Băng trôi trên Vịnh Baffin ở gần Pituffik, Greenland, ngày 20/7/2022. Ảnh: AFP/TTXVN
Phát biểu với báo giới, Giáo sư Vinther cho biết: “Phát hiện mới đã khẳng định tin xấu mà chúng ta đã biết từ lâu… rõ ràng là chúng ta cần kiểm soát sự ấm lên toàn cầu để ngăn chặn tình trạng băng tan ở Greenland”.
Nghiên cứu dựa trên việc tái lập các điều kiện thời tiết bằng cách khoan sâu xuống vùng băng lạnh giá này để lấy mẫu tuyết và băng từ cách đây hàng trăm năm. Các nhà khoa học đã lập ra được bản đồ nhiệt độ ở miền Bắc và Trung đảo Greenland từ năm 1.000 sau Công nguyên đến năm 2011.
Kết quả nghiên cứu, được công bố trên Tạp chí Nature, cho thấy trong thập kỷ từ 2001-2011, nhiệt độ “đã ấm hơn 1,5 độ C so với thế kỷ 20”.
Tình trạng băng tan gần đây ở Greenland đã dẫn tới mực nước biển dâng cao, đe dọa cuộc sống của hàng triệu người ở vùng duyên hải trong những thập kỷ hoặc thế kỷ tới. Theo Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA), băng ở Greenland hiện là nhân tố chính cho thấy mực nước trong các đại dương trên Trái Đất đang tăng lên bởi vùng Bắc Cực nóng lên với tốc độ nhanh hơn các nơi khác trên Trái Đất.
Trong một báo cáo năm 2021 về khoa học khí hậu, Ủy ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu (IPCC) cho biết băng ở Greenland sẽ khiến nước biển tăng 18cm vào năm 2.100 theo kịch bản thải khí nhiều nhất. Tảng băng lớn, dày 2 km, chứa đủ nước đóng băng để làm dâng nước biển toàn cầu thêm 7 m.