img
GS. TS Nguyễn Thanh Liêm: Chúng tôi đã làm được nhiều việc mà thế giới chưa làm được - Ảnh 1.

Sự nghiệp Y khoa của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm có nhiều kỷ lục lẫy lừng: Sáng tạo nên 9 phương pháp mổ nội soi được các nước có nền y khoa tiên tiến nhất thế giới áp dụng; là người trực tiếp phẫu thuật 5 ca song sinh dính liền, trong đó có 2 ca cực kỳ phức tạp mà ngay cả cường quốc y học cũng ít thành công; là người thực hiện ca mổ robot đầu tiên và là bác sĩ đầu tiên thực hiện ghép tế bào gốc chữa bệnh bại não và tự kỷ ở Việt Nam.

Đặc biệt, kỹ thuật Nội soi u nang ống mật chủ của GS.TS Nguyễn Thanh Liêm được đưa vào sách giáo khoa phẫu thuật nhi thế giới. Với hơn 200 công trình nghiên cứu y học, trong đó có 75 công trình nghiên cứu được xuất bản trên các tạp chí y học uy tín của Mỹ và châu Âu, ông cũng là bác sĩ đầu tiên và duy nhất đến thời điểm này của Việt Nam được nhận giải thưởng danh giá Nikkei Châu Á về khoa học – công nghệ. Là bác sỹ Việt Nam dụy nhất được mời giảng dạy và phẫu thuật trình diễn tại nhiều nước có nền y học phát triển.

GS. TS Nguyễn Thanh Liêm: Chúng tôi đã làm được nhiều việc mà thế giới chưa làm được - Ảnh 2.

Cuộc trò chuyện với đôi bàn tay vàng – một tượng đài trong làng phẫu thuật nhi thế giới này – được bắt đầu ngay sau một ca mổ phức tạp mà GS.TS Liêm thực hiện ở tuổi 66. Nhưng vị bác sĩ có biệt danh "workaholic" – "người nghiện việc" ấy không nói về ca mổ, mà hào hứng kể về những hy vọng mới trong điều trị bệnh bằng tế bào gốc ở bệnh viên đa khoa quốc tế Vinmec – nơi ông chủ động từ chức GĐ bệnh viện để lui về làm Viện trưởng Viện nghiên cứu tế bào gốc & công nghệ gen.

GS. TS Nguyễn Thanh Liêm: Chúng tôi đã làm được nhiều việc mà thế giới chưa làm được - Ảnh 3.

Tô Lan Hương: Tôi nhớ, năm 2012 – sau khi nhận quyết định nghỉ hưu ở BV Nhi Trung ương, thay vì nghỉ ngơi, ông đã nhận lời về Vinmec, trở thành cựu Giám đốc đầu tiên của một bệnh viện lớn của Nhà nước chuyển sang làm GĐ bệnh viện tư nhân. Mà Vinmec lúc đó còn rất non trẻ chứ chưa có tiếng tăm như bây giờ. Quyết định của ông xuất phát từ lý do tài chính hay lý do nào khác?

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Ai biết tôi đều hiểu rằng tôi là người nghiện công việc. Nghiện đến mức ngày nào không làm việc, không đọc sách, không nghiên cứu khoa học, là tôi không chịu nổi. Lúc tôi thôi giữ chức GĐ Bệnh viện Nhi Trung ương, tôi 60 tuổi. Nhưng tôi không bao giờ có ý nghĩ nghỉ ngơi, vì 60 tuổi là độ chín của một người bác sĩ – đặc biệt là trong lĩnh vực nghiên cứu.

Thật ra hồi đó kể cả sau khi nghỉ hưu, tôi vẫn có thể ở lại BV Nhi thêm 5 năm nữa và giữ chức trưởng khoa Ngoại, theo cơ chế giáo sư. Nhưng tôi từ chối, vì tôi nghĩ nếu tôi ở lại, sẽ khó cho cả tôi lẫn anh em trong bệnh viện.

GS. TS Nguyễn Thanh Liêm: Chúng tôi đã làm được nhiều việc mà thế giới chưa làm được - Ảnh 4.

Tôi làm GĐ Bệnh viện Nhi quá lâu rồi, nên đã quen với việc có quyền quyết định trong nhiều vấn đề. Thực ra làm GĐ bệnh viện không phải chuyện thích thú gì cho cam. Nhưng nếu anh không làm GĐ, thì chắc chắn anh sẽ không thể làm được nhiều việc anh muốn. Giờ nghỉ hưu, làm trưởng khoa ngoại dưới quyền người khác, có nhiều việc mình không tự chủ được, có nhiều công trình muốn nghiên cứu mình cần phải được cấp trên đồng ý, tôi thấy điều ấy không dễ.

Anh em trong viện cũng vậy, sẽ dễ bị khó xử vì tôi. Họ không thể cư xử với tôi như cấp dưới bình thường. Chẳng nhẽ, tôi là cán bộ trong bệnh viện, là trưởng khoa ngoại mà lại không đi giao ban? Nhưng tôi mà đi giao ban, thì anh GĐ bệnh viện kế nhiệm tôi sẽ rất khó chỉ đạo. Đó chỉ là một vài trong số rất nhiều điều tế nhị. Để cả hai không khó xử, tôi nghĩ sự gắn bó của tôi với BV Nhi nên dừng lại ở đó.

Mà trùng hợp là khi tôi nghỉ hưu cũng là thời điểm xu hướng bệnh viện tư hay các dịch vụ y tế tư nhân bắt đầu nở rộ. Lúc đó lãnh đạo Vingroup mời tôi về làm GĐ Bệnh viện Vinmec. Tôi nghĩ tại sao không thử? Vì tôi đã thành công với vai trò quản lý một bệnh viện nhà nước, sao không thử đặt mình trong vai trò quản lý một bệnh viện tư, nhất là khi về Vinmec, tôi sẽ được đáp ứng nguyện vọng nghiên cứu khoa học của mình.

Vài năm sau này, khi tôi trở về BV Nhi Trung ương, được cô nhân viên hành chính ôm chầm lấy mình, thì tôi nghĩ mình lựa chọn đúng. Nếu tôi cứ cố ở lại, gây sức ép của một cây đa cây đề lên những người trẻ, thì có khi sẽ chẳng giữ được tình cảm với nhau như vậy.

GS. TS Nguyễn Thanh Liêm: Chúng tôi đã làm được nhiều việc mà thế giới chưa làm được - Ảnh 5.

Tô Lan Hương: Vinmec đãi ngộ ông có tốt không?

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Nếu chỉ vì đãi ngộ thôi thì không thuyết phục được tôi đâu. Tôi nói thế này sẽ nhiều người bảo tôi khen ông Phạm Nhật Vượng, nhưng tôi nghĩ người như ông Vượng thì không cần khen nữa. Với các lĩnh vực khác tôi không hiểu nên không nói, nhưng khi kinh doanh Vinmec, ông Vượng chủ trương kinh doanh một cách rất nhân đạo.

Vinmec là một bệnh viện 5 sao với giá cả đắt đỏ. Người giàu chọn sử dụng dịch vụ của chúng tôi rất nhiều. Nhưng Vinmec cũng có chỗ cho cả người nghèo. Cái hay của ông Phạm Nhật Vượng là ông ấy không chấp nhận có sự phân biệt đối xử giữa bệnh nhân nghèo và bệnh nhân giàu. Bệnh nhân nghèo thì vẫn được nằm giường bệnh riêng, vẫn có buồng bệnh riêng. Tất cả chi phí sẽ do Vinmec và Vingroup chi trả. Nhưng bệnh nhân nghèo sẽ vẫn được đối xử như một khách hàng VIP. Những việc như vậy thuyết phục tôi, khiến tôi ở lại với Vinmec trong những năm qua.

GS. TS Nguyễn Thanh Liêm: Chúng tôi đã làm được nhiều việc mà thế giới chưa làm được - Ảnh 6.

Tô Lan Hương: Khi làm GĐ Bệnh viện tư, ông thấy có khác với làm GĐ Bệnh viện Nhà nước?

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Khi làm GĐ Bệnh viện công, tôi phải lo cho đời sống từ ông bảo vệ đến ông giáo sư trong bệnh viện. Nhiều năm trước, khi tôi là người đầu tiên đưa ra sáng kiến giường bệnh dịch vụ để cải thiện đời sống cho cán bộ y tế, người ta tấn công tôi dữ dội lắm. Vì họ cho rằng như thế sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các bệnh nhân khác.

Nhưng tôi không thể không làm, vì nhân viên của mình khổ quá, nghèo quá. Tôi làm và vẫn đảm bảo một nguyên tắc: Toàn bộ khu giường bệnh dịch vụ đó là khu xây mới với mục đích làm dịch vụ, không dùng giường bệnh có sẵn để kinh doanh. Và tiền thu được thì 2/3 đầu tư vào việc mua sắm trang thiết bị phục vụ cho việc khám chữa bệnh của cả bệnh viện. Nhưng việc đó khi ấy không nhiều người hiểu. Bây giờ thì khám bệnh và chữa bệnh dịch vụ đã phổ biến và được công nhận như một điều hiển nhiên ở các bệnh viện công rồi.

Về Bệnh viện tư thì nhàn hơn nhiều. Có cả một hệ thống hỗ trợ tôi: từ GĐ Tài chính, GĐ kinh doanh, GĐ vận hành. Tôi không còn phải lo lắng cho tất cả mọi thứ nữa. Nhưng mà Bệnh viện tư thì lại phải cân đối doanh thu. Tôi phải cân bằng giữa mong muốn làm chuyên môn của mình, giữa lợi ích của bệnh nhân với nguồn thu của bệnh viện.

Tô Lan Hương: Và ông có nghĩ mình thành công ở cương vị đó?

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Lúc tôi mới về, Vinmec đang bắt đầu những bước đi đầu tiên. Nhưng tôi hài lòng là đến lúc mình rời khỏi vị trí GĐ, Vinmec đã trở thành một thương hiệu tên tuổi.Với tôi, đó cũng gọi là thành công rồi.

Tô Lan Hương: Thế tại sao giữa lúc thành công, ông lại rời khỏi vị trí đó?

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Vinmec trả cho tôi một mức thu nhập rất tốt. Nhưng tôi đã ở cái tuổi mà không còn bị áp lực bởi tiền bạc, không còn tham vọng về quyền chức. Tôi muốn kết thúc một chặng đường và bắt đầu một chặng đường mới. Tôi đề nghị với lãnh đạo tập đoàn cho tôi được tập trung vào nghiên cứu khoa học. Và họ đồng ý. Vì thế bây giờ tôi chỉ là Viện trưởng Viện Nghiên cứu Tế bào gốc và Công nghệ gen thôi.

GS. TS Nguyễn Thanh Liêm: Chúng tôi đã làm được nhiều việc mà thế giới chưa làm được - Ảnh 7.

Tô Lan Hương: Sao người ta lại gọi ông là "bàn tay vàng" của phẫu thuật nhi Việt Nam và thế giới?

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Tôi là một bác sĩ phẫu thuật mát tay và gặp may. Cái may là tôi đã mổ nhiều ca phức tạp, rủi ro lớn, nhưng tỷ lệ thành công cao.

Tô Lan Hương: Có thật là may mắn sẽ là đủ cho cả cuộc đời của một bác sĩ?

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Không, nhưng là yếu tố cần phải có đấy. Ví dụ, những ca mổ đầu tiên của tôi trong bất cứ thử nghiệm với phương pháp mới nào, đều chưa bao giờ thất bại. Mà ca mổ đầu tiên sẽ ảnh hưởng rất lớn đến tâm lý của người bác sĩ.

Nhưng một chuyên gia hàng đầu về phẫu thuật ngoài sự khéo tay còn cần có một cái đầu biết suy nghĩ và sáng tạo. Người phẫu thuật viên khéo tay sẽ biết làm thành thục những thứ mà người khác đã làm. Người phẫu thuật viên có đầu óc, thì sẽ biết sáng tạo và làm được những thứ người khác chưa từng làm.

GS. TS Nguyễn Thanh Liêm: Chúng tôi đã làm được nhiều việc mà thế giới chưa làm được - Ảnh 8.

Tô Lan Hương: Vậy ca mổ khiến ông tự hào nhất?

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Đó là hai cả mổ tách hai bé sinh đôi dính nhau Cúc An 15 năm trước – một ca mổ "cân não".

Thật ra trước khi mổ ca Cúc An, tôi đã mổ ca Nghĩa Đàn. Nhưng áp lực lớn nhất của ca mổ Cúc An là truyền thông. Vì khi đó, Cúc An đã nằm viện 6 tháng trời. Truyền thông, báo chí ngày ngày đưa tin về hai đứa trẻ. Với một ca mổ như thế, nói thực là tôi không được phép thất bại.

Tôi nhớ ngày đó máy móc hỗ trợ còn rất sơ sài, chưa có chụp CT hay MRI (Cộng hưởng từ) như bây giờ. Nên có những cái chúng tôi phải phán đoán bằng kinh nghiệm của mình. Hậu quả là lúc mổ sẽ có rất nhiều tình huống bất ngờ mà vì thiếu máy móc nên bác sĩ không thể dự đoán được.

Ca mổ Cúc An kéo dài 10 tiếng, đã có lúc tôi tưởng mình sẽ thất bại. Đó là khi tôi phát hiện hai đứa trẻ Cúc – An chỉ có một gan – điều nằm ngoài dự kiến. Vì trước đó chúng tôi nghĩ hai đứa trẻ chỉ bị dính gan, chứ ko phải là chỉ có một gan như thế.

Lẽ ra tôi có thể lựa chọn dừng ca mổ và hội chẩn. Nhưng tôi vẫn quyết định mổ và chia tách gan ngay lúc đó. Cũng may là tôi có kinh nghiệm mổ những ca u gan, nên cuối cùng ca mổ tách hai trẻ song sinh dính nhau đó thành công tốt đẹp.

Sau phẫu thuật, tôi lo lắng đến mức cả tháng trời, kể cả giữa đêm khuya hay rạng sáng, hay là khi đi công tác nước ngoài, tôi vẫn phải gọi điện cho các bác sĩ, y tá theo dõi sức khoẻ sau hậu phẫu để dặn dò mỗi ngày.

Hai bé Cúc An bây giờ sống ở Thanh Hoá, đã 17 tuổi và lớn lên khoẻ mạnh, năm nào cũng gọi điện chúc Tết bác sĩ Liêm. Sau khi mổ, tôi còn tìm nhà tài trợ sữa cho hai đứa nhỏ suốt nhiều năm trời. Nên cả hai đứa trẻ đều có chiều cao gần 1m70, sức khoẻ bình thường và năm nào cũng là học sinh giỏi. Tôi rất hạnh phúc.

Hôm rồi gọi điện cho mẹ của hai đứa, tôi còn hứa lần tới gặp, tôi sẽ tặng cho chúng một bộ máy tính để phục vụ học hành.

GS. TS Nguyễn Thanh Liêm: Chúng tôi đã làm được nhiều việc mà thế giới chưa làm được - Ảnh 10.

Tô Lan Hương: Giờ ông có còn thực hiện những ca mổ "cân não" như thế nữa không?

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Tôi không còn phù hợp cho những ca mổ đó. Một cầu thủ, dù tài năng đến mấy cũng phải có lúc giã từ sự nghiệp của mình. Năm nay tôi đã 66 tuổi, cũng phải giảm dần cường độ làm việc và có lẽ tôi sẽ dừng toàn bộ công việc của mình sau khi qua tuổi 70. Bởi vì không ai chống lại được quy luật thời gian.

Ví dụ như hôm nay, trước lúc tiếp chị, tôi vừa thực hiện một ca mổ. Những ca mổ kiểu đó, tôi đã từng thực hiện rất nhiều lần trong suốt đời bác sĩ của mình và đều thành công. Nhưng ở tuổi tác này, tôi ý thức được rằng mình không nên cầm dao mổ để mổ những ca phức tạp như vậy.

Bởi dù có kỹ thuật điêu luyện, tôi không cưỡng lại được tuổi tác. Hôm nay tôi nhận lời vì bệnh nhân tha thiết đến mức không chịu mổ bởi ai khác ngoài tôi. Nhưng thực hiện ca mổ này xong rồi, tôi tự hứa rằng đây sẽ là lần mổ cuối cùng của tôi cho những ca tương tự. Tôi không thể mạo hiểm với tính mạng của bệnh nhân, khi sức khoẻ mình không còn cho phép, dù xác suất đó là không nhiều.

GS. TS Nguyễn Thanh Liêm: Chúng tôi đã làm được nhiều việc mà thế giới chưa làm được - Ảnh 11.

Tô Lan Hương: Con trai ông cũng là bác sĩ của BV Nhi Trung ương. Anh ấy có giỏi bằng cha mình?

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Giỏi thì có lẽ là giỏi hơn đấy, thông minh hơn đấy. Nhưng không chăm bằng bố.

Tô Lan Hương: Thế theo ông, bác sĩ thì cần giỏi và thông minh hơn, hay cần chăm chỉ hơn?

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Thông minh là điều kiện bắt buộc để trở thành bác sĩ giỏi. Nhưng nghề y là một nghề cần sự cẩn thận và cần cù. Cẩn thận để không sai sót. Vì trong phẫu thuật, sai một ly là đi một dặm. Cần cù để luôn học hỏi. Vì bác sĩ là nghề phải học hỏi cả đời. Vì với sự tiến bộ của y học bây giờ, cứ vài tháng là lại có thêm rất nhiều kiến thức mới.

Hồi xưa, mỗi thứ 7, CN tôi thường ôm cả sách vào BV để đọc. Nhưng giờ thì không thể đòi hỏi thế hệ trẻ như thế. Con trai tôi đi du học nước ngoài 10 năm, có nhiều nền tảng tốt hơn bố, nhưng vẫn hay bị tôi "chê" là không có lửa. Nhưng cũng có thể là vì tôi đã quá nghiêm khắc với con mình, vì ở BV Nhi, cậu ấy vẫn là một bác sĩ được đánh giá cao. Nghiên cứu khoa học là đam mê, không ai có thể ép buộc được, nên tôi tôn trọng con mình.

Con gái tôi cũng đang du học theo chuyên ngành tế bào gốc. Từ hồi nó còn nhỏ, tôi đã bắt nó dịch sách khoa học cùng, để nó có thể tiếp xúc và làm quen với các phương pháp nghiên cứu khoa học. Bây giờ con bé đi du học ở Úc, vừa làm xong luận án thạc sĩ về tế bào gốc, tôi vẫn hay đùa: "Đấy, ngày xưa bố bắt làm thì ghét bố. Nhưng bây giờ thấy có hữu ích không?". Và con bé cười.

GS. TS Nguyễn Thanh Liêm: Chúng tôi đã làm được nhiều việc mà thế giới chưa làm được - Ảnh 12.

Tô Lan Hương: Tôi rất tò mò, ông có cơ hội tiếp xúc với bệnh nhân ở nhiều tầng lớp khác nhau, ông cư xử với bệnh nhân nghèo và bệnh nhân giàu sẽ có gì khác biệt?

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Nếu có gì khác, thì có lẽ chỉ khác ở chỗ, tôi "cảnh giác" với bệnh nhân giàu hơn (cười). Vì nói thực, là bác sĩ, tôi gặp nhiều bệnh nhân có cả hai: vừa giàu có, vừa tri thức. Nhưng không phải ai cũng thế. Trong trường hợp đó, nếu không cẩn thận thì sẽ rất dễ gặp phiền phức.

Khi tôi đi học nước ngoài, tôi nhận ra một điều, bác sĩ ở nước ngoài cư xử với bệnh nhân so với các bác sĩ ở Việt Nam rất khác nhau. Hồi ở Pháp, tôi theo học một ông thầy Pháp. Mỗi lần bệnh nhân đến, ông ấy đều bắt tay bệnh nhân, đích thân kéo ghế cho bệnh nhân ngồi. Sau khi khám xong, ông ấy lại đứng dậy chào và cảm ơn bệnh nhân của mình đã tin tưởng ông ấy. Tôi rất suy nghĩ về việc đó.

Sau này khi về nước, tôi học theo cách cư xử ấy. Ví dụ, tôi luôn lấy ghế cho bệnh nhân ngồi. Nếu đồng nghiệp của tôi khám cùng tôi, thì bác sĩ có thể thiếu ghế ngồi, chứ không bao giờ để bệnh nhân thiếu ghế ngồi.

Tôi từ nông thôn ra, nên tự nghĩ rằng mình có sự đồng cảm với những người nghèo. Và không bao giờ có suy nghĩ rằng mình khám bệnh cho người nghèo thì không chu đáo hay không tôn trọng bằng người giàu. Mà thật lòng thì, chính những bệnh nhân nghèo và gia đình họ, mới là những người thường xuyên nhắn tin, hỏi han tôi và chúc mừng tôi nhiều nhất mỗi khi tôi đạt được một thành tựu nào đó.

GS. TS Nguyễn Thanh Liêm: Chúng tôi đã làm được nhiều việc mà thế giới chưa làm được - Ảnh 13.

Tô Lan Hương: Ở tuổi này, ông mong muốn gì nhất?

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Chị có biết điều ám ảnh nhất với một bác sĩ như tôi là gì không? Đó là như ngày hôm nay, khi một người cha có đứa con bại não nắm lấy tay tôi vừa như van lơn, vừa như cầu cứu: "Bác sĩ ơi, chẳng nhẽ không có cách nào cứu được con tôi sao? Chẳng lẽ bác sĩ cũng đành chịu à?".

Tôi luôn sợ hãi và day dứt trước câu hỏi đó của người nhà bệnh nhân. Với tôi, đó là sự thất bại của người thầy thuốc. Và tôi muốn được toàn tâm toàn ý nghiên cứu khoa học, để giải những "bài toán" mà y học chưa giải được, để chữa những căn bệnh mà bác sĩ chúng tôi còn bất lực.

Tô Lan Hương: Đó có phải là lý do khiến ông dành tất cả những năm tháng sung sức cuối cùng của mình cho công trình nghiên cứu chữa bệnh bằng tế bào gốc mà ông đang theo đuổi?

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Đúng vậy!

GS. TS Nguyễn Thanh Liêm: Chúng tôi đã làm được nhiều việc mà thế giới chưa làm được - Ảnh 14.

Tô Lan Hương: Nhưng tôi nghe nói rằng, kể cả khi ông trở thành người Việt Nam đầu tiên được trao giải thưởng Nikkei cho các công trình nghiên cứu về phẫu thuật nội soi trẻ em và chữa bệnh bằng tế bào gốc, thì đây vẫn là một công trình vô cùng gây tranh cãi trong giới y khoa, trên các diễn đàn y học khắp thế giới. Ông có biết điều đó không?

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Tôi biết cả chứ! Chữa bệnh bằng phương pháp tế bào gốc vẫn là một con đường dài và đầy thử thách mà y học cần theo đuổi, nên tranh cãi là điều không tránh khỏi.

Hồi 2005, khi tôi quyết định thực hiện phương pháp này trên bệnh nhi, một đồng nghiệp người Úc đã ngăn cản ý định đó của tôi quyết liệt, vì cho rằng cơ sở vật chất của BV Nhi chưa đạt được tiêu chuẩn. Nhưng trong phạm vi khả năng của mình, tôi đã cố gắng cải tạo một khu vực của bệnh viện để xây dựng hai phòng ghép tế bào gốc đạt tiêu chuẩn tối thiểu nhất phục vụ cho việc cấy ghép.

Ca cấy ghép đầu tiên là một bệnh nhân suy tuỷ - rất may mắn đã thành công. Kinh phí hoàn toàn là do tôi xin tài trợ, vận động các nguồn ủng hộ, quyên góp. Sau này tôi cũng dùng phương pháp đó cho một bệnh nhân nhi bị teo đường mật bẩm sinh. Những bệnh nhân mắc bệnh này chỉ có 25% cơ hội sống sau khi phẫu thuật. Phần lớn số đó sẽ bị xơ gan buộc phải ghép gan. Mà Việt Nam thì chi phí ghép gan nằm ngoài tầm tay với của quá nhiều bệnh nhân. Nhưng bệnh nhi bị teo đường mật bẩm sinh đã khỏi bệnh sau ca ghép tế bào gốc của tôi. Những thành công ban đầu ấy đã động viên tôi theo đuổi đề tài này.

Nhưng điều kiện cơ sở vật chất và tài chính của BV Nhi Trung ương không đủ để phát triển nghiên cứu này. Nên năm 2013, sau khi về Vinmec 1 năm, tôi mới đề nghị xây dựng một trung tâm nghiên cứu về ghép tế bào gốc để tiếp tục công trình này.

GS. TS Nguyễn Thanh Liêm: Chúng tôi đã làm được nhiều việc mà thế giới chưa làm được - Ảnh 15.

Tô Lan Hương: Nếu nó tích cực và nhiều tiềm năng thì sao nó lại bị nghi ngờ và e ngại như vậy?

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Trong khoa học, mọi cái mới đều bị nghi ngờ. Trong suốt mấy chục năm làm bác sĩ của mình tôi đã gặp rất nhiều nghi ngờ như thế. Nhưng chẳng sao cả. Nhiều công trình tôi làm khi mới bắt đầu bị công kích rất khủng khiếp, nhưng giờ đã phổ biến trong ngành Y. Chúng ta sẽ cần rất nhiều thời gian nữa, để nghiên cứu về tế bào gốc và để tạo niềm tin cho người ta về nó. Dĩ nhiên, đừng coi tế bào gốc là thứ có thể chữa bách bệnh như một số người quảng cáo.

Nhưng cũng có những người phản đối vì lý do rất hài hước. Ví dụ khi tôi điều trị bệnh tự kỷ cho trẻ em bằng phương pháp này, họ đưa ra luận điểm: Tại sao Mỹ chưa làm mà Việt Nam lại làm? Tại sao có hiệu quả mà Mỹ lại e ngại?

Cho đến năm ngoái và đầu năm nay, khi Mỹ bắt đầu công bố hai công trình nghiên cứu của họ về điều trị trẻ tự kỷ bằng phương pháp này và được CNN đưa tin, thì những ý kiến phản đối đó không còn nữa.

Nếu tôi là một nhà khoa học ở một cường quốc, mà tôi đang nghiên cứu một công trình mới, một phương pháp mới, người ta sẽ tung hô, sẽ chờ đợi. Nhưng cũng chính là tôi – chỉ là một nhà khoa học, một công dân nước nhỏ - người ta sẽ công kích và nghi ngờ.

Hôm nay, dù còn phải đối mặt với nhiều nghi ngờ, tôi có thể tự tin nói rằng, chúng tôi đã làm được nhiều việc mà thế giới chưa làm được. Đó là đóng góp cho nền y học của nhân loại. Có rất nhiều thứ tôi làm, các trường ĐH ở Úc, ở Nhật, Hàn Quốc – đều là những nước có nền y tế phát triển - đề nghị tôi đến giảng dạy. Họ đã cử những đoàn chuyên gia sang đây trao đổi kinh nghiệm trong thời gian tới.

GS. TS Nguyễn Thanh Liêm: Chúng tôi đã làm được nhiều việc mà thế giới chưa làm được - Ảnh 16.

Tô Lan Hương: Lý do gì sẽ khiến ông nghĩ một bác sĩ – một nhà khoa học có xuất thân từ nước nhỏ thì lại khó được thừa nhận?

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Có lần một BV có tiếng ở Đài Loan mời tôi sang mổ (mà Đài Loan vốn rất phát triển về y tế). Phía bệnh viện cử một cô bác sĩ ra sân bay đón tôi bằng một chiếc xe rất sang trọng.

Nhưng trên đường đi, khi biết tôi là người Việt, cô bác sĩ đã hỏi đi hỏi lại nhiều lần "ông làm việc ở Việt Nam hay làm việc ở quốc gia nào?". Nghĩa là cô ấy không tin một bác sĩ Việt Nam, đang làm việc ở Việt Nam lại được mời sang đây để mổ, để giảng dạy tại các lớp học quốc tế. Điều này chúng tôi gặp thường xuyên, dù thực tế là ngày càng có nhiều bác sĩ Việt Nam được các nước trên thế giới đánh giá cao và thường xuyên được mời sang giảng dạy hoặc mổ những ca phức tạp.

Tôi có một công trình nghiên cứu về việc phẫu thuật chữa trị dị tật không có hậu môn ở trẻ em từ năm 2012. Nhưng trên thế giới, cho đến cách đây mấy năm trước thì người ta vẫn theo kỹ thuật cũ của Mỹ. Khi tôi đề xuất kỹ thuật khác, họ gạt đi. Có người phản biện công trình của tôi còn viết một ý gần như xúc phạm, rằng ông Nguyễn Thanh Liêm không hiểu gì về sinh lý, về giải phẫu. Không dễ gì mà một nhà khoa học ở Việt Nam chứng minh được rằng phương pháp của mình ưu việt hơn phương pháp của một nước tiên tiến như Mỹ, nhất là đó lại là một phương pháp kinh điển đã được áp dụng nhiều năm trên thế giới.

Thế là tôi lại dành một hai năm tiếp theo để thu thập thêm các số liệu chứng minh cho phương pháp của mình. Cuối cùng thì người ta cũng buộc phải công nhận. Bây giờ thì kỹ thuật đó đã được ứng dụng ở cả những nước lớn như Mỹ, Ý, Ấn độ. Nói ra điều này có thể bị cho rằng khoa trương, nhưng có những đồng nghiệp nước ngoài của tôi đã nói: "Liêm, tôi là fan của ông rồi. Người ta mời tôi đi dạy, đi mổ bằng phương pháp của ông ở nhiều nơi trên thế giới, tôi phải nói với họ: phương pháp này là của ông Liêm chứ không phải của tôi".

Với một người làm khoa học, đó là sự động viên vô cùng lớn lao. Sau những chuyện đó, tôi hiểu rằng, với vị thế của đất nước mình, thì mình phải kiên nhẫn để chứng minh những gì mình theo đuổi, và buộc thế giới phải công nhận mình. Nhưng khi đã được công nhận rồi, thì họ lại rất trân trọng mình, đánh giá rất cao mình. Bây giờ đi ra nước ngoài, tôi được đánh giá cao hơn ở trong nước nhiều.

GS. TS Nguyễn Thanh Liêm: Chúng tôi đã làm được nhiều việc mà thế giới chưa làm được - Ảnh 18.

Tô Lan Hương: Thế với công trình tế bào gốc mà ông theo đuổi – vốn vẫn gây chia rẽ ở nhiều nước tiên tiến nhất, ông có tham vọng biến nó thành công trình nghiên cứu lớn nhất của đời mình không?

GS. TS Nguyễn Thanh Liêm: Đó không còn là tham vọng cá nhân, mà là giấc mơ biến Việt Nam thành trung tâm ứng dụng về tế bào gốc hàng đầu thế giới. Chứ còn với cá nhân mình, tôi đã không còn nhớ mình có bao nhiêu công trình nghiên cứu, bao nhiêu bài báo quốc tế, bao nhiều bằng khen, bao nhiêu giải thưởng nữa. Tôi có lẽ đã có đủ danh tiếng cho cả đời người rồi. Tiền bạc cũng không thiếu.

Tô Lan Hương: Lẽ nào ông không sợ nếu mình thất bại, thanh danh cả đời làm khoa học của mình sẽ bị huỷ hoại?

GS.TS Nguyễn Thanh Liêm: Đôi khi lên facebook hay các diễn đàn y khoa, tôi vẫn bắt gặp người này phê phán mình, người kia chửi bới mình. Cũng có những lúc tôi khó chịu. Nhưng sau đó tôi nhanh chóng vượt qua, vì nghĩ rằng nếu ai cũng ngần ngại và sợ hãi, thì nhân loại chẳng thể có được những thành tựu đã có hôm nay.

Nếu tôi thành công, thì sẽ nhiều người bệnh được cứu chữa. Nếu tôi thất bại, thì những người sau này sẽ tránh được vết xe đổ của tôi.

Không! Tôi không sợ thất bại, không sợ thanh danh bị huỷ hoại, bằng nỗi sợ mình bất lực khi đối diện với những bệnh nhân mà tôi không đủ khả năng để cứu!

Tô Lan Hương: Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

GS. TS Nguyễn Thanh Liêm: Chúng tôi đã làm được nhiều việc mà thế giới chưa làm được - Ảnh 19.
Tô Lan Hương
Tuấn Mark
Đỗ Linh
Theo Trí Thức Trẻ16/11/2018