GS Nguyễn Lân Dũng: "Chị Linh nói đúng và rất thật thà"

Hoàng Đan |

GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh, ý phát biểu của ca sỹ Mỹ Linh cũng giống ý của ông là muốn làm rau bảo đảm thì phải đầu tư chứ không phải tự nhiên có.

Rau bảo đảm đắt hơn là điều đương nhiên

Trao đổi với chúng tôi, GS Nguyễn Lân Dũng, đại biểu Quốc hội các khóa 10, 11, 12, Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam cho rằng, hiện nay, sẽ không thể sử dụng rau, thực phẩm bảo đảm với mức giá rẻ như các thực phẩm bẩn, trôi nổi, không rõ nguồn gốc.

Bởi, theo GS Dũng, ông đã giúp cho 2 nơi sản xuất rau bảo đảm tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, ngoài việc phải xây dựng các nhà lưới, hệ thống bơm, tưới nước đảm bảo cho ruộng trồng của nông dân thì còn thực hiện các quy trình, gắn mã số cho các gia đình trên sản phẩm để đảm bảo chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Các hộ nông dân sẽ cam kết rõ ràng không sử dụng phân đạm hóa học, thuốc trừ sâu hóa học mà chỉ sử dụng các loại phân bón hữu cơ để bón lót cho rau, sử dụng thuốc trừ sâu sinh học, không gây độc hại. Đặc biệt không sử dụng nước tiểu, phân xanh vì có nhiều ký sinh trùng có thể gây hại.

"Như tôi đã nói thì không phải tự nhiên mà có được rau bảo đảm mà phải bỏ công sức, chi phí đầu tư nhiều hơn. Khi chi phí bỏ ra nhiều hơn như thế thì giá rau bảo đảm đắt hơn là điều đương nhiên.

Muốn ăn rau bảo đảm cũng như muốn mặc đẹp, diện thì phải mua cái áo đắt tiền, thương hiệu tốt hơn chứ mua áo rẻ tiền thì khó có thể được. Nhưng giá rau bảo đảm cũng không nên cao quá mà nó ở mức hợp lý nhất có thể", GS Nguyễn Lân Dũng nói.

GS Nguyễn Lân Dũng: Chị Linh nói đúng và rất thật thà - Ảnh 1.

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng (ngoài cùng bên phải) cùng các đại biểu tham gia Hội thảo Đón sóng thực phẩm sạch ngày 23/8.

Tương tự rau bảo đảm, với thực phẩm bảo đảm, GS Dũng cũng nhấn mạnh, với việc chăn nuôi theo quy trình, sử dụng thức ăn sạch... mà ông đang hướng dẫn giúp cho một hộ tại Hà Nội thì giá chắc chắn giá sẽ cao hơn so với thực phẩm thông thường.

Cụ thể, theo ông, trước hết với mô hình này, người dân phải bỏ chi phí ra xây dựng hầm biogas để lấy chất đốt và nước phục vụ nuôi giun quế làm thức ăn cho lợn.

Theo nguyên lý cứ 2,5kg thức ăn thì được 1kg tăng trọng lợn nhưng thức ăn phải là thức ăn sạch, đảm bảo protein. Ông cho nuôi ốc bươu vàng và nuôi giun quế bằng nước của bể biogas cùng một số thứ khác. Sau đó, tất cả sấy khô và trộn lại thành thức ăn rất tốt.

Nuôi theo phương pháp này, thời gian cũng kéo dài hơn so với phương pháp nuôi bằng cám tăng trọng hiện nay chỉ khoảng 3 tháng xuất chuồng.

Cùng với đó, khi cung cấp ra thị trường, thịt được đựng trong túi bọc được hút chân không, đảm bảo an toàn, sạch sẽ và lượng cung luôn không đáp ứng lượng cầu trong khi giá thành cũng cao hơn.

"Như tôi đã nói ở trên thì với quy trình chăn nuôi đảm bảo như vậy thì giá thành thịt lợn cung cấp ra chắc chắn là cao hơn so với thịt lợn thông thường bán trên thị trường", GS nêu rõ.

Khi Giáo sư cũng bị... "ném đá"

Giáo sư Nguyễn Lân Dũng cũng chia sẻ câu chuyện, vì một số người chưa hiểu hết vấn đề nên vừa qua đã "ném đá" khi tên của ông có xuất hiện trên một số nhãn mác rau của đơn vị sản xuất rau bảo đảm mà ông tham gia giúp đỡ

"Họ "ném đá" cho rằng, vì sao tôi là giáo sư mà lại để tên xuất hiện trên từng mớ rau như thế, rồi có phải là do tôi muốn được tiền, đã nhận nhiều tiền nên mới làm như thế.

Nhưng thực sự tôi còn chẳng nhận được một cọng rau nào cả, còn tôi làm là vì tôi ủng hộ phương pháp trồng trong nhà lưới, không sử dụng thuốc trừ sâu, phân bón hóa học.

Thêm nữa, ở đây, đơn vị đó họ chỉ đề ở mác là có sự tham gia của tôi chứ không phải chỉ nguyên tên tôi và sau việc thì tôi cũng đã yêu cầu bỏ tên mình ra khỏi nhãn mác đó", GS Dũng bày tỏ.

Ông cũng nhìn nhận, thực tế hiện nay, có một số người vì lý do nào đó nên khi chưa hiểu hết, nắm rõ vấn đề mới có hành vi "ném đá" hay "ghen tức". Tuy nhiên, cái chính ở đây là phải làm sao nhân rộng được các mô hình phát triển rau bảo đảm để đáp ứng nhu cầu của nhân dân.

GS Nguyễn Lân Dũng: Chị Linh nói đúng và rất thật thà - Ảnh 2.

Hội thảo Đón sóng thực phẩm sạch. Ảnh: Người đô thị.

"Thực tế, nhiều khách sạn lớn tôi biết, phải nhập rau ở Singapore, Thái Lan về và giá đắt hơn rất nhiều so với giá rau ở trong nước, đó là điều vô lý, khi chúng ta là một nước nhiệt đới, việc trồng rau không có vấn đề gì phải bàn cãi.

Ở đây, làm sao phải nhân rộng việc trồng, sản xuất rau bảo đảm để đáp ứng nhu cầu của người dân. Khi trồng nhiều rồi, cung đáp ứng được cầu thì giá sẽ ở mức hợp lý hơn", GS Dũng đánh giá.

Trước ý kiến của ca sỹ Mỹ Linh nêu trong Hội thảo "Đón sóng thực phẩm sạch" do Báo điện tử Trí thức trẻ, Soha.vn và Bộ NN & PTNT đồng tổ chức hôm 23/8:

Muốn thực phẩm sạch mà lại rẻ "là không bảo vệ người nông dân và nếu mà vẫn tư tưởng rẻ như thế thì đừng đòi hỏi thực phẩm sạch. Muốn rẻ thì không thể tin được...

Nếu rẻ thì nhân công sẽ phải rất là mạt hạng. Nông dân khi mà trả đồng lương mạt hạng thì người ta không thể làm tốt được. Có thực mới vực được đạo".

GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh, ý phát biểu của ca sỹ Mỹ Linh cũng giống ý của ông là muốn làm rau bảo đảm thì phải đầu tư chứ không phải tự nhiên có.

"Chị Linh nói đúng và rất thật thà khi cho rằng, muốn ăn rau bảo đảm thì phải chịu khó mua đắt hơn.

Bởi ở đây, phải đầu tư nhà lưới, hệ thống tưới... nên đương nhiên giá bán sẽ đắt hơn. Muốn ăn thực phẩm, thịt lợn đảm bảo thì phải đầu tư để chăn nuôi đảm bảo như thế giá bán ra cũng sẽ đắt hơn.

Như tôi đã nói, muốn ăn rau, thực phẩm đảm bảo cũng như muốn mặc đẹp, diện, tốt thì phải mua cái áo giá đắt tiền hơn.

Chị Mỹ Linh nói không có gì sai và thực sự ở chúng ta có kiểu nghe không đến đầu, đến cuối rồi cứ phản ứng. Đó là điều không nên chút nào cả, cần phải có sự nhìn nhận rõ ràng, khách quan, đầy đủ.

Còn vấn đề chính đặt ra là không có đủ lượng cung ứng rau, thực phẩm bảo đảm trong khi nhu cầu lớn nên tạo giá thành đắt, do đó, chúng ta cần có cơ chế mở rộng để nâng nguồn cung, khi đó, giá sẽ giảm ở mức hợp lý để mọi người dân có thể sử dụng", GS Dũng nêu ý kiến.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại