GS.TS Trần Văn Thuấn: Trình độ điều trị bệnh ung thư vú của Việt Nam đã ngang tầm thế giới

Hải Yến |

Nhân dịp GS.TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc BV K - đạt giải Nhất cuộc thi Nhân tài đất Việt trong lĩnh vực y dược với “Cụm công trình nghiên cứu Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư vú”, phóng viên báo Sức khỏe &Đời sống đã có cuộc trao đổi với GS.TS Trần Văn Thuấn về giải thưởng này.

Phóng viên: Xin chào GS.TS Trần Văn Thuấn, đầu tiên xin chúc mừng ông vừa đoạt giải Nhất cuộc thi Nhân tài đất Việt – một cuộc thi có uy tín, lựa chọn những người có công trình khoa học có giá trị, có tác động lớn đến đời sống xã hội. Xin ông chia sẻ những cảm xúc của mình khi nhận được giải thưởng này?

GS.TS Trần Văn Thuấn: Tôi rất vinh dự và tự hào khi được thay mặt tập thể nhóm nghiên cứu Bệnh viện K về “Cụm công trình nghiên cứu Dịch tễ học, ứng dụng các tiến bộ mới trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho người bệnh ung thư” nhận giải Nhất trong cuộc thi Nhân tài đất Việt về lĩnh vực y dược.

Tôi cho rằng đây không chỉ là niềm vinh dự tự hào của riêng nhóm nghiên cứu mà là niềm tự hào chung của tập thể cán bộ, nhân viên Bệnh viện K. Kết quả nghiên cứu đã mang lại một dấu ấn quan trọng trong việc đưa trình độ phòng chống ung thư vú tại Bệnh viện K nói riêng và cả nước nói chung lên một tầm cao mới.

Qua đó cho thấy trình độ chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư vú tại Việt Nam đã ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới.

GS.TS Trần Văn Thuấn: Trình độ điều trị bệnh ung thư vú của Việt Nam đã ngang tầm thế giới - Ảnh 1.

GS.TS Trần Văn Thuấn- Giám đốc Bệnh viện K

Phóng viên: Ý tưởng nào đã đưa ông và các cộng sự của mình đến cuộc thi về khoa học như Nhân tài đất Việt? Tại sao lại là ung thư vú trong rất nhiều loại ung thư hiện nay?

GS.TS Trần Văn Thuấn: Giải thưởng Nhân tài đất Việt là một giải thưởng uy tín đã được hình thành và phát triển trong 14 năm qua. Những người đã đạt giải thưởng này đều là những nhà khoa học, những nhà nghiên cứu xuất sắc trong từng lĩnh vực liên quan.

Chính vì vậy sau khi nhận được thông báo về cuộc thi của Bộ Y tế và Ban tổ chức chúng tôi đã cùng bàn bạc thống nhất trong nhóm nghiên cứu gửi đề tài tham dự giải thưởng.

Đây là cụm công trình nghiên cứu toàn diện về ung thư vú bao gồm: dịch tễ học, sàng lọc phát hiện sớm, ứng dụng công nghệ cao trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc cho người bệnh ung thư vú từ các nhà khoa học nhiều thế hệ của Bệnh viện K kết hợp với các nhà khoa học nước ngoài, có thể nêu tên ở đây một số thành viên chính như:

GS.TS Trần Văn Thuấn, GS.TS Nguyễn Bá Đức, BS Đặng Thế Căn, PGS.TS Bùi Diệu, PGS.TS Tạ Văn Tờ, PGS.TS Trần Thanh Hương, TS Nguyễn Văn Định, TS Lê Hồng Quang, TS Nguyễn Thanh Đức, TS Nguyễn Tiến Quang, TS Phùng Thị Huyền, TS Đào Văn Tú, Bs Tô Anh Dũng, Bs Nguyễn Công Hoàng và GS. Richard Love ( Trường Đại học Tổng hợp Wisconsin - Hoa Kỳ) .

Trong các bệnh ung thư phổ biến chúng tôi lựa chọn căn bệnh ung thư vú vì đây là căn bệnh phổ biến nhất ở nữ giới và theo đánh giá về tiềm năng chúng ta có thể tiếp cận với trình độ ở khu vực và quốc tế.

GS.TS Trần Văn Thuấn: Trình độ điều trị bệnh ung thư vú của Việt Nam đã ngang tầm thế giới - Ảnh 2.

Nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trao Giải Nhất lĩnh vực Y dược cho GS.TS Trần Văn Thuấn- Giám đốc Bệnh viện K

Phóng viên: Được biết cụm công trình nghiên cứu của ông rất đồ sộ, với nhiều nghiên cứu được tiến hành trong nhiều năm, xin ông có thể chia sẻ nội dung chính của cụm công trình nghiên cứu này là gì?

GS.TS Trần Văn Thuấn: Đây là kết quả của 3 đề tài cấp nhà nước, trong đó nòng cốt là đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ cao trong chẩn đoán và điều trị bệnh ung thư vú” do cá nhân tôi làm chủ nhiệm, 3 đề tài cấp Bộ Y tế và Hợp tác quốc tế, 2 đề tài cấp cơ sở cùng với 25 đề tài, nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng trong lĩnh vực ung thư vú được tiến hành trong suốt khoảng thời gian từ năm 1994 tới năm 2016.

Qua cụm công trình nghiên cứu này cho thấy xu hướng mắc bệnh ung thư vú ở phụ nữ ngày càng gia tăng, điều đặc biệt là xu hướng mắc bệnh ung thư vú ở phụ nữ Việt Nam trẻ hơn so với nhiều nước.

Sàng lọc, phát hiện sớm bệnh ung thư vú bằng phương pháp chụp tuyến vú, nhất là chụp tuyến vú kết hợp với định vị 3 chiều bằng kim dây đã cho kết quả phát hiện ung thư vú rất sớm ngay cả khi bác sỹ chưa sờ thấy u qua thăm khám lâm sàng.

Sàng lọc phát hiện sớm cho thấy hiệu quả rõ rệt trong giảm chi phí điều trị và nâng cao tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư vú. Bệnh phát hiện sớm tỷ lệ chữa khỏi lên tới 95%.

Ứng dụng kỹ thuật lai tại chỗ gắn huỳnh quang (kỹ thuật FISH) cho phép phát hiện ung thư vú dương tính với yếu tố phát triển biểu mô Her 2 chính xác nhất. Đây là nền tảng quan trọng để ứng dụng các sản phẩm của công nghệ sinh học bằng kháng thể đơn dòng Trastuzumab cho các trường hợp này.

Kết quả mang lại hết sức khả quan cho các trường hợp dương tính với Her 2 mà bình thường nếu không có can thiệp của biện pháp này các trường hợp dương tính với gen có tiên lượng rất xấu do bệnh tiến triển nhanh.

Nhờ áp dụng một loạt các tiến bộ trong chẩn đoán, điều trị bao gồm: phẫu thuật, xạ trị, điều trị hệ thống bằng hóa chất, nội tiết và sinh học đã cho thấy tỷ lệ chữa khỏi do ung thư vú tính chung lên tới trên 70%.

Đây là kết quả tương đương với kết quả của Singapore và các nước phát triển trên thế giới. Bên cạnh đó nghiên cứu cũng cho thấy tỷ lệ người bệnh ung thư vú bị stress lên tới 40,4%. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần phải chăm sóc và điều trị toàn diện hơn cho người bệnh trong đó có điều trị tâm lý.

GS.TS Trần Văn Thuấn: Trình độ điều trị bệnh ung thư vú của Việt Nam đã ngang tầm thế giới - Ảnh 3.

GS.TS Trần Văn Thuấn và các cộng sự nhận giải Nhất cuộc thi Nhân Tài đất Việt

Phóng viên: Đến nay những nghiên cứu này được ứng dụng vào thực tiễn như thế nào, đem lại những lợi ích gì cho người bệnh? Trong lĩnh vực phát hiện, chẩn đoán và điều trị ung thư vú, y tế Việt Nam đang ở đâu so với thế giới?

GS.TS Trần Văn Thuấn: Từ kết quả nghiên cứu các đề tài liên quan, bên cạnh các thành tựu thu được chúng tôi đã chuyển giao ngay cho các cơ sở phòng chống ung thư ở Việt Nam, có thể khẳng định hầu hết các cơ sở phòng chống ung thư lớn ở nước ta đều được thừa hưởng thành quả của cụm công trình này.

Kết quả lớn nhất của nghiên cứu là đã nâng được tỷ lệ chữa khỏi bệnh ung thư vú trước đây dưới 50% nay đã lên đến trên 70% tương đương với các nước phát triển. Điều này khẳng định trình độ khoa học công nghệ về phòng chống ung thư ở Việt Nam đã tiếp cận được với trình độ cao ở các nước phát triển.

Phóng viên: Hiện nay ung thư vú xuất hiện ở những người còn rất trẻ. Ông có lời khuyên gì cho những phụ nữ nói chung và người đang điều trị ung thư vú nói riêng?

GS.TS Trần Văn Thuấn: Như đề cập ở trên tuổi phụ nữ mắc bệnh ung thư vú ở Việt Nam trẻ hơn so với thế giới nên chúng tôi đã khuyên phụ nữ Việt Nam nên đi khám tầm soát phát hiện ung thư vú sớm ở tuổi từ 40 thay vì từ tuổi 45 như ở các nước phát triển.

Đặc biệt các chị em phụ nữ có tiền sử gia đình có người mắc bệnh ung thư vú có thể đi khám sàng lọc ở tuổi sớm hơn. Chị em nên có ý thức tốt hơn về sức khỏe của mình trong đó có sàng lọc phát hiện sớm bệnh ung thư vú.

Cách đơn giản nhất là chị em có thể học cách tự khám ngực của mình. Nếu chẳng may mắc bệnh ung thư vú thì hãy bình tĩnh vì đây là căn bệnh chúng ta có thể hoàn toàn chữa khỏi khi được phát hiện sớm, điều trị kịp thời và đúng phương pháp.

Bên cạnh đó thay vì ra nước ngoài điều trị, chị em phụ nữ có thể hoàn toàn tin tưởng vào trình độ của bác sỹ Việt Nam bởi vì chúng ta đã hoàn toàn làm chủ được phương pháp điều trị và kết quả của công trình này một lần nữa đã khẳng định trình độ điều trị bệnh ung thư vú của chúng ta đã ngang tầm thế giới.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn GS!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại