GS.VS Châu Văn Minh làm Chủ tịch hội đồng Quốc gia tìm nguyên nhân cá chết

Bích Ngọc |

Ngày 02/5/2016, thay mặt Hội đồng quốc gia, GS.VS Châu Văn Minh đã gặp gỡ, làm việc với các chuyên gia quốc tế đến từ Đức, Mỹ, Israel để thảo luận kế hoạch phối hợp trong việc tìm ra nguyên nhân của hiện tượng hải sản chết bất thường tại các tỉnh miền Trung vừa qua.

Hội đồng chuyên gia khoa học và công nghệ cấp quốc gia do GS.VS Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam làm chủ tịch, để phân tích, đánh giá nguyên nhân hiện tượng cá chết bất thường vừa được Bộ Khoa học và Công nghệ thành lập.

Theo đó, hội đồng gồm 03 tổ nghiên cứu mang tính liên ngành, tập hợp các nhà khoa học từ các cơ quan khác nhau để tiếp tục phối hợp, đối chứng kết quả phân tích và tập trung đi sâu vào các hướng nghiên cứu về tác nhân hoá học, sinh học, khí tượng, thuỷ văn và động lực học biển.

Ngày 02/5/2016, thay mặt hội đồng, GS.VS Châu Văn Minh đã gặp gỡ, làm việc với các chuyên gia quốc tế đến từ Đức, Mỹ, Israel để thảo luận kế hoạch phối hợp trong việc tìm ra nguyên nhân của hiện tượng hải sản chết bất thường.

Trước đó, ngay sau khi xuất hiện hiện tượng hải sản chết bất thường tại 4 tỉnh miền Trung, đã có gần 100 chuyên gia từ hơn 30 viện nghiên cứu, trường đại học trong nước đã tiến hành lấy hàng trăm mẫu để phân tích bao gồm: mẫu cá chết trên biển, mẫu cá chết trong lồng, mẫu nước, mẫu trầm tích, sinh vật phù du,… để phân tích độc tố, bệnh dịch thuỷ sản, sự hiện diện của tảo độc, các thông số về môi trường nước...

Các nghiên cứu cũng căn cứ vào số liệu về động đất từ ngày 06/4/2016 để phân tích sự hiện diện của hiện tượng sốc nhiệt và các ảnh hưởng khác do động đất gây ra, số liệu về viễn thám từ ngày 01/4/2016 để phân tích dòng chảy, nhiệt độ, hàm lượng chlorophylla, sự hiện diện của dầu loang.

Theo Bộ Khoa học và Công nghệ , các mẫu được phân tích tại các phòng thí nghiệm với các hệ thống máy móc hiện đại của các nước tiên tiến trên thế giới như Mỹ, Nhật, Thuỵ Sĩ.

Các nhà khoa học đã đánh giá một cách khách quan, toàn diện các nguyên nhân khác nhau có thể dẫn đến tình trạng hải sản chết bất thường, bước đầu đã loại trừ một số nguyên nhân từ bệnh dịch, dầu loang, hiện tượng sốc nhiệt và các ảnh hưởng khác do động đất gây ra.

"Hai nguyên nhân đang được tập trung phân tích, đối chứng kết quả và đánh giá bao gồm nguyên nhân sinh học và nguyên nhân hoá học" - thông cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ nêu rõ.

Cũng liên quan đến việc xác định nguyên nhân cá chết, ngày 1/5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường.


Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường ngày 1/5. Ảnh:VGP.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc làm việc với các địa phương bị ảnh hưởng do hiện tượng hải sản chết bất thường ngày 1/5. Ảnh:VGP.

Cùng tham dự cuộc làm việc có Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng; lãnh đạo các Bộ NN&PTNT, Công Thương, TN&MT, KH&CN, Thông tin và Truyền thông, Y tế, Công an, Quốc phòng; lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ và các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

Tại buổi làm việc, Thủ tướng giao Bộ trưởng Bộ khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các bộ, ngành liên quan, kể cả huy động các nhà khoa học nước ngoài để nhanh chóng kết luận một cách khách quan, khoa học, độc lập nguyên nhân về sự cố môi trường nêu trên.

"Trên cơ sở ý kiến của Bộ khoa học và Công nghệ về nguyên nhân, giao Bộ Tài nguyên và Môi trường - là cơ quan phát ngôn về vấn đề này báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xem xét xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào" - Thủ tướng cương quyết.

Thủ tướng giao Bộ Công an chủ trì, tiếp tục điều tra các vụ việc vi phạm về môi trường tại khu vực miền Trung để sớm kết luận, xử lý nghiêm minh.

Các địa phương, các bộ, ngành, đơn vị liên quan có trách nhiệm phối hợp với cơ quan công an cung cấp hồ sơ, chứng cứ có liên quan phục vụ cho công tác điều tra.

Bên cạnh đó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương theo quy định của pháp luật, rà soát tất cả cơ sở sản xuất có xả thải, đồng thời tăng cường kiểm tra các cơ sở sản xuất công nghiệp ven biển, không được để tình trạng xả thải ra biển mà không được quan trắc theo quy định của pháp luật về môi trường; yêu cầu phải giám sát chặt chẽ việc xả nước thải làm ảnh hưởng môi trường biển.

Bộ Tài nguyên và Môi trường và Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cấp phép, giám sát hệ thống xả thải của Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa , trong đó làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan; đồng thời triển khai ngay trạm quan trắc tự động từ điểm xả thải của nhà máy Formosa đến trạm quan trắc của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Tĩnh để kiểm tra và lấy mẫu phân tích tự động nhằm kiểm soát việc xả thải của nhà máy.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại