GPS - viết tắt của Global Positioning System, là Hệ thống định vị toàn cầu. Đúng như tên gọi của mình, GPS giúp người dùng (hay chính xác là thiết bị của họ) định vị vị trí chính xác trên quy mô toàn cầu.
Tại sao GPS có thể biết được chính xác vị trí người dùng? Đó là nhờ vệ tinh trên quỹ đạo Trái Đất đo đạc khoảng cách và vị trí thiết bị được kết nối.
Trong quá khứ, từng có quãng thời gian GPS được coi là công nghệ đỉnh cao mà chỉ mảng quân sự được sử dụng. Tuy vậy, ở thời điểm hiện tại, gần như mọi người trên thế giới đều sử dụng công nghệ này hàng ngày dù là qua smartphone của họ hay qua ô tô.
Thông qua GPS, người dùng có thể tìm kiếm vị trí các cửa hàng, dịch vụ hay địa chỉ gần mình cực kỳ dễ dàng.
Giờ hiếm có mẫu xe cấp trung nào trở lên ra mắt thị trường mà không có công nghệ bản đồ định vị tích hợp sẵn
GPS được đưa vào sử dụng lần đầu tiên vào 1973 bởi Bộ Quốc phòng Mỹ khi họ cần một hệ thống định vị chính xác phục vụ mục tiêu quân sự. Trong một thập kỷ sau đó, GPS vẫn chỉ được dùng cho mục đích trên. Phải tới 1983, chính phủ Mỹ quyết định mở rộng GPS cho các bên dân sự sử dụng.
Lĩnh vực đầu tiên mà GPS được ứng dụng sau quân sự là hàng không. Trên ô tô, GPS xuất hiện lần đầu vào 1995 do Oldsmobile, một thương hiệu Mỹ, sử dụng. Bản dân sự dùng trên ô tô này có độ chính xác khá kém do vẫn chỉ bên quân sự được sử dụng dữ liệu chính xác nhất.
Thiết bị GPS ngày xưa có giao diện đơn giản
Phải tới năm 2000, dữ liệu chính xác mới được công khai hoàn chỉnh cho mọi bên thứ 3 ứng dụng.
Với công nghệ hiện tại, GPS thường sai lệch chỉ khoảng 5 mét trong điều kiện địa hình thoáng. Nhà cao tầng hay các vật cản sóng có thể khiến khoảng cách sai lệch tăng cao hơn. Với một số thiết bị đặc biệt có khả năng truyền phát 2 chiều, độ sai lệch có thể bị thu ngắn xuống chỉ còn vài cm.
Khả năng chỉ đường là một trong những cải tiến được áp dụng lên hệ thống GPS gốc trong quá trình phát triển của công nghệ này
Trong những thập kỷ qua, công nghệ GPS cũng đã có nhiều tính năng đính kèm bổ sung. Hệ thống GPS hiện thời có thể dẫn đường cho người dùng tới địa điểm lựa chọn theo cung đường ngắn nhất, cung đường ít tiêu tốn nhiên liệu nhất hoặc trong khoảng thời gian ngắn nhất dựa theo các dữ liệu khác như thời tiết, địa hình... chứ không chỉ dựa vào vị trí địa lý thông thường.