12 câu hỏi sau đây rất hay bị hỏi bởi những đứa trẻ con thơ ngây tò mò, nhưng thật ra người lớn lại không hề biết trả lời sao cho đúng, dù cho đó là những hiện tượng hiển nhiên đi chăng nữa. Cứ như thể họ lớn nhanh quá mà quên mất việc tự giải đáp những thắc mắc mà chính mình cũng từng trải qua ở thời thơ ấu vậy.
Thử xem lại 12 câu hỏi trả lời bởi Google này và nhớ lại xem thời xưa mình có từng loay hoay nghĩ mãi không ra câu trả lời cho chúng không nhé:
1. Tại sao chúng ta lại "nổi da gà"?
Thực chất đây là một đặc trưng thừa hưởng từ tổ tiên khi còn là động vật của chúng ta - xảy ra khi mà các lỗ chân lông co lại.
Ở động vật, hiện tượng này có 2 tác dụng: giúp chúng ấm hơn khi trời lạnh vì nhiệt độ sẽ khó phân tán hơn qua lỗ chân lông vì nó đã được "bít lại"; hoặc làm kích cỡ bên ngoài của chúng "to phồng" hơn một chút khi bất ngờ sợ hãi hoặc gặp kẻ thù.
Chẳng phải chúng ta cũng như vậy khi lạnh hoặc hoảng sợ đột ngột hay sao?
2. Tại sao chúng ta thấy giọng của mình khác hẳn khi nghe ghi âm lại từ trước?
Khi nói và tự nghe bản thân trực tiếp thì tai chúng ta còn nghe được một phần rung động qua xương từ chính trong cơ thể truyền đến tai.
Vì thế, khi nghe từ máy ghi âm lại, chúng ta chỉ nghe được âm thanh đơn thuần từ bên ngoài chứ không có chút gì tác động khác cả. Do đó, cách cảm nhận về 2 âm thanh dù cùng là mình nói ra sẽ khác nhau.
3. Tại sao lại đau đầu khi ăn đồ lạnh đột ngột?
Chắc cũng không ít lần vì quá thèm thuồng món kem mà bạn vội cắn để rồi thấy... hơi nhức óc một chút mới tỉnh đúng không? Đó là vì các mạch máu khoang miệng khi tiếp xúc với đồ lạnh liền lập tức bị co lại do nhiệt độ thấp, giảm máu lên khu tiếp nhận làm đau đầu.
4. Sao đi dưới nắng thì da đen dần, nhưng tóc lại phai đi hoặc "sáng" lên đẹp hơn?
Melanin - tế bào sắc tố là yếu tố đứng sau cả 2 trường hợp này. Khi mặt trời chiếu vào, ánh nắng sẽ phá vỡ melanin nhưng ở tóc thì chúng không phục hồi, nên màu tóc càng phai và nhạt hơn. Còn ở da, cơ thể sẽ phản ứng bằng cách hồi phục melanin mạnh mẽ hơn nữa, khiến cho màu da sạm đi.
5. Sao ngày trước thời gian trôi chậm thế, còn lớn lên thì trôi nhanh vậy nhỉ?
Vì trẻ con vẫn còn đang làm quen với thế giới bên ngoài, nên chúng phải nhìn nhận và học nhiều chi tiết hơn, cho nên chắc chắn khoảng thời gian đó sẽ "đáng nhớ" hơn người lớn vốn đã quen với nhiều tình huống rồi.
Ngoài ra, chúng ta có xu hướng tự so sánh với thời gian đã qua, cho nên chắc chắn 1 tuần của 1 đứa trẻ mới 1 năm tuổi sẽ "giá trị lâu dài" hơn 1 tuần của ông chú 30 tuổi rồi.
6. Sao ăn chanh chua thì lại thường tự nhắm mắt?
Đơn giản thôi, đó là phản xạ tự nhiên để bảo vệ mắt khỏi việc bị nước chanh bắn vào đó! Xảy ra thật thì chắc bạn biết hậu quả là gì rồi nhỉ?
7. Tại sao bụi dính trên nền đen thì có màu trắng, còn rơi lên nền trắng thì lại thành màu đen?
Thật ra màu chính xác của những hạt bụi li ti này là xám, nhưng vì kích cỡ chúng quá nhỏ nên chúng ta thường nhìn vào sự khác nhau đậm nhạt, sáng tối của bụi và nền hơn là chúng thực sự có màu gì.
8. Sao chim hay bay thành đàn có hình chữ V?
Trước hết, làm thế chúng sẽ tiết kiệm được sức lực hơn: Những con bay trước vỗ cánh tạo ra các tác động gió thổi ra sau, làm tác nhân cho những con bay sau dễ lướt gió và bay qua hơn. Hơn nữa, bay như vậy chúng sẽ luôn thấy và tuân theo được con đầu đàn.
9. Vì sao mà chúng ta thấy chóng mặt buồn nôn bởi ngoại cảnh hoặc say sóng, say xe?
Đó là vì não bộ chúng ta bị "loạn trí" do thấy nhiều nhân tố khác biệt được cảm nhận cùng lúc. Chẳng hạn, khi ở trên tàu, tai bạn nghe và cảm nhận được nhịp điệu của biển qua tiếng sóng, nhưng mắt thì không. Não bộ cố gắng làm chúng khớp với nhau, dù điều đó càng làm tình trạng "quay cuồng" diễn ra nhanh hơn.
10. Đi lấy máu thử chỉ toàn châm ngón áp út, thật khó hiểu?
Vì ngón cái và ngón út là 2 ngón có mạch máu nối đến toàn bộ mạng lưới ở cổ tay, cho nên các bác sỹ đều khuyến nghị không "động chạm" gì đến 2 ngón đó, vì nếu có sai sót lây truyền gì thì sẽ ảnh hưởng đến cả phần cánh tay của bạn. Hơn nữa, ngón áp út là ngón ít đau nhất. Đừng lo gì cả.
11. Sao cả người có thể lạnh nhưng mắt lại không bao giờ thấy lạnh?
Không có cơ quan thụ cảm nhiệt độ nào gắn với mắt cả. Và phần lớn con ngươi của chúng ta được bảo vệ bởi phần hộp sọ có đầy rẫy các mạch máu "nóng hổi" xung quanh.
12. Khi đi WC trên máy bay, chất thải sẽ "đổ" đi đâu?
Sẽ có một cơ chế hút hết chúng vào một cái bể ở dưới. Tất nhiên khi nó đầy thì sẽ có cảnh báo cho máy bay biết, và sẽ được đem đi "thay thế" khi hạ cánh.
(Tổng hợp)