UCAV hạng nặng S-70 -Okhotnik của Nga trong thử nghiệm không kích mục tiêu bằng bom không điều khiển nặng 500 kg (Nguồn: Russia 1).
Chuyên gia Nga với gợi ý chế tạo "kẻ săn UAV"
Trong bài bình luận được Topcor.ru đăng tải hôm 1/6, chuyên gia Nga Sergey Marzhetsky đã lưu ý về việc máy bay cánh quạt EMB 314 Super Tucano (còn được gọi là ALX hay A-29) được Mỹ và Brazil phát triển như một tiêm kích hạng nhẹ với chi phí mua sắm và bảo dưỡng thấp.
Ông Marzhetsky cũng gợi ý rằng Quân đội Nga có thể dựa vào ví dụ nói trên để "lấp đầy khoảng trống" về máy bay không người lái (UAV) với các đối thủ hiện tại và tương lai bằng "thứ gì đó có khả năng trinh sát, yểm trợ đường không và đặc biệt là năng lực "săn" UAV".
Đặc biệt vị chuyên gia này cũng đã nhấn mạnh rằng "sau cuộc chiến Afghanistan (1979-1989), việc chế tạo cường kích hạng nhẹ Yak-52B đã được Liên Xô tiến hành và hai mấu cứng với các khối UB-32 (cụm 32 ống phóng rocket 57 mm) đã được lắp đặt".
Cuối bài viết ông Marzhetsky kết luận rằng "nếu những chiếc Yak-52 được lắp đặt các thiết bị và vũ khí hiện đại - chúng ta (Nga) có thể có trong tay một cường kích hạng nhẹ tốt, tin cậy với chi phí sản xuất và bảo trì hợp lý cho nhiều loại nhiệm vụ khác nhau".
Chiếc Yak-52B với 2 cụm ống phóng UB-32. Được biết khoảng 1.800 chiếc Yak-52 đã được Liên Xô và Nga sản xuất và nằm trong trang bị của không quân nhiều quốc gia trên thế giới.
Tại sao phải sản xuất cường kích hàng nhẹ khi đã có UAV tấn công?
Được biết căn cứ vào một lượng lớn bình luận "ném đá" của độc giả Nga (và các nước Liên Xô cũ) sau khi bài viết được đăng tải ít ngày, Topwar.ru đã đăng tải bài viết thứ 2 của ông Marzhetsky để làm rõ hơn về chủ đề nói trên.
Trong bài viết vị chuyên gia Nga đã giải đáp các bình luận của độc giả như sau:
"Đầu tiên tôi xin phản hồi các ý kiến với tinh thần "chúng ta có UAV tấn công (UCAV) tốt, vậy tại sao lại sản xuất khí tài mới".
Các bạn (độc giả) thân mến, vấn đề là đất nước chúng ta (Nga) vừa mới bước vào và cố bắt kịp cuộc đua sản xuất UAV. Ví dụ, các UAV trinh sát Orlan-10 được lắp ráp hoàn toàn từ các thành phần dân sự của nước ngoài do không có cơ sở sản xuất chúng.
Binh sĩ Nga lắp đặt và triển khai UAV Orlan-10 để chuẩn bị phóng.
UCAV Altius-U cũng mới chỉ hoàn thành các cuộc thử nghiệm vào năm 2021 và Bộ Quốc phòng Nga đã ký một thỏa thuận về việc bắt đầu sản xuất hàng loạt - tức là thời điểm nó thực sự được trang bị vẫn chưa được làm rõ.
UCAV hạng nặng S-70 Okhotnik-B được hứa hẹn sẽ bắt đầu giao hàng không sớm hơn năm 2023. Việc sản xuất hàng loạt UCAV Orion (thuộc chương trình Inokhodets) tại nhà máy được nhà sản xuất Kronstadt xây dựng vào năm ngoái cũng mới chỉ bắt đầu.
Tại sao chúng ta cần lưu ý về tất cả những điều đó? Việc nói rằng "chúng tôi có các UCAV tốt" chỉ có giá trị khi chúng được quân đội trang bị với số lượng hàng chục và tốt nhất là hàng trăm chiếc.
Mặc dù có vẻ như các lực lượng vũ trang Nga sở hữu UCAV như một loại vũ khí hàng loạt, nhưng thực tế không như vậy.
UAV Orion tiêu diệt cứ điểm, xe bọc thép của Ukraine vào tháng 3/2022 (Nguồn: Bộ Quốc phòng Nga).
Trong khi đó, các đối thủ của chúng ta đều được coi là thực sự sở hữu UCAV với sự hỗ trợ từ sức mạnh công nghệ và các tổ hợp công nghiệp - quân sự khổng lồ của Phương Tây.
Cuộc đối đầu giữa UAV (Phương Tây) và hệ thống phòng không (của Nga) đã làm nổi bật rất nhiều vấn đề nghiêm trọng sau này.
Quân đội Nga có các tổ hợp pháo - tên lửa phòng không tầm ngắn Tor-M1, Tor-E2, Buk-M2E, Buk-MZ và Pantsir-S1 có khả năng bắn hạ UAV nhưng chúng cũng có những nhược điểm riêng, từng được thấy ở Syria.
Thứ nhất là chi phí bắn cao và thứ hai là khó khăn trong việc phát hiện các UAV cỡ nhỏ - Drone có khối lượng chưa đến 25 kg, độ cao bay tới 3 km và tầm bay tới 40 km. Nếu tạo thành bầy lớn, chúng có khả năng gây quá tải cho cả những hệ thống phòng không tốt nhất.
Tổ hợp pháo - tên lửa phòng không tầm ngắn Pantsir-S1.
Mối nguy hại lớn nhất đối với chúng ta đang đến từ các Drone - thứ giúp đối phương chỉ thị mục tiêu cho pháo binh.
Và vấn đề của hệ thống phòng không Nga cũng đã bộc lộ với sự xuất hiện của "đạn dược lảng vảng" (UAV tự sát) - cụ thể là Switchblade do Mỹ sản xuất. Cuộc tấn công bầy đàn của các UAV "dùng một lần" như vậy có khả năng gây ra những rắc rối lớn.
Những vấn đề này đem lại kết luận gì?
Rõ ràng trong tương tai sẽ chỉ có càng nhiều UAV hơn trên chiến trường và chúng sẽ ngày càng nhỏ hơn và "thông minh hơn". Và "phòng bệnh" bằng các phương án rẻ tiền sẽ hiệu quả hơn "chữa bệnh" bằng các phương pháp điều trị đắt tiền.
"Ô phòng không" mặc dù đáng tin cậy nhưng vẫn sẽ không thể bao phủ tất cả mọi người và vì vậy tốt hơn hết là nên bắn hạ UAV khi chúng đang ở trên không và ở khoảng cách xa - điều này cần có lực lượng không quân. Nhưng sẽ phải bắn UAV bằng gì?
Tất nhiên, tiêm kích phản lực có thể được sử dụng để chống lại UAV di chuyển tương đối chậm, nhưng có nhiều giải pháp hợp lý hơn như Yak-52B.
EMB-314 Super Tucano có chi phí đặc biệt thấp và tốc độ tối đa là 593 km/h. Yak-52B có hiệu suất khiêm tốn hơn (tốc độ tối đa là 272 km/h) nhưng không có bất kỳ UAV nào có thể thoát khỏi chúng - ví dụ như UCAV Bayraktar TB2 có tốc độ tối đa là 220 km/h.
Trọng lượng số vũ khí mà 1 chiếc EMB-314 Super Tucano có thể mang theo lên tới 1,5 tấn.
Đó sẽ là một máy bay đơn giản, dễ bay và rẻ được giao nhiệm vụ tuần tra và phòng không từ trên không, bắn hạ UAV của đối phương bằng súng máy hoặc tên lửa không đối không.
Trong tương lai, chúng ta có thể xem xét việc sử dụng cường kích hạng nhẹ khác.
Với một phi hành đoàn gồm hai người, cường kích loại này có thể tiến hành trinh sát và điều khiển các UAV khác - ví dụ chỉ thị mục tiêu cho những chiếc UCAV Orion.
Kết hợp với nhau, cường kích hạng nhẹ và UCAV có thể quét sạch UAV đối phương khỏi bầu trời và đảm bảo sự thống trị của UAV Nga trên không.
Ý tưởng chế tạo ra một UCAV có khả năng không chiến rất thú vị, nhưng nó sẽ gặp rất nhiều vấn đề kỹ thuật với các chi tiết và các thuật toán phức tạp với trí tuệ nhân tạo (AI) và một máy bay cánh quạt đơn giản và rẻ tiền thực sự có thể giải quyết các vấn đề đó.
Vào cuối tháng 5/2022, RIA Novosti dẫn một nguồn tin trong ngành công nghiệp quốc phòng Nga cho biết một cuộc thử nghiệm khai hỏa vào mục tiêu mặt đất của UCAV S-70 Okhotnik-B (Hunter-B) đã thành công.
Nguồn tin cũng tiết lộ rằng tên lửa dẫn đường chưa rõ chủng loại đã được sử dụng trong cuộc thử nghiệm là một trong các vũ khí được phát triển dành riêng cho tiêm kích tàng hình thế hệ 5 Su-57 .
Nguồn tin cho biết thêm rằng sau loạt vụ phóng được ghi nhận là thành công, "khí tài (S-70B Okhotnik) có thể tấn công hiệu quả các mục tiêu ngụy trang cỡ nhỏ bằng tên lửa trong mọi thời điểm và mọi điều kiện thời tiết".
Cần lưu ý rằng vào tháng 1/2021, UCAV Okhotnik đã lần đầu tiên thử nghiệm tấn công bằng bom không điều khiển.
UCAV hạng nặng S-70 -Okhotnik của Nga trong thử nghiệm không kích mục tiêu bằng bom không điều khiển nặng 500 kg (Nguồn: Russia 1).