GS Nguyễn Anh Trí: "Sự cố y khoa ở Hòa Bình rất nghiêm trọng nhưng không nên sợ"

Hoàng Đan |

"Sốc phản vệ thì không ai nói trước được cả, thậm chí tiêm vitamin C, truyền máu cũng có thể bị sốc phản vệ, tử vong", GS Nguyễn Anh Trí nói.

Sự cố y khoa rất nghiêm trọng

Bên hành lang Quốc hội sáng nay, Giáo sư Nguyễn Anh Trí, Viện trưởng Viện huyết học truyền máu Trung ương (ĐBQH đoàn Hà Nội) cho biết, ngay sau khi sự cố y khoa xảy ra ở Hòa Bình, lãnh đạo bệnh viện đã gọi điện xin ý kiến về mặt chuyên môn và cung cấp thông tin.

"Tôi khẳng định rằng đây là một nỗi đau, sự cố y khoa rất nghiêm trọng và cần phải được rút kinh nghiệm.

Đi sâu hơn về mặt chuyên môn, nghe phản ánh qua điện thoại, để kết luận chính thức chúng ta cần có điều tra khảo sát kỹ lưỡng hơn vì nếu nói sớm quá có thể không đúng, thậm chí còn gây dư luận không tốt.

Nhưng tôi nghĩ khả năng bị sốc phản vệ, liên quan đến cái gì đó, có thể là nước, thuốc mà nhiều người trong lúc chạy thận đều sử dụng chứ không phải đơn lẻ", GS Trí nhìn nhận.

Cũng theo ông, trước sự cố này, bệnh viện đa khoa, Sở y tế tỉnh Hoà Bình, Bộ Y tế rất quan tâm và làm mọi việc để cứu sống những người còn lại trong số 18 người, kịp thời mời chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực sốc phản vệ, chống độc tại BV Bạch Mai lên để cùng hỗ trợ.

"Cơ bản đang hạn chế tối đa thiệt hại của tai biến y khoa này và nhìn chung với con mắt y khoa, tôi cảm thấy xử lý rất hợp lý", ông Trí nói.

GS Nguyễn Anh Trí: Sự cố y khoa ở Hòa Bình rất nghiêm trọng nhưng không nên sợ - Ảnh 1.

Ảnh Hoàng Hải.

Viện trưởng Viện huyết học truyền máu Trung ương cũng khẳng định, đây là sự cố y khoa gần như lần đầu tiên gặp trong chạy thận nhân tạo ở Việt Nam.

"Sốc phản vệ thì không ai nói trước được cả, thậm chí tiêm vitamin C, truyền máu cũng có thể bị sốc phản vệ, tử vong.

Nhưng sự cố cả 18 người đều bị ảnh hưởng và 6 người tử vong ngay, như vậy rất cần phải rút kinh nghiệm. Trước mắt, tập trung cứu chữa những người còn lại để vượt qua sốc.

Cùng với đó, tiếp tục giải quyết những người bị suy thận cần chạy thận nhân tạo và tôi mong Bộ y tế cần sớm tiến hành rút kinh nghiệm để phổ biến cho cả nước.

Đồng thời, theo tôi, việc tạm thời dừng hoạt động trung tâm chạy thận của BVĐK Hòa Bình để rút kinh nghiệm, rà soát lại hoạt động, trang thiết bị, đường dẫn, nước, thuốc men...", ông nêu rõ.

GS Trí cũng chia sẻ thêm, có thể nói sự cố y khoa rất đau lòng nhưng đây cũng là việc thường xuyên xảy ra trong lúc hành nghề và ở bất cứ quốc gia nào.

"Vấn đề của chúng ta là làm sao cho sự cố y khoa ít nhất, thấp nhất, ít nghiêm trọng nhưng thực tế vừa qua rất nghiêm trọng nên rất cần rút kinh nghiệm.

Tuy nhiên, tôi cũng muốn nói sự cố này có sợ không thì chúng ta không nên sợ, không nên hoang mang, nhất là các cán bộ y tế không được phép hoang mang. Bởi, nếu hoang mang không thể làm được việc.

Thêm vào đó, đây là một trung tâm ở tỉnh miền núi còn cả nước có rất nhiều trung tâm khác hiện đại, có những bậc thầy của các bác sĩ ở Hòa Bình.

100 người bệnh từ Hòa Bình về Hà Nội tuy số lượng nhiều nhưng về đây, bệnh nhân sẽ được lợi thế, hưởng thụ ưu thế về mặt chất lượng", ông chỉ rõ.

Cùng với đó, ông cũng đề nghị, Bộ Y tế, các cơ quan chức năng, ngành Y tế Hòa Bình rất nên sớm công bố nguyên nhân của sự cố.

"Tôi đã nói điều này với Giám đốc BVĐK tỉnh Hòa Bình là cần sớm phải công bố nguyên nhân bởi bệnh nhân đã tử vong rồi.

Còn chắc chắn không có bác sĩ, nhóm bác sĩ nào trong quá trình hành nghề lại mong muốn bệnh nhân tử vong nên cần sớm phải công bố để rút kinh nghiệm, xử lý", ông đề nghị.

Sốc phản vệ là gì?

Bà Phạm Khánh Phong Lan, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng nhìn nhận, việc 18 người cùng bị sự cố y khoa là chưa từng có xảy ra.

GS Nguyễn Anh Trí: Sự cố y khoa ở Hòa Bình rất nghiêm trọng nhưng không nên sợ - Ảnh 2.

Bà Phạm Khánh Phong Lan.

"Đây là sốc chứ nếu nói rủi ro thì vô lý vì không thể rủi ro cùng lúc từng đó người. Còn bảo thuốc thì cũng vô lý vì mỗi người thuốc khác nhau, mỗi người 1 bệnh khác nhau.

Ở đây, không lọai trừ khả năng nước, vệ sinh ống, hệ thống, các hóa chất kháng khuẩn... có vấn đề. Tuy nhiên, kết luận cụ thể phải chờ còn đây là mình nghi ngờ là cái đó", bà Lan nói.

Bà Lan cũng cho hay, sốc phản vệ là tình trạng cơ thể phản ứng lại tác nhân từ bên ngoài đưa vào và thường đó là phản ứng cơ thể tự bảo vệ.

"Tuy nhiên đối với một số người trở thành quá sức và nguy hiểm nhất khi tụt huyết áp cùng một loạt các phản ứng khác khiến cơ thể quá mức chịu đựng, nếu không cấp cứu kịp thời thì sẽ dẫn đến tử vong.

Trường hợp sốc phản vệ này tuy đã kiểm soát bằng nhiều cách như với kháng sinh thì phải có thử nghiệm trước, dùng thử, test thử, nếu như tiền sử từng phản ứng sẽ chống chỉ định không sử dụng lại nhưng sự cố vẫn xảy ra...", bà Lan nêu.

Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh cũng thông tin thêm, sốc phản vệ không chỉ ở Việt Nam mà thế giới cũng có.

"Thuốc trong khám chữa bệnh qua nghiên cứu dù đã giảm thiểu rất nhỏ rủi ro rồi nhưng còn phần nào đó không thể nói được, nó tác dụng trên một tập thể người nhưng cũng có người không có tác dụng.

Vì thế, chúng ta phải sử dụng thận trọng và các bác sĩ cũng trông đợi kinh nghiệm sử dụng thuốc cho nhiều người để dễ kiểm soát hơn nhưng cũng không thể loại trừ mãi mãi khi bản thân con người có giới hạn", bà bày tỏ.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại