Grab thu phí nắng nóng: Khuyến mãi riết bây giờ phải tận thu hay sao?

Dy Khoa |

Nhiệt độ nóng tại Việt Nam khoảng 35 độ C. Trong khi Ấn Độ là 55 độ. Nhưng họ không tồn tại phí nắng nóng.

Ảnh minh hoạ.

Ảnh minh hoạ.

Theo công bố của Grab Việt Nam, hãng đặt xe sẽ áp dụng chính sách phụ thu phí Thời tiết nắng nóng gay gắt (phí nắng nóng) từ 3.000-5.000 đồng với các dịch vụ GrabBike, GrabFood. Grab cho rằng số tiền này để hỗ trợ giảm bớt vất vả cho tài xế khi thực hiện các đơn hàng.

Tại thông báo này, ở hai thành phố lớn nhất nước là Hà Nội và TP HCM, Grab thu thêm phụ phí nắng nóng 5.000 đồng với mỗi chuyến xe GrabBike và mỗi đơn hàng GrabFood, GrabMart. Còn với dịch vụ GrabExpress là 3.000 đồng/đơn hàng.

Riêng các thị trường khác gồm Nghệ An, Thanh Hóa, Hải Phòng, Đà Nẵng, Huế..., Grab phụ thu phí nắng nóng với các dịch vụ GrabBike và GrabFood cũng là 5.000 đồng. Phụ phí sẽ được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị trên biên nhận khi tài xế nhận chuyến xe.

Trước đây, với mỗi số tiền thể hiện trên hoá đơn, Grab sẽ áp dụng chính sách "ăn - chia" với tài xế. Theo diễn giải của thông báo này, số tiền tăng theo cũng thi hành theo tỷ lệ phần trăm. Grab ngồi không, ăn mát lại được bát vàng khi "bào" trên công sức lao động ngoài trời của tài xế. Nó ngược hẳn với hàm ý nhân văn khi họ đặt ra phí nắng nóng.

Grab thu phí nắng nóng: Khuyến mãi riết bây giờ phải tận thu hay sao? - Ảnh 1.

Dù ngay cả mùa khô, thời tiết TP HCM cũng không quá khó chịu. Vì vậy, phí nắng nóng được đề ra cho thành phố này chưa thực sự phù hợp. Ảnh: Dy Khoa.

Grab thu phí nắng nóng: Khuyến mãi riết bây giờ phải tận thu hay sao? - Ảnh 2.

TP HCM luôn nổi tiếng vì mức độ thời tiết thất thường, có thể nắng mưa bất chợt. Việc xác định thu như thế nào cho hợp lý và hợp tình là rất khó. Ảnh: Dy Khoa.

Đại diện Grab Việt Nam cho biết mức phụ phí nắng nóng được cộng trực tiếp vào giá cước. Và phụ phí này sẽ được "đóng, mở" theo diễn biến của thời tiết và chỉ được áp dụng khi thời tiết trở nên nắng nóng gay gắt, không kéo dài suốt ngày.

Phía Grab cũng chưa đưa ra được sẽ dựa trên những thông số nào để thu phí nắng nóng. Nếu điểm đi có nắng (như ý của họ) nhưng điểm đến lại mưa thì sẽ giải quyết như nào. Câu hỏi này còn bị bỏ ngỏ.

Cạnh đó, về phí áp đặt ở mức 5.000 đồng, tại sao lại là mức này mà không phải cao hay thấp hơn; dựa vào đâu để xác định khung phí cũng chưa được nêu rõ. Giả sử, vì nắng nóng, tài xế cần tiền mua chai nước khoáng thì phí nắng nóng này vừa đủ một chai nước. Nhưng họ lại lấy phần trăm trên tiền thu từ khách hàng nên phần còn lại cũng không đủ để mua một chai nước. Giá trị nhân văn còn rất mập mờ.

Phí nắng nóng - loại phí rất sáng tạo?

Quay trở lại chuyện nhiệt độ, Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nền nhiệt trung bình năm khoảng dưới 35 độ C. Một số khu vực tỉnh thành do ảnh hưởng của các kiểu hình thế địa lý có thể có nhiệt độ cao hơn. Khi Grab xác định kinh doanh tại Việt Nam và cả đối tác tài xế xác định tham gia thì đều hiểu đặc thù này. Đồng nghĩa, không có hà cớ gì ngày trước không có, bây giờ lại có.

Ở phía người tiêu dùng, chúng tôi có quyền đặt câu hỏi: Thu thêm tiền thì đi GrabBike có mát hơn không?

Và nếu phí này không được gỡ bỏ, chúng tôi đi GrabBike thì có được đền bù tổn hại sức khoẻ khi lựa chọn di chuyển dưới trời nắng chang chang. Cả hai thực thể trong một giao dịch thì nên được đối xử công bằng. Trong trường hợp khách hàng thương tài xế thì đã có thể sử dụng tính năng tip trên ứng dụng đã có sẵn. 

Một đất nước cách chúng ta khoảng 4-5 giờ bay - Ấn Độ - có nền nhiệt cao hơn Việt Nam rất nhiều. Trong giai đoạn từ cuối tháng 4 đến tháng 6, đa phần diện tích lãnh thổ nước này phủ sắc đỏ đậm trên bản đồ nhiệt - thể hiện rất nóng (trên 40 độ C). Cá biệt có thành phố Ahmedabad vượt 50 độ C. Nhiệt độ thực địa có thể lên đến 60 độ C do không gian đô thị.

Grab thu phí nắng nóng: Khuyến mãi riết bây giờ phải tận thu hay sao? - Ảnh 3.

TP Ahmedabad của Ấn Độ vừa trải qua đợt nóng kỷ lục trong nhiều năm. Dẫu vậy, các tài xế lái rickshaw vẫn lấy mức giá như thường lệ. Ảnh: Dy Khoa.

Grab thu phí nắng nóng: Khuyến mãi riết bây giờ phải tận thu hay sao? - Ảnh 4.

Thậm chí, một cựu đối thủ của Grab tại Đông Nam Á - Uber - không hề có thêm phí nắng nóng. Ảnh chụp màn hình: Dy Khoa.

Ấy vậy mà họ không đưa ra khoản phí rất "sáng tạo" này.

Trước khi đưa ra loại phí này, Grab đã có nhiều loại phí khác theo kiểu phí chồng phí gây áp lực rất lớn lên túi tiền người tiêu dùng. Trong đó có cuốc xe giờ cao điểm, cuốc xe đêm, kẹt xe, ngập, Tết... Đặc biệt, Grab cho mình quyền tự nhân giá khi rơi vào bộ công thức của họ như thiếu tài xế tại điểm đón, giờ cao điểm...

Trong khoảng thời gian khi mới vào thị trường, Grab liên tục tung ra các chiến dịch khuyến mãi vượt trội đối thủ. Và suốt thời gian sau đó, hãng xe này gần như chiếm vị trí độc tôn trong lĩnh vực đặt xe công nghệ.

Hồi đầu năm nay, Grab công bố kết quả tài chính năm 2021. Theo đó, tổng giá trị giao dịch trên nền tảng của Grab (GMV) đạt giá trị 16 tỷ USD, tăng 29% so với 2020. Doanh thu của siêu ứng dụng này đạt 675 triệu USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm trước.

Doanh nghiệp này đã chi hơn 1,1 tỷ USD cho các hoạt động bán hàng, marketing, quản lý doanh nghiệp, nghiên cứu phát triển (R&D). Công ty ghi nhận khoản lỗ thuần 1,6 tỷ USD từ hoạt động kinh doanh. Cộng với khoản chi phí tài chính gần 2 tỷ USD, Grab lỗ ròng 3,6 tỷ USD trong năm 2021. Năm 2020, siêu ứng dụng lỗ sau thuế 2,7 tỷ USD.

*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại