Bối cảnh địa chính trị
Giáo sư Frasure cho biết, ông hi vọng rằng trong chuyến công du tới Việt Nam, Tổng thống Obama sẽ đề cao vấn đề Biển Đông, để thể hiện cam kết bảo vệ quyền tự do đi lại và tôn trọng luật pháp quốc tế của Washington trên vùng biển này.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, Tổng thống Obama nhiều khả năng sẽ tránh đưa ra các phát ngôn cứng rắn về Biển Đông, mà thay vào đó, các chủ đề như TPP hay trao đổi giao lưu giữa giới trẻ hai nước Việt-Mỹ sẽ là nội dung chủ đạo trong các bài diễn văn cũng như những phát biểu công khai của ông chủ Nhà Trắng tại Việt Nam.
Theo giáo sư Frasure, vấn đề Biển Đông sẽ được hai nước mổ xẻ kĩ lưỡng trong các cuộc hội đàm kín.
"Cụ thể, Việt Nam sẽ muốn biết rõ, họ có thể trông chờ những gì từ Mỹ, trong bối cảnh Trung Quốc đang thể hiện ngày một rõ ràng tham vọng bành trướng trên Biển Đông" - ông nhận định.
Vào thời điểm hiện tại, tuy Mỹ đã và đang thực hiện những đợt tuần tra khẳng định quyền tự do đi lại (FONOP) trên Biển Đông, song giáo sư Frasure cho biết, ông không rõ liệu Washington trong tương lai có thể tiếp tục theo đuổi những cam kết của họ trên vùng biển này hay không.
Những đợt tuần tra FONOP của Mỹ trên Biển Đông chưa đủ để khiến ông Frasure chắc chắn về cam kết của Washington. Ảnh minh họa: Navy.mil
Chiến lược "xoay trục châu Á" do ông Obama và Ngoại trưởng bấy giờ Hillary Clinton khởi xướng ban đầu đã nhận được sự hưởng ứng rất tích cực từ các đồng minh và đối tác của Washington ở bên kia Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, GS Frasure nhận định, cho đến nay Mỹ vẫn chưa thật sự đáp ứng được lòng mong mỏi của các nước trong khu vực, và một trong những lý do chủ đạo là vì chính phủ Tổng thống Obama quá "bận rộn" với các vấn đề đối ngoại khác.
"Đối với Washington, họ đang ưu tiên giải quyết các vấn đề cấp bách, mang tính thời sự hơn tại Trung Đông, cụ thể là vấn nạn khủng bố ở Syria, Iraq,... còn 'xoay trục châu Á' là một chiến lược mang tính dài hơi nên đang tạm thời bị xao nhãng" - ông Frasure phân tích.
Như vậy, có thể coi chuyến công du Việt Nam tới đây của ông Obama như một cơ hội để Tổng thống Mỹ lấy lại phần nào niềm tin từ các đối tác châu Á - Thái Bình Dương, trước khi "bàn giao" lại trọng trách này cho người chủ mới của Nhà Trắng vào cuối năm nay.
Với nhiều người, việc Washington tuyên bố "xoay trục" có thể hiểu là một động thái của Mỹ nhằm kiềm tỏa tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Và khi được hỏi ông nghĩ sao về cách Mỹ nhìn nhận Trung Quốc vào thời điểm này, GS. Frasure khẳng định, bản chất quan hệ hai nước không phải theo kiểu "bên được, bên mất".
Quan hệ Việt-Mỹ
Giáo sư Frasure nhận định, quan hệ Việt-Mỹ hiện tại "nhìn chung rất tốt, đặc biệt nếu xét đến xuất phát điểm của nó".
Ông cho rằng, Mỹ và Việt Nam, mỗi bên đều nhận ra tầm quan trọng của phía bên kia, do đó cả hai chia sẻ nguyện vọng cải thiện hợp tác song phương, và đây chính là động lực thúc đẩy Việt-Mỹ tiến nhanh trong nhiều khía cạnh của quan hệ hợp tác trong thời gian qua.
Vị giáo sư này cũng thừa nhận, những hệ quả của cuộc chiến khi xưa vẫn khiến quan hệ hai nước phức tạp trong một số khía cạnh nhất định, song yếu tố thời gian đã và đang thực hiện rất tốt vai trò hàn gắn vết thương chiến tranh.
"Những bài học từ cuộc chiến vẫn khiến quan hệ Việt-Mỹ có những phức tạp nhất định. Song thời gian trôi qua, thời thế thay đổi, thế hệ chuyển giao, do đó tôi cho rằng triển vọng hợp tác giữa hai nước trong tương lai rất sáng sủa" - ông nhấn mạnh.
Lời khuyên của "chàng rể Hà Nội" dành cho Obama
Tuy đang giảng dạy tại Đại học Connecticut (ConnColl), song trong suốt 17 năm qua, ông Frasure dành rất nhiều thời gian ở Việt Nam, và có nhiều dịp sinh sống và làm việc ở dải đất hình chữ S nhiều tháng liền.
Đặc biệt, vào một trong những lần "tạm trú" dài ngày ấy, cụ thể là năm 2013, ông đã lập gia đình với một người phụ nữ Hà Nội.
Vậy chàng rể Hà thành có "mách nước" gì cho Obama trong lần đầu đương kim Tổng thống Mỹ đặt chân đến thủ đô hay không?
"Một trong những điều tôi thích làm nhất tại Hà Nội là đi dạo quanh hồ Trúc Bạch. Khi đó tôi ở một căn hộ trên phố Quán Thánh, và gần như ngày nào tôi cũng đi một vòng quanh hồ. Sau đó, tôi thường ghé vào những con hẻm lân cận để ăn phở cuốn.
Vậy nên nếu được thì tôi sẽ bảo Obama làm như vậy. Tôi sẽ nói rằng, ông hãy chui ra khỏi xe ô tô đi, và thử dạo một vòng quanh hồ Trúc Bạch, rồi ăn phở cuốn xem sao".