Theo The Verge, trong bằng sáng chế này có mô tả phương pháp sử dụng tấm nền OLED uốn cong nhiều lần và được sử dụng trong "một thiết bị tính toán hiện đại". Điều thú vị ở đây là Google không tự sản xuất màn hình của riêng mình, và họ cũng không phải là một công ty tự sản xuất thiết bị cầm tay.
Cũng giống như Apple với dòng iPhone của họ, Google thuê Foxconn để sản xuất Pixel 3 hay cả HTC lẫn LG đều từng gia công những chiếc điện thoại Pixel 2. Điều đó không có nghĩa là Google sẽ không phát triển một sản phẩm dựa vào bằng sáng chế này, nhưng nhiều khả năng là Google sẽ cấp phép cho các bên thứ ba thay vì tự sản xuất màn hình gập cho riêng mình.
Bằng sáng chế này mô tả một thiết bị gập có thể bẻ cong ở 2 nơi khác nhau, giống dạng chữ Z, mà không bị vỡ nhờ công nghệ của hãng.
Không rõ là liệu Google có ý định phát triển một thiết bị như vậy hay không, và màn hình gập kiểu chữ Z như thế này sẽ có tác dụng gì, nhưng độ bền của những chiếc điện thoại gập vẫn đang là một câu hỏi còn bỏ ngỏ.
Samsung tuyên bố Galaxy Fold có thể chịu được "hàng trăm nghìn lần gập, trong khi nhà sản xuất kính Gorilla Glass là Corning vẫn đang phát triển một màn hình thủy tinh có thể gập được, kì vọng sẽ vượt trội hơn những phương pháp sử dụng nhựa ở thời điểm hiện tại.
Điều quan trọng là trong bằng sáng chế này của Google không hề đề cập đến từ "điện thoại" dù chỉ một lần. Thay vào đó, nó lại ám chỉ đến cách màn hình này có thể được sử dụng trên "các thiết bị tính toán hiện đại". Google có vẻ đang muốn sử dụng công nghệ màn hình gập cho các thiết bị như tablet hay laptop chăng?
Sự quan tâm của Google đối với các điện thoại gập hiện vẫn chỉ dừng lại ở mức cải tiến phần mềm cho kiểu thiết kế này. Họ bắt đầu hỗ trợ màn hình gập trong Android hồi tháng 11 năm ngoái và cũng đã bắt tay với Samsung để đảm bảo rằng hệ điều hành Android hoạt động tốt trên Galaxy Fold.
Rõ ràng, những chiếc điện thoại màn hình gập có vai trò rất quan trọng đối với tương lai của Android, và Google cũng rất quan tâm đến cả phần mềm lẫn phần cứng cho kiểu thiết bị này.