Giáo sư người Anh hướng dẫn bài kiểm tra đứng lên ngồi xuống
Tháng 4/2016, Giáo sư Janet Lord, giám đốc Viện nghiên cứu Viêm và Lão hóa của Đại học Birmingham, Anh đã được mời đến tham gia chương trình How to Stay Young của Trang BBC.
Chương trình được tổ chức ở Công viên Cannon Hill với sự có mặt của rất nhiều khán giả, tình nguyện viên đến từ Birmingham. Tại đây, giáo sư Janet Lord đã hướng dẫn mọi người thực hiện một bài tập kiểm tra đứng lên ngồi xuống.
Đó là chọn một không gian bằng phẳng, tháo giày, đứng chéo chân và từ từ hạ mình ngồi xuống đất mà không cần sử dụng sự trợ giúp của đôi tay, đầu gối hay bất kỳ bộ phận nào khác trên cơ thể. Tiếp đó lại đứng dậy nhưng vẫn theo những quy định trên.
Hơn 100 người đã hào hứng tham gia và rất ít người được 10 điểm. Họ rất ngạc nhiên tại sao chỉ vài động tác như vậy mà có thể nói lên được số tuổi cũng như tuổi thọ của người thực hiện.
Giáo sư Janet Lord đã giải thích cho mọi người hiểu và nhấn mạnh đây không chỉ là một bài kiểm tra mà còn một bài tập thể dục đơn giản và hiệu quả cao. Mọi người có thể tự tập tại nhà.
Nghiên cứu về bài kiểm tra đứng lên ngồi xuống để đoán tuổi thọ
Giáo sư Janet Lord cho biết năm 2014, một nhóm nhà khoa học đến từ trường Đại học Gama Filho ở Rio de Janeiro, Brazil đã phát hiện ra mối liên quan trực tiếp giữa bài tập kiểm tra đứng lên ngồi xuống (Sitting-Raising Test - SRT) và tuổi thọ của con người.
Họ đã thực hiện nghiên cứu trên 2.002 người trưởng thành, tuổi từ 51-80 và 68% là đàn ông trong thời gian khoảng 6,3 năm.
Những tình nguyện viên trong nhóm nghiên cứu được yêu cầu bắt chéo chân, rồi từ từ ngồi bệt xuống sàn nhà và sau đó đứng dậy mà không cần sử dụng hỗ trợ từ đôi tay, đầu gối hay các bộ phận khác trên cơ thể. Lặp lại động tác 5 lần 10 nhịp.
"Mặc dù rất đơn giản nhưng những chuyển động hạ thấp người xuống sàn rồi đứng thẳng trở lại là thước đo sức mạnh cơ bắp, sự linh hoạt, khả năng cân bằng và kết cấu cơ bắp của cơ thể.
Hay nói cách khác, đây chính là những yếu tố tạo nên sức khỏe thể chất của một người", giáo sư Claudio Gil Soares de Araújo thuộc Trường Đại học Filho Gama giải thích.
Bài kiểm tra được tính trên thang điểm từ 1 đến 10. Những người thực hiện sẽ bị trừ đi 1 điểm cho mỗi lần sử dụng tay hoặc đầu gối để hỗ trợ và trừ nửa điểm cho mỗi lần mất thăng bằng.
Trong quá trình nghiên cứu, có 159 đối tượng đã tử vong và phần lớn trong số đó nằm trong nhóm đứng lên ngồi xuống có số điểm thấp nhất.
"Trong khoảng thời gian nghiên cứu diễn ra, chỉ có 2 đối tượng đạt 10 điểm tử vong. Những người ở tuổi từ 51-80 đạt số điểm tối đa có cơ hội sống trong 6 năm tiếp theo là khá tốt", giáo sư Araújo nói.
Sau đó, các nhà khoa học đã kết luận trong cùng một thời gian như nhau, những người đạt điểm từ 0-3 có tuổi thọ thấp hơn và nguy cơ chết sớm hơn 5 lần so với những người đạt điểm từ 8-10.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí European Journal of Preventive Cardiology vào năm 2012.
"Bài kiểm tra SRT rất đơn giản nhưng lại mang đến một kết quả khá chuẩn. SRT có ý nghĩa như một bài kiểm tra để xác định ai cần phải tập thể dục nhiều hơn và còn đặc biệt ý nghĩa hơn với dân số đang già hóa của chúng tôi.
Bài tập này đã được chứng minh và xác nhận độ tin cậy. Vì vậy chúng tôi càng tự tin hơn khi tiến hành các cuộc thử nghiệm tại Singapore". Bác sĩ Kelvin Chew, giám đốc Trung tâm Y khoa Thể thao Changi (Singapore) nói.
Bảng chấm điểm
0 – 3 điểm: Những người có điểm số này dễ tử vong trong quá trình nghiên cứu gấp 6,5 lần so với những người có điểm số 8-10.
3,5 – 5 điểm: Những người đạt số điểm trong khoảng này dễ tử vong gấp 3,8 lần so với những người có điểm số cao.
6 - 7,4 điểm: Dễ tử vong hơn gấp 1,8 lần so với những người có số điểm cao nhất.
10 điểm: Điểm số cao nhất.
Lưu ý khi thực hiện bài kiểm tra đứng lên ngồi xuống
- Đối tượng không nên kiểm tra: Người bệnh viêm khớp hay những người lo ngại gặp chấn thương khi thực hiện.
- Tìm không gian rộng, mặc đồ thoải mái và không mang giày.
- Nên nhờ một người chấm điểm cho mình để đảm bảo sự chính xác và phòng ngừa bị ngã trong quá trình thực hiện.
* Tổng hợp từ Today, Trang web của Trường ĐH Birmingham, Prevention