Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức đối thoại với GS Hồ Ngọc Đại (chủ biên sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ giáo dục) và PGS Nguyễn Kế Hào (đại diện Trung tâm Công nghệ giáo dục, đơn vị phát hành sách) vào sáng 3/1, tại Hà Nội.
Cuộc đối thoại kết thúc sau 2,5 giờ, hai bên không tìm được tiếng nói chung khi Bộ GD-ĐT đề xuất chỉnh sửa nhưng GS Hồ Ngọc Đại nói không.
Trao đổi với PV, GS Hồ Ngọc Đại cho biết, ông đã lường trước được kết quả của buổi đối thoại vừa qua với đại diện Bộ GD&ĐT, Hội đồng thẩm định SGK lớp 1, tuy nhiên, ông vẫn muốn đối thoại công khai, với sự tham gia của báo chí để dư luận hiểu rõ hơn.
"Tôi đã lường trước dù có đối thoại cũng chẳng đi đến đâu nên tôi bình thản đón nhận. Đó là điều tất nhiên phải xảy ra trong hoàn cảnh lịch sử như vậy nên tôi không buồn.
Tôi cũng không có oán trách gì đối với Hội đồng thẩm định vì họ làm theo trọng trách, nhiệm vụ được giao.
Bản thân tôi còn cảm thấy vui vì mọi thứ diễn ra một cách công khai, không thể ấp úng, không có bên này lùi một ít, bên kia lùi một ít và tôi nói ra hết.
Sự tham gia của báo chí trong buổi đối thoại công khai đó cũng để cho công luận sau này dẫu có đứng về phía nào cũng phải nghe trực tiếp sự thật.
Sau buổi đối thoại này, rõ ràng dư luận sẽ thấy rõ 2 quan điểm khác nhau và không thể khoan nhượng được. Cụ thể, chúng tôi không thể chấp nhận được giải pháp hiện nay còn phía Bộ sẽ chưa thể chấp nhận được quan điểm của tôi", GS Hồ Ngọc Đại nói.
GS Đại cho rằng, mỗi khi nghe giải pháp của ông thì mọi người sẽ không hoàn toàn nhất trí, nhưng sẽ có một bộ phận nhận thức ra và đứng về phía ông.
Ông nói, đối với một giải pháp giáo dục cần có 2 điều quan trọng là giá trị lịch sử cùng định hướng triết học và trong bộ sách của ông đã có điều đó.
"Dứt khoát bộ sách của tôi sẽ tồn tại với tư cách một giá trị lịch sử và triết học. Thế hệ tương lai này sẽ chấp nhận, thực hiện và trẻ con trong thời gian qua đã chấp nhận, học một cách ngon lành. Điều đó cho thấy, trẻ con đã chấp nhận, học một cách hồn nhiên.
Còn về giá trị lịch sử, giải pháp của tôi giống như người mẹ đối với con và dù bà không học "i" "t" gì nhưng con bà thế nào, bà sẽ cảm nhận được. Lịch sử như người mẹ còn giải pháp của tôi như đứa trẻ, dù ai muốn nói thế nào thì bà vẫn cảm nhận được con bà thông qua chính bà chứ không phải bất cứ ai xui", GS Đại nêu.
Đối với ý kiến của GS Trần Đình Sử, Chủ tịch hội đồng thẩm định môn Tiếng Việt đưa ra về sách Tiếng Việt 1 - Công nghệ Giáo dục, GS Hồ Ngọc Đại nói ông không quan tâm bởi đó là do quan điểm và "trình độ không thể hiểu được cuốn sách".
"Nên nhớ rằng, quyển sách này là do tự tôi chủ biên, làm biên tập và nó thể hiện được tư tưởng triết học, tính lịch sử của nó.
Không thể có cuốn sách nào cao hơn quyển sách đó và tồn tại lâu dài như vậy trong thời đại mới. Tất cả các cuộc sách khác rồi sẽ lại bị loại bỏ bởi nền văn minh hiện đại tiến bộ rất nhanh", GS Đại chia sẻ.
Ông nhấn mạnh, bản thân ông sẵn sàng tham gia các buổi đối thoại tiếp theo nếu được tổ chức để nói cho rõ về vấn đề liên quan sách giáo khoa Công nghệ giáo dục.
"Nếu truyền thông hay các cơ quan chức năng tổ chức một buổi đối thoại nữa thì tôi sẵn sàng tham gia trao đổi, trả lời để cho mọi người hiểu rõ.
Nếu được, tôi cũng muốn đối thoại trực tiếp, công khai với Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ, người được Thủ tướng giao xem xét việc này về những vấn đề về giáo dục, trong đó có bộ sách về Công nghệ", GS Đại Hồ Ngọc Đại đề xuất.
- Ngày 12/9/2019, Hội đồng thẩm định SGK lớp 1 theo chương trình giáo dục phổ thông mới cho biết, ba cuốn sách Công nghệ giáo dục của GS Hồ Ngọc Đại (gồm Toán, Tiếng Việt và Đạo đức) không vượt qua vòng thẩm định đầu tiên.
- Ngày 23/9/2019, PGS Nguyễn Kế Hào thay mặt Trung tâm Công nghệ giáo dục gửi kiến nghị tới Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về kết quả thẩm định.
- Ngày 25/9/2019, Bộ GD-ĐT gửi công văn phản hồi PGS Nguyễn Kế Hào, trong đó nêu tập thể tác giả mẫu sách Tiếng Việt 1 và Toán 1 do GS Hồ Ngọc Đại chủ biên có thể tiếp tục hoàn thiện và đề nghị thẩm định lại, nhưng GS Hồ Ngọc Đại từ chối.
- Ngày 30/9/2019, sau khi nhận được phản hồi của Bộ GD-ĐT, PGS Nguyễn Kế Hào cho rằng Bộ trả lời chưa thỏa đáng và "sẽ tiếp tục kiến nghị lên Chính phủ với tư cách cá nhân".
- Ngày 15/11/2019, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nghiên cứu kỹ ý kiến của GS Hồ Ngọc Đại, PGS Nguyễn Kế Hào và các chuyên gia, dư luận về chương trình thực nghiệm (SGK công nghệ giáo dục).
Ngày 3/1/2020, Bộ GD-ĐT tổ chức đối thoại với GS Hồ Ngọc Đại và một số nhà khoa học nhưng không đạt được kết quả.