Bài diễn văn "How dare you" - "Sao các người dám làm thế" tại Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc ngày 23/9 vừa qua đang gây được sự chú ý cho toàn thế giới.
Cả hội trường khi đó như bừng tỉnh để lắng nghe một cô gái đại diện cho thế hệ còn chưa trưởng thành. Cô đứng trước các nguyên thủ hàng đầu thế giới mà trách móc người lớn vì sự vô trách nhiệm đối với môi trường Trái đất bằng chất giọng rung rung vì xúc động, nhưng cực kỳ đanh thép.
Greta Thunberg - nhà hoạt động môi trường vừa gây bão tại Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của LHQ
Cô gái ấy là Greta Thunberg - một nhà hoạt động môi trường năm nay mới 16 tuổi, thậm chí còn chưa tốt nghiệp trung học phổ thông. Vậy mà, cô đang trở thành một nguồn cảm hứng vô tận cho học sinh, sinh viên trên toàn thế giới đưa ra tiếng nói và quan điểm của mình đối với môi trường Trái đất, để bảo vệ tương lai của chính họ.
Cô gái mắc "hội chứng thiên tài" trở thành nhà hoạt động được đề cử giải Nobel Hòa Bình
Greta Thunberg sinh ngày 3/1/2003 tại Stockholm, là con gái của Malena Ernman - ca sĩ opera nổi tiếng của Thụy Điển. Ngay từ nhỏ, cô bé đã được chẩn đoán mắc phải hội chứng Asperger - hội chứng nằm trong rối loạn phổ tự kỷ (Autism Spectrum Disorder).
Những người mắc phải hội chứng này thường rất kém trong giao tiếp, nhưng đổi lại sở hữu ưu điểm ở nhiều lĩnh vực liên quan đến trí nhớ, nhận thức, quan sát... Một số trẻ thể hiện khả năng vượt trội về toán học, tư duy logic, tư duy ngôn ngữ, khả năng tập trung lại cực cao.
Dành cho những ai chưa biết, rất nhiều thiên tài lỗi lạc trong lịch sử như Einstein, Mozart và Michelangelo đều mắc phải Asperger, nên có người còn gọi đây là "Hội chứng của những thiên tài".
Greta Thunberg - cô bé 16 tuổi, nhà hoạt động vì môi trường
Không rõ có phải vì hội chứng này mà khả năng tập trung của Thunberg cũng hết sức đáng nể. Cô đam mê các hoạt động vì môi trường, để rồi trở thành một nguồn cảm hứng vô tận cho cả thế giới khi mới chỉ 15 tuổi.
Chặng đường lan tỏa của Greta bắt đầu từ tháng 8/2018, khi cô quyết định không đến trường để tham dự biểu tình bên ngoài Tòa nhà Quốc hội Thụy Điển. Cuộc biểu tình đó nhằm gây áp lực cho chính phủ Thụy Điển, kêu gọi phải tuân thủ những gì đã cam kết về lượng khí phát thải trong Hiệp định Paris về Biến đổi khí hậu vào năm 2015.
Hình ảnh cô bé Greta Thunberg với tấm bảng "Bỏ học vì biến đổi khí hậu" khiến cả thế giới phải chú ý
"Con cháu sẽ nhắc tới các vị - những người của năm 2018, rằng tại sao các người không làm gì khi chưa quá muộn. Điều mà chúng ta làm, hoặc không làm ngay bây giờ sẽ ảnh hưởng đến cuộc đời của con cháu sau này, và họ không thể đảo ngược chúng trong tương lai. Vậy nên tháng 8/2018, tôi thấy mình chịu hết nổi.
Đến ngày tựu trường, tôi bỏ học, tới trước quốc hội biểu tình" - trích trong bài phát biểu của Greta trên TED Talk năm 2018.
Ngày đầu tiên Greta đến tòa Quốc hội, cầm theo tấm bảng mang dòng chữ: "Bỏ học để chống biến đổi khí hậu", trở thành hình ảnh gây ấn tượng nhất buổi biểu tình hôm đó.
Sang ngày thứ 2, đã có thêm người xuất hiện để ủng hộ cô bé. Đến 1 tuần sau đó, phong trào kháng nghị về biến đổi khí hậu lan tỏa khắp các diễn đàn trên thế giới.
Đây chính là tiền đề tạo ra phong trào "Thứ Sáu vì tương lai" - khi người trẻ trên khắp thế giới đồng loạt nghỉ học vào thứ Sáu để biểu tình tại tòa nghị chính gần nhất, nhằm kêu gọi chính quyền các nước nghiêm túc thực hiện các hành động bảo vệ môi trường.
Ngày 15 tháng Ba năm 2019, gần 1,5 triệu trẻ em tại 112 quốc gia trên thế giới bãi khóa để xuống đường biểu tình đòi hành động chống biến đổi khí hậu.
Greta tại hội nghị Ba Lan
Vài tháng sau ngày trở thành một hiện tượng, cô bé đứng trước các bậc nguyên thủ quốc gia, phát biểu tại hội nghị biến đổi khí hậu Ba Lan. Cô bé 16 tuổi, còn chưa tốt nghiệp trung học phổ thông, khi đó nhận được đề của cho giải Nobel vì Hòa bình. Nếu chiến thắng vào tháng 10 tới đây, cô bé sẽ trở thành người người đạt giải Nobel Hòa bình trẻ nhất trong lịch sử.
Tháng 5/2019, Thunberg xuất hiện trên bìa tạp chí Time, với tựa đề lớn bên cạnh cái tên Greta: “Thủ lĩnh của thế hệ tiếp theo - next generation leader”.
Và rồi đến ngày 23/9 vừa qua, cô bé đứng trước Hội nghị Thượng đỉnh về phòng chống biến đổi khí hậu của Liên Hợp Quốc, đưa ra bài phát biểu mạnh mẽ, đanh thép và khiến cả thế giới như bừng tỉnh.
Tham khảo: New York Times, BBC, TED Talk