"Chắc chắn việc dâng sao giải hạn sẽ không giải được hạn như mọi người nghĩ"
Những ngày qua, hình ảnh hàng ngàn người dân đến các chùa như chùa Phúc Khánh tại Ngã Tư Sở (Hà Nội) ngồi kín lòng đường để làm lễ dâng sao giải hạn, cầu an dịp đầu năm đã được chia sẻ nhiều trên các trang mạng với không ít ý kiến không đồng tình.
Trao đổi với PV, GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa cho hay, việc cúng sao giải hạn xuất phát từ rất lâu theo quan niệm, con người là một bộ phận của vũ trụ.
Khi sinh sẽ chiếu với một sao chiêm tinh. Trong số các sao đó có những sao mang lại điều tốt và sao mang điều xấu. Vì thế, người xưa quan niệm bản mệnh của mỗi người sẽ ứng với mỗi vị sao chiếu.
Trên cơ sở lý luận, hình thành phong tục cúng sao giải hạn để mong hạn chế những điều không tốt khi gặp phải sao xấu.
Ngoài lễ cúng sao giải hạn đầu năm, mọi người còn làm lễ cầu an nhằm cầu mong sự yên bình. Đó là nguyện vọng tốt đẹp và mọi người đều có quyền tự do tín ngưỡng.
"Việc quan niệm, số phận con người ứng với một sao có từ rất lâu nhưng có đúng không thì không ai biết và không thể giải thích cụ thể.
Đây là vấn đề tín ngưỡng tâm linh, chủ yếu về niềm tin nên nhiều người quan niệm, khi chưa biết cái nào đúng, cái nào sai hãy cứ làm, chẳng hạn như dâng sao giải hạn trúng được đâu thì trúng và sẽ dẹp bớt nỗi lo.
Tuy nhiên, chắc chắn việc dâng sao giải hạn sẽ không giải được hạn như mọi người nghĩ", GS Thịnh nói.
Người dân ngồi tràn ra đường dự lễ dâng sao giải hạn, cầu an ở chùa Phúc Khánh. Ảnh: Tiến Tuấn.
Giáo sư Thịnh dẫn chứng, chính gia đình ông, khi có một số vấn đề còn nghi ngờ, đồn đoán điều xấu đến mà không giải thích được, mọi người có đi làm lễ này.
"Tuy nhiên, làm xong lễ dâng sao giải hạn rồi mà hạn trong năm đó không giải được, vẫn cứ xảy ra nên tôi vẫn nói, thực tế đã trả lời rõ nhất cho hành động mình làm.
Quan trọng nhất chính là tấm lòng thành kính hướng Phật, làm nhiều điều tốt đẹp thì mọi việc sẽ tốt chứ không phải cứ nhiều lễ vật dâng cúng", GS Thịnh chia sẻ và cho biết, năm nay, vẫn có một số chùa đến đến đề nghị gia đình làm lễ nhưng ông không làm.
Theo giáo sư, trước đây, việc cúng dâng sao giải hạn được thực hiện chủ yếu ở các đền, điện, phủ, bởi đây là nghi lễ theo đạo Lão, không có trong giáo lý nhà Phật nhưng về sau này, nó dần được đưa vào, trở thành phổ biến trong các ngôi chùa.
"Tôi có đi trực tiếp vào các lễ dâng sao giải hạn thấy rằng, vài năm trước, một khóa lễ dâng sao, giải hạn chỉ từ 200.000 - 300.000 đồng nhưng giờ họ thu đến cả triệu, thậm chí 4 -5 triệu đồng. Có nơi còn biến tướng thành kinh doanh, đưa ra mức giá.
Tín ngưỡng, văn hóa không thể đem ra kinh doanh được nên việc trục lợi của các nhà chùa như vậy rõ ràng là phi tôn giáo, phi đạo Phật, phi tín ngưỡng và giải hạn cho dân đâu chưa thấy nhưng trước mắt sẽ giải được cái hạn thiếu tiền cho các chùa", GS Thịnh nêu.
GS Ngô Đức Thịnh.
Trước việc nhiều người dân ngồi la liệt ra lòng đường để làm lễ dâng sao giải hạn, cầu mong bình an, GS Thịnh cho hay, việc này rất phản cảm, không đẹp chút nào trước nơi tâm linh, thanh tịnh như cửa đình, đền, chùa.
GS Đỗ Quang Hưng, nguyên Viện trưởng Viện Tôn giáo Việt Nam, người sống gần chùa Phúc Khánh chia sẻ, mỗi khi chùa làm lễ dâng sao giải hạn hay cầu an dịp đầu năm ông đều phải đi vòng sang các con phố khác, mất thêm nhiều thời gian mới về được nhà.
Bởi, theo ông là khu vực đường đoạn Tây Sơn trước cửa chùa đã bị dòng người ngồi lễ chiếm hết.
Về lý do dẫn đến việc dâng sao giải hạn "nở rộ thành phong trào", theo GS Hưng, đến từ cả phía người dân và nhà chùa. Tuy nhiên, theo ông, việc nhà chùa thu tiền của những người muốn làm lễ cầu an, giải hạn hiện nay "quá phi lý" và rõ ràng, đây là câu chuyện lợi ích kinh tế.
Ông dẫn chứng, câu chuyện bị từ chối giải hạn vì thiếu 50.000 đồng mà báo chí phản ánh chính là một "bi hài, mặt trái của câu chuyện này".
Giáo hội sẽ có văn bản nêu quan điểm về dâng sao giải hạn
Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký HĐTS Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho hay, trong giáo lý của Phật giáo không có việc dâng sao giải hạn và cũng không khuyến khích làm việc này.
Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, việc dâng sao hoàn toàn xuất phát từ nhu cầu của con người mong muốn sự bình an và mhà chùa chỉ là nơi giúp giải tỏa tâm lý, cho người dân bớt lo lắng.
Ông nói thêm, hiện nay việc dâng sao giải hạn có xuất hiện ở một số chùa và có thẻ dễ dàng nhận thấy một vấn đề trong tâm lý người dân, đó là hiệu ứng đám đông.
Người nọ truyền tai người kia, kháo nhau đi giải hạn ở chùa này, chùa kia rồi đổ xô tìm đến đó mà không hiểu bản chất thực sự là gì.
Lãnh đạo Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, để chấn chỉnh vấn đề dâng sao giải hạn ở các chùa mà dư luận đang có nhiều ý kiến này, trong thời gian tới, Giáo hội sẽ có văn bản chính thức nêu quan điểm gửi các Ban trị sự Phật giáo các địa phương.
Riêng về vấn đề liên quan đến việc dâng sao giải hạn của chùa Phúc Khánh, Thượng tọa Thiện đề nghị PV liên hệ với trụ trì nhà chùa là Thượng tọa Thích Thanh Quyết để có câu trả lời xác đáng nhất.
Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Ngọc Tiến cũng cho rằng, để dẹp nạn "mê tín, cuồng tín" trong cầu cúng dâng sao giải hạn, vai trò quan trọng nhất thuộc về Giáo hội Phật giáo Việt Nam.
Ông đề nghị, Giáo hội cần ra thông cáo chính thức gửi tới các tín đồ phật tử rằng chuyện dâng sao giải hạn không có trong giáo lý nhà Phật mà chỉ là tín ngưỡng và cần có lời khuyên người dân không nên đến chùa cúng dâng sao giải hạn.