau đó, ông lên Long Khánh mua đất trồng rẫy một mình. Còn bà Hoàng bán cà phê, máy may, khung xe đạp ngay đầu đường, để các con ở lại thành phố ăn học. Nhiều năm sau, ông Thái mới trở về thành phố, cùng hai con trai út mở tiệm làm cửa sắt.
Anh Oai bật khóc trong khoảnh khắc đoàn tụ với các em.
Người đàn ông đã mang theo nỗi tủi thân suốt 51 năm trời, nay đã hiểu rõ mọi chuyện.
Ông Thái vẫn hay bảo: “Tưởng gửi con đi để con trở thành Linh mục. Ai ngờ?”. Còn bà Hoàng mỗi lần xem chương trình “Như chưa hề có cuộc chia ly” lại lẩm nhẩm: “Phải chi thằng Oai nhà mình nó còn sống, nó đăng ký chương trình này về tìm mình ha. Chắc nó chết rồi nó mới không tìm chứ?”.
Năm 2014, bà Hoàng qua đời. Ông Thái mất tháng 11/2021. Hai em của anh Oai là anh Đạt và chị Trang đều đã lập gia đình nhưng vẫn chung sống cùng nhau dưới một mái nhà, ăn chung mâm cơm, kinh doanh chung một tiệm hủ tiếu, thuận hòa anh em dâu rể.
Ngôi nhà họ đang sống nằm ở một con hẻm trên phố Lê Văn Sỹ, chỉ cách nhà cũ có một đoạn đường. Hai em út là anh Hòa và anh Bình gần đây đã sang Mỹ định cư.
Sau 51 năm xa cách, nỗi tủi thân trong lòng anh Oai cuối cùng đã được hóa giải. Anh đã được trở về trong vòng tay yêu thương của người thân ruột thịt.
Nguồn: Như chưa hề có cuộc chia ly