Theo GS Trần Đông A đến thời điểm này ca mổ diễn ra như dự tính. Hai bé mất lượng máu vừa phải, chỉ đến khi đục xương mới phải truyền máu.
Các bác sĩ đã tách khung chậu hai bé để đóng khung chậu và nối liền đường niệu cho bé. Sức khỏe hai bé từ đầu ca mổ luôn ổn định. Theo như kế hoạch dự kiến ca mổ kéo dài khoảng 12 tiếng đến khoảng 18h sẽ xong.
Giáo sư Trần Đông A - Chuyên gia chính của ca mổ tách 2 bé song sinh chia sẻ về quá trình thực hiện
GS Trần Đông A nhớ lại ca mổ Việt Đức do ông trực tiếp chỉ đạo và là kỹ thuật viên phẫu thuật chính. GS A cho biết trong lịch sử, chưa ai từng tiến hành ca mổ tách dính cặp song sinh, trong đó có một ca bị bại não mười mấy tiếng đồng hồ. Dính nhau như Việt-Đức trên thế giới chỉ có 6 cặp nhưng không có bé nào bị bại não.
Ca mổ thiếu thốn vô cùng, kháng sinh không có, chỉ khâu cũng không có, sát trùng da cũng không có phải nhờ sự giúp đỡ của Hội chữ thập đỏ Nhật Bản. Thiếu thốn như vậy nhưng ca mổ đã thành công.
GS Trần Đông A – kỹ thuật viên mổ chính cặp song sinh dính liền Việt – Đức 32 năm trước
Đối với ca mổ Trúc Nhi – Diệu Nhi ngày hôm nay, GS A cho biết ca mổ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn là bệnh viện hiện đại, trang bị hiện đại, đúng tầm mức thế giới không khó khăn như 32 năm trước.
Trong 32 năm qua, tham gia 2 ca mổ thuộc loại khó và hiếm, GS A cho biết ông đã được chứng kiến sự tiến bộ vượt bậc của Việt Nam về mọi mặt và trang bị y tế vô cùng hiện đại, bây giờ ta đã có đủ trang thiết bị.
GS A cũng vô cùng hạnh phúc, hứng khởi khi các học trò, đàn em của ông đã rất vững vàng. Đây là điều hạnh phúc không phải ai cũng có được. Dù đã 80 tuổi, làm cố vấn nhưng từ sáng tới giờ GS A cũng không thấy mệt mỏi. Ông cho rằng "được tham gia ca mổ không phải ai cũng có điều hạnh phúc này. Hạnh phúc khi cứu được các bé thập tử nhất sinh là điều mà thầy thuốc nào cũng mong đợi".
Trước đó, lúc 14h07, tin từ Bệnh viện Nhi đồng TP cho biết đã tách rời xong 2 bé và chuyển qua phòng mổ siêu sạch số 12 để tiếp tục tạo hình, chỉnh hình và đưa các cơ quan nội tạng về vị trí bình thường.
Các bác sĩ cho biết hai bé Trúc Nhi - Diệu Nhi dính nhau vùng chậu với 4 chân tách rời theo kiểu ischiopagus tetrapus (quadripus), cực kỳ hiếm gặp. Theo ước tính trên thế giới, tỉ lệ song thai dính nhau là 1/200.000 trẻ sống. Trong số đó, chỉ có 6% là dính nhau theo kiểu ischiopagus tetrapus.
Có thể nói ca mổ của "Song Nhi" là ca phẫu thuật tách dính song sinh phức tạp bậc nhất từ trước đến nay tại Việt Nam.