Để xây dựng được môi trường đô thị tốt hơn, đòi hỏi các nhà quy hoạch phải tiếp cận được các thông tin về tình trạng giao thông, phát thải xây dựng, chất lượng không khí và khả năng lắp pin mặt trời trên mái nhà. Và một công cụ trực tuyến mới của Google chính là điều các thành phố cần để biết chính xác về điều đó và nó hoàn toàn miễn phí.
Công cụ này có tên gọi Environmental Insights Explorer (EIE: công cụ thám hiểm môi trường) và đã được Google ra mắt ngày hôm nay tại châu Âu. Phiên bản thử nghiệm beta của EIE từng được phát hành vào năm ngoái trong 5 thành phố tại Mỹ, Canada, Úc và Argentina. Giờ đây nó đã có mặt tại Dublin, Birmingham và Manchester.
Được phát triển như một trong các sáng kiến vì môi trường bền vững của công ty, nó sẽ cho phép người dùng truy cập vào các thành phố được lựa chọn để tìm hiểu về lượng phát thải carbon tại nơi họ sinh sống.
Chính vì vậy, công cụ này được thiết kế chủ yếu dành cho các nhà quy hoạch đô thị, với ý tưởng nó sẽ là công cụ thông báo đáng tin cậy để họ có thể bắt đầu đưa ra các hành động hiệu quả.
Ví dụ tại Dublin, công cụ của Google cho ước tính lượng phát thải từ xây dựng và giao thông sẽ tương đương 2,13 triệu và 1,31 triệu tấn CO2 mỗi năm, và tiềm năng lắp đặt pin mặt trời trên mái nhà của thành phố có khả năng giảm được 206.000 tấn CO2 mỗi năm.
Thậm chí công cụ của Google còn có thể dự đoán khí hậu của 20 năm tới, cho biết các dự báo về nhiệt độ và lượng mưa.
Dữ liệu về phát thải CO2 tại Kyoto, Nhật Bản.
EIE làm được điều này nhờ dựa vào dữ liệu từ Google Maps, để xác định kích thước các tòa nhà và liệu nó là nhà hay văn phòng, tổng hợp với mạng lưới địa phương để ước tính mức năng lượng tiêu thụ. Tương tự như vậy đối với giao thông, EIE có thể biết được các phương thức di chuyển, loại phương tiện và nhiên liệu tiêu thụ, làm nên dữ liệu về phát thải trong giao thông.
Dựa vào phân tích ảnh vệ tinh, EIE cũng xác định được mái nhà ở khu vực nào phù hợp với việc lắp các tấm pin mặt trời. Bên cạnh đó, Google cũng thông báo về việc thu thập dữ liệu hiện có về chất lượng không khí tại địa phương, bắt đầu từ Copenhagen, Đan Mạch. Tuy nhiên, hiện mới chỉ có 3 trạm theo dõi chất lượng không khí tại đây.
Bộ dữ liệu EIE Labs của Google là một phần trong nỗ lực thúc đẩy các sáng kiến bền vững – và đi trước các đối thủ công nghệ khác trong việc xanh hóa toàn cầu.
Trong khi Microsoft thông báo về mục tiêu đến năm 2020, 60% năng lượng tiêu thụ trong các trung tâm dữ liệu của họ là năng lượng tái tạo, Apple cho biết giờ đây 100% cơ sở của họ trên toàn cầu đều đang sử dụng năng lượng tái tạo. HP cũng cam kết mọi trang giấy in ra đều sẽ trung tính với carbon.
Các thành phố có trong dữ liệu của Google EIE.
Hiện dữ liệu EIE mới chủ yếu tập trung tại Mỹ với 25 thành phố, 5 thành phố tại Nam Mỹ, 3 thành phố tại châu Âu và 1 thành phố ở châu Á là Kyoto. Tuy nhiên nhiều khả năng bộ dữ liệu này sẽ mở rộng thêm nhiều thành phố khác trong tương lai.
Tham khảo ZDNet