Grab đang thu lợi lớn từ hàng chục triệu người dùng 'thèm cả thế giới' nhưng lười đi ăn như thế nào?

Gia Vũ |

Theo một giám đốc cấp cao, cơ hội tăng trưởng của GrabFood tại Đông Nam Á là rất lớn bởi khu vực này vẫn còn trong giai đoạn non trẻ so với các thị trường như Trung Quốc hay Mỹ.

Kelly Jay Lim, một giám đốc cao cấp của Grab mới đây cho biết công ty đang đặt cược vào hoạt động kinh doanh giao đồ ăn đang phát triển nhanh của mình để thúc đẩy tăng trưởng và lợi nhuận trong dài hạn.

Lim chia sẻ với CNBC: "Chúng tôi nhận thấy sự phát triển vượt bậc trong lĩnh vực kinh doanh giao đồ ăn. Dịch vụ của Grab tuy đã có mặt trên khắp Đông Nam Á nhưng chưa phải là cả khu vực châu Á".

Dịch vụ giao đồ ăn của Grab bắt đầu từ năm 2016 và đã mở rộng nhanh chóng tại Đông Nam Á vào năm ngoái sau khi startup kỳ lân này mua lại các hoạt động trong khu vực của Uber, bao gồm UberEats. 

Đầu năm 2018, GrabFood mới xuất hiện tại 2 thành phố của Indonesia nhưng đến thời điểm hiện tại, nó đã có mặt tại hơn 200 thành phố, chủ yếu ở Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Philippines và Việt Nam.

Công ty cho biết tổng giá trị giao dịch (GMV - Gross Merchandise Value) của họ trong lĩnh vực giao đồ ăn đã tăng 900% so với cùng kỳ năm ngoái. GMV là số liệu thường được các công ty thương mại điện tử theo dõi để đo tổng giá trị (tính bằng USD) hàng hóa bán được trên nền tảng của họ. 

Theo công ty, hiện GrabFood đang chiếm khoảng 20% tổng GMV của Grab so với mức dưới 5% trong năm 2018.

Grab đang thu lợi lớn từ hàng chục triệu người dùng thèm cả thế giới nhưng lười đi ăn như thế nào? - Ảnh 1.

Một tài xế Grab tại Jakarta.

Lim giải thích rằng cơ hội tăng trưởng của GrabFood tại Đông Nam Á là rất lớn bởi khu vực này vẫn còn trong giai đoạn non trẻ so với các thị trường như Trung Quốc hay Mỹ.

Hiệu suất hoạt động của những đơn vị cung cấp dịch vụ giao đồ ăn được theo dõi bằng nhiều biện pháp đo lường khác nhau, bao gồm lợi nhuận, GMV, tổng số người bán trên nền tảng, khối lượng đơn đặt hàng và số lượt tải ứng dụng.

Tình hình kinh doanh tại Đông Nam Á

Giao đồ ăn không còn là một khái niệm mới nhưng điều đã được thay đổi là cách thực hiện. Trước đây, khách hàng thường gọi trực tiếp cho quán ăn để đặt hàng nhưng giờ đây, họ có thể làm điều đó thông qua ứng dụng trên smartphone với vô vàn lựa chọn có sẵn và ưu đãi hấp dẫn.

Ở Đông Nam Á, nếu trước đây các ứng dụng giao đồ ăn chỉ được dùng bởi 10% đến 20% dân số tại thành phố thì hiện tỷ lệ đó đã tăng lên 50%. Theo Lim, việc có nhiều người bán trên nền tảng, sử dụng dữ liệu phân tích và trí tuệ nhân tạo để cá nhân hóa các đề xuất nhà hàng ở những thị trường khác nhau là một số cân nhắc quan trọng đối với Grab.

Ông nói: "Dựa trên hành vi đặt hàng của bạn, Grab sẽ gợi ý những cửa hàng liên quan. Chúng tôi có hơn 200.000 nhà hàng trên nền tảng ở khắp khu vực và chúng tôi muốn hiển thị những người bán liên quan nhất đến thói quen đặt đồ ăn của người dùng".

Grab từ chối tiết lộ tổng số đơn hàng được đặt trên ứng dụng của mình nhưng cũng cho biết họ xử lý khoảng 300.000 đơn mỗi ngày tại Việt Nam và khoảng 4 triệu đơn hàng tại Thái Lan từ tháng 1 đến tháng 4 năm nay.

Trong khi đó, Gojek, đối thủ đến từ Indonesia cạnh tranh với Grab trong lĩnh vực gọi xe, giao đồ ăn và thanh toán cho biết, trong 8 tháng qua, quy mô hoạt động giao thực phẩm của họ trên toàn khu vực đã tăng gấp đôi. Hiện Gojek đang phục vụ hơn 50 triệu đơn hàng mỗi tháng từ 400.000 người bán tại 3 quốc gia.

Con đường dẫn đến lợi nhuận

Ngân hàng đầu tư Thụy Sĩ UBS dự đoán hồi tháng 6 năm ngoái rằng thị trường giao đồ ăn trực tuyến toàn cầu có thể tăng trưởng gấp 10 lần trong thập kỷ tới - từ 35 tỷ USD năm 2018 lên khoảng 365 tỷ USD vào năm 2030. Báo cáo cho biết sẽ ngày càng có nhiều bữa ăn được nấu sẵn và giao từ các nhà hàng hơn là được chuẩn bị tại nhà.

Một số đối thủ cạnh tranh lớn của GrabFood ở Đông Nam Á gồm Gojek, Foodpanda và Deliveroo và giữa các thị trường khác nhau tại khu vực này, sự cạnh tranh cũng khác nhau. Ví dụ, Indonesia là "chiến trường" lớn của Grab và Gojek.

Lim nói: "Chúng tôi nhận thấy ngành công nghiệp thực phẩm đem về lợi nhuận tốt hơn so với gọi xe. Chúng tôi tin rằng giao đồ ăn sẽ thực sự thúc đẩy sự tăng trưởng của Grab và giúp chúng tôi tạo ra lợi nhuận trong dài hạn".

Cạnh tranh khốc liệt

Các thị trường giao đồ ăn lâu năm ở Mỹ và Tây Âu đã vẽ nên một bức tranh ảm đạm về sự cạnh tranh khốc liệt giữa nhiều công ty dẫn đến cản trở lợi nhuận chung của họ.

Là hệ quả của việc giảm giá, các công ty giao đồ ăn phải vật lộn để kiếm lợi nhuận do tỷ lệ đốt tiền cao dù doanh thu và đầu tư lớn. Điều đó đã khiến một số công ty phải đóng cửa trong khi những đơn vị khác phải hợp nhất để tồn tại.

Ở Đông Nam Á, thị trường đang ở giai đoạn phát triển ban đầu do phần lớn chi tiêu bán lẻ vẫn được thực hiện ngoại tuyến. Vì vậy, các công ty tại đây vẫn có nhiều cơ hội để chiếm lĩnh thị phần thay vì chỉ dựa vào chính sách giảm giá.

Những startup như Grab và Gojek có lợi thế hơn hẳn về mảng giao đồ ăn vì họ có nhiều nguồn doanh thu từ các lĩnh vực khác như vận chuyển, logistics và thanh toán. Đồng thời, chiến lược nội địa hóa cũng là một yếu tố quan trọng góp phần giúp họ thống trị từng thị trường.

Một khái niệm mới đang dần gây được sự chú ý là "căn bếp trên mây". Đây là khái niệm chỉ những nhà hàng ảo, không có không gian vật lý, địa điểm ăn uống hoặc mua mang đi. Nó không tồn tại như nhà hàng truyền thống mà hoàn toàn dựa vào tích hợp của bên thứ ba là công ty giao hàng.

Nhà hàng có thể thuê thêm không gian với chi phí tương đối thấp tại một trong những "căn bếp trên mây" để đáp ứng lượng đơn đặt hàng nhận được thông qua các ứng dụng giao hàng. Về phần mình, Grab cho biết hiện có 10 căn bếp trên nền tảng điện toán đám mây ở Indonesia và dự kiến sẽ xây dựng thêm ở trong nước cũng như toàn khu vực vào cuối năm nay.

Theo thống kê, Đông Nam Á có dân số hơn 600 triệu người với tầng lớp trung lưu đang phát triển trực tuyến mạnh mẽ. Tổng chi tiêu bán lẻ trong khu vực đạt khoảng 600 tỷ USD, trong đó 350 tỷ USD được chi cho các cửa hàng tạp hóa và thực phẩm.

Không giống mảng gọi xe, nơi Đông Nam Á có 2 người chơi lớn chiếm ưu thế là Grab và Gojek, lĩnh vực giao đồ ăn vẫn đang phát triển và là cơ hội cho nhiều công ty khác trong khu vực.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại