GS Vũ Hà Văn: “Không có chuyện nhà khoa học ngồi một chỗ sản phẩm nghiên cứu có thể đến triệu người dùng”

Minh Hằng |

Theo GS Vũ Hà Văn, các nhà khoa học hiện nay cần phải dấn thân, đôi lúc hy sinh và trang bị những kỹ năng cần thiết để thu hẹp lại khoảng cách từ phòng thí nghiệm cho đến tay của người tiêu dùng.

Ngày (26 - 27/7), Hội thảo “Dấu ấn 5 năm hoạt động” của Quỹ Đổi mới Sáng tạo Vingroup (VINIF) chính thức diễn ra với sự tham gia của hơn 300 nhà khoa học uy tín trong và ngoài nước, các nhà quản lý, các chuyên gia chính sách, tài chính.

Tại hội thảo, bên cạnh các công trình, dự án được trình bày, đáng chú ý còn có tọa đàm “Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và hướng tới thương mại hóa các sản phẩm KHCN”.

Tọa đàm có sự tham gia của PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng đại học, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM; GS.TS. Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; TS. Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam; TS. Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch HĐQL Quỹ BK Fund; GS. Vũ Hà Văn, Giám đốc khoa học Quỹ VINIF và GS Đại học Yale, Hoa Kỳ và PGS. Phan Thị Hà Dương, Giám đốc điều hành Quỹ VINIF và PGS Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

GS Vũ Hà Văn: “Không có chuyện nhà khoa học ngồi một chỗ sản phẩm nghiên cứu có thể đến triệu người dùng” - Ảnh 1.

Toàn cảnh tọa đàm “Thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và hướng tới thương mại hóa các sản phẩm KHCN”. Ảnh: MH

Với kinh nghiệm và quá trình tham gia nghiên cứu, làm công tác quản lý, các vị chuyên gia này là chủ nhân của những phát ngôn truyền cảm hứng đến những người làm khoa học, đặc biệt là các nhà khoa học trẻ về việc thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và hướng tới thương mại hóa các sản phẩm KHCN.

1. “Tôi thấy VINIF là một quỹ rất nhân văn và phát triển với tổng kinh phí đầu tư lên tới gần 800 tỷ đồng. Nhưng tác động xã hội của quỹ này tôi nghĩ biết đâu có thể lên tới 8.000 tỷ đồng, hoặc thậm chí là 80.000 tỷ đồng. VINIF tương tự như BK Fund. Sau khi chúng tôi đầu tư vào các dự án, giá trị của chúng tăng lên rất nhiều”, TS Phạm Đình Đoàn.

GS Vũ Hà Văn: “Không có chuyện nhà khoa học ngồi một chỗ sản phẩm nghiên cứu có thể đến triệu người dùng” - Ảnh 3.

TS. Phạm Đình Đoàn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Phú Thái, Chủ tịch HĐQL Quỹ BK Fund. Ảnh: MH

2. “Tại sao các nhà khoa học không tiêu được tiền và trả lại ngân sách? Vì sao các đề tài của các nhà khoa học của chúng ta xếp ngăn kéo quá nhiều? Chúng tôi cho rằng để trả lời hai câu hỏi đó là phụ thuộc vào cơ chế tài chính của khoa học công nghệ phải đổi mới. Vì thế, chúng tôi cho rằng cần phải thực hiện cơ chế quỹ”, TS Nguyễn Quân.

3. “Hiệu quả của quỹ VINIF rất tốt. Dù chỉ mới ra đời với số tiền đầu tư lên tới gần 800 tỷ đồng và đầu tư một số dự án, nhưng sản phẩm của quỹ đã rất phong phú với hơn 500 bài báo khoa học, hàng trăm sáng chế và giải pháp hữu ích, hàng nghìn các báo cáo khoa học tại các hội nghị, hội thảo; đào tạo rất nhiều tiến sĩ, thạc sĩ... Điều này cho thấy sự khác biệt lớn so với các quỹ công lập”, TS Nguyễn Quân.

GS Vũ Hà Văn: “Không có chuyện nhà khoa học ngồi một chỗ sản phẩm nghiên cứu có thể đến triệu người dùng” - Ảnh 4.

TS. Nguyễn Quân, Nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, chia sẻ về những khó khăn trong việc thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng các sản phẩm KHCN. Ảnh: MH

4. “Nghiên cứu khoa học không phải chỉ để ở ngăn kéo. Nhưng để các sản phẩm khoa học đi vào cuộc sống thì cần các nhà khoa học cần phải mạnh dạn cùng với sự hỗ trợ của các quỹ, cơ chế chính sách phù hợp”, GS Chu Hoàng Hà.

GS Vũ Hà Văn: “Không có chuyện nhà khoa học ngồi một chỗ sản phẩm nghiên cứu có thể đến triệu người dùng” - Ảnh 5.

GS.TS. Chu Hoàng Hà, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Ảnh: MH

5. “Tôi đã đi qua cả 3 chặng đường nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu triển khai. Từ một nhà khoa học chỉ biết nghiên cứu cơ bản cho đến các sản phẩm trong phòng thí nghiệm, đến giờ, tôi cũng đã tham gia mở một số cơ sở kinh doanh, một vài start-up, với mục đích cuối cùng là phải bán được sản phẩm thật”, GS Vũ Hà Văn.

GS Vũ Hà Văn: “Không có chuyện nhà khoa học ngồi một chỗ sản phẩm nghiên cứu có thể đến triệu người dùng” - Ảnh 6.

GS Vũ Hà Văn cho rằng nhà khoa học cần phải biết dấn thân, hy sinh và trang bị những kỹ năng cần thiết để thu hẹp lại khoảng cách từ phòng thí nghiệm cho đến tay của người tiêu dùng. Ảnh: MH

6. “Mọi người đi xe VinFast bây giờ là thấy có sản phẩm trợ lý ảo của chúng tôi. Đây là một minh chứng cho thấy việc ứng dụng và thương mại hóa các sản phẩm KHCN”, GS Vũ Hà Văn.

7. “Không có chuyện nhà khoa học ngồi một chỗ mà sản phẩm từ trong phòng thí nghiệm có thể nhảy ra thành sản phẩm cho triệu người dùng được. Các nhà khoa học ở Mỹ cũng vậy, họ phải bỏ ra ngoài làm 2 – 3 năm là chuyện bình thường”, GS Vũ Hà Văn.

8. “Không phải ai sinh ra cũng có thể làm start-up. Do đó, các nhà khoa học cũng cần phải học rất nhiều cái mới như kỹ năng về tài chính, mở start-up, marketing, ”, GS Vũ Hà Văn.

GS Vũ Hà Văn: “Không có chuyện nhà khoa học ngồi một chỗ sản phẩm nghiên cứu có thể đến triệu người dùng” - Ảnh 7.

GS Vũ Hà Văn chia sẻ về Quỹ VINIF. Ảnh: MH

9. “Đôi khi tôi nghe thấy các nhà khoa học than thở rằng ‘tôi nói chuyện với doanh nghiệp, giải thích như thế mà họ không hiểu’. Thật ra khi giải thích không hiểu thì đây là lỗi của cả 2 bên. Do đó, để có thể xích lại gần nhau hơn, tôi nghĩ các nhà khoa học cần phải có sự dấn thân nhất định và trang bị một số kỹ năng cần thiết nếu thật sự muốn làm ra các sản phẩm ứng dụng”, GS Vũ Hà Văn.

10. “Tôi nghĩ điều khiến các nhà khoa học không nghĩ có thể trở thành doanh nhân có lẽ là vì họ chưa có tư duy kinh doanh. Có nghĩa là việc chúng ta làm đề tài hoặc công trình nghiên cứu không đơn giản để lấy cái bằng thạc sĩ hay tiến sĩ. Thay vào đó, chúng ta phải nghĩ và có khát vọng rằng đề tài đó làm giàu cho chính chúng ta, tức là cần phải có tính ứng dụng thực tiễn rất cao”, TS Phạm Đình Đoàn.

11. “Tác động lớn nhất của VINIF là làm thay đổi tư duy làm khoa học. Phần thưởng lớn nhất cho VINIF trong 5 năm qua, đó là các chương trình tài trợ của chúng tôi đã thu hút được sự tin tưởng từ các nhà khoa học, sinh viên, học viên, nghiên cứu sinh, cao hơn nữa là sự theo dõi sát sao từ các nhà nghiên cứu hoạch định chính sách. Chúng tôi hy vọng đây sẽ là tiền đề để tạo ra những bước ngoặt lớn hơn trong việc hỗ trợ nghiên cứu khoa học tại Việt Nam”, GS Vũ Hà Văn.

GS Vũ Hà Văn: “Không có chuyện nhà khoa học ngồi một chỗ sản phẩm nghiên cứu có thể đến triệu người dùng” - Ảnh 8.

PGS.TS Vũ Hải Quân, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng đại học, Giám đốc Đại học Quốc gia TP HCM, chia sẻ về người đổi mới sáng tạo trong KHCN. Ảnh: MH

12. “Muốn tìm được người đổi mới sáng tạo trong KHCN nói vui cần phải như Chu Bá Thông, có nghĩa là phải đánh võ được cả hai tay. Một tay người này có thể nói chuyện với nhà khoa học và tay còn lại nói chuyện được với doanh nghiệp. Bởi thực tế nhiều nhà khoa học hiện nay chỉ thuần túy về chuyên môn và không có tư duy về khởi nghiệp hay kinh doanh”, PGS.TS Vũ Hải Quân.

Quỹ Đổi mới sáng tạo Vingroup (VINIF) thuộc Viện Nghiên cứu Dữ liệu lớn (VNCDLL) ra đời từ tháng 8/2018. Ngay từ khi thành lập, VINIF đã ghi dấu ấn đặc biệt đối với giới học thuật Việt Nam khi là Quỹ tư nhân đầu tiên có ngân sách hàng nghìn tỷ đồng tài trợ hoàn toàn phi lợi nhuận cho sự phát triển KHCN nước nhà.

Trong 5 năm hoạt động, VINIF đã tài trợ trên 100 dự án khoa học công nghệ và văn hóa, lịch sử; cấp 1.200 suất học bổng; hỗ trợ 2.500 nhà khoa học… với tổng kinh phí lên tới gần 800 tỷ đồng, góp phần tiếp sức cho sự phát triển của nghiên cứu khoa học ở Việt Nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại