Khi mua một chiếc xe, bên cạnh vẻ ngoài và các tính năng, chúng ta đều chú ý tới phần nội thất bên trong, đặc biệt là những chiếc ghế da. Thậm chí, nhiều người còn băn khoăn về chất lượng da thật hay giả da. Tuy nhiên, có một sự thật là những chiếc ghế da trong ô tô hoàn toàn có thể được làm từ các nguyên liệu thân thiện với môi trường. Câu chuyện dưới đây là một minh chứng.
Tại Vòng chung kết cuộc thi hùng biện – tranh biện Tiếng nói xanh, có một ý tưởng rất khả thi có thể góp phần giải quyết bài toán nguyên vật liệu để sản xuất nội thất ô tô.
Ý tưởng mang tên COFUN của Đội Nấm Cao (gồm 2 bạn Đỗ Phúc Nhật Minh – Trường Vinschool Smart City, Hà Nội và Ngô Trí Dũng – Trường Vinschool The Harmony, Hà Nội) là sử dụng bã cà phê và siêu nấm Fungal Mycelia để tổng hợp thành một chất liệu mới để thay thế chất liệu da tự nhiên và da PU trong sản xuất nội thất ô tô.
Sau khi xuất sắc vượt qua nhiều vòng thi và có màn tranh biện kịch tính trong chung kết, đội Nấm Cao đã xuất sắc trở thành quán quân của cuộc thi hùng biện – tranh biện Tiếng nói Xanh, với giải thưởng 3,4 tỷ đồng, bao gồm 100 triệu đồng tiền mặt, học bổng toàn phần cho chương trình cử nhân 4 năm tại Trường Đại học VinUni, xe máy điện VinFast EVO200…
Theo bạn Đỗ Phúc Nhật Minh, một tấn cà phê thải ra môi trường, tương đương với 34 m3 khí metan (CH4), loại khí độc hại gấp 86 lần so với khí nhà kính CO2. Trong khi đó, theo các nghiên cứu, mỗi ngày, thế giới tiêu thụ khoảng hơn 2 tỷ cốc cà phê, tương đương với 18 triệu tấn bã cà phê cần tái chế. Mặt khác, thực tế về quy trình sản xuất giả da sử dụng rất nhiều hóa chất cũng như nguyên liệu độc hại, gây ra lượng lớn khí thải, chất thải độc hại.
"Câu chuyện da thật bao năm nay đã gây nhức nhối dư luận bởi việc con người giết hại động vật chỉ để thỏa mãn nhu cầu về da. Để giải quyết những vấn đề trên, chúng em đưa ra một phương án mang tên COFUN. Đây là sự kết hợp giữa bã cà phê và nấm sò để tạo thành da nấm. Loại da này có chất lượng không kém gì da thật để sản xuất nội thất ô tô. COFUN kỳ vọng sẽ dần thay thế các sản phẩm làm bằng da, từ đó giúp giảm áp lực lên nền công nghiệp da thật, đồng thời mang lại nhiều lợi ích về mặt kinh tế và môi trường", bạn Ngô Trí Dũng chia sẻ.
Hai học sinh này đã thực hiện một cuộc khảo sát dựa trên 100 người từ 30 – 50 tuổi ở Hà Nội, có mức thu nhập ổn định. Kết quả khảo sát cho thấy rằng, phần lớn những người này đều ưu tiên sự thoải mái mà chiếc xe đem lại hơn chất liệu của nội thất. Hơn nữa, 100 người này cũng có đánh giá cao về sản phẩm da nấm đang có trên thị trường. Điều này cho thấy tiềm năng vô cùng lớn của dự án COFUN.
Về góc độ doanh nghiệp, theo đội Nấm Cao, các doanh nghiệp đều ưu tiên hàng đầu về lợi nhuận. Để có lợi nhuận cao, các doanh nghiệp phải tối ưu hóa hiệu suất và giảm chi phí. Điều này COFUN có thể làm được, bởi da nấm có hiệu suất nhanh hơn gấp 120 lần so với việc lấy da từ chăn nuôi, từ đó giúp giảm áp lực lên môi trường cũng như tối ưu hóa tài nguyên cho doanh nghiệp.
"Để sản xuất 1 m2 da nấm, chúng ta cần tới 50 kg bã cà phê. Tuy nhiên, chúng em đã tìm ra công thức giúp giảm 50% nguyên liệu cho sản phẩm này, bằng cách nén áp suất để tạo ra hệ sợi", bạn Trường Minh chia sẻ.
Giải pháp tiềm năng cho ngành công nghiệp ô tô ở Việt Nam
Việc tận dụng nguồn cung bã cà phê từ nền công nghiệp cà phê sang nền công nghiệp ô tô sẽ là một bước tiến lớn cho nền kinh tế Việt Nam tuần hoàn. Theo hai chàng trai của đội Nấm Cao, rào cản lớn nhất của COFUN không phải là kinh tế hay công nghệ, thay vào đó là tiềm thức, tư tưởng đã cũ của các thế hệ khi cho rằng da thật mới là da xịn.
"Với COFUN, chúng em, những chàng trai trẻ muốn gửi gắm một thông điệp rằng da thật không phải là sự lựa chọn tốt duy nhất mà các bạn có. COFUN có thể chưa được hoàn thiện, nhưng chúng em tin rằng sẽ khắc phục được trong thời gian tới khi nhận được sự đầu tư", đội Nấm Cao nhấn mạnh.
Liên hệ với VinFast, hai chàng trai tài năng của đội Nấm Cao thừa nhận, VinFast đang hướng tới những chiếc ô tô xanh chạy bằng điện. Trong thời gian tới, với giá trị phát triển bền vững, hãng xe Việt sẽ có nhiều đổi mới, không chỉ từ vẻ ngoài của xe mà còn từ chính các phụ kiện bên trong để ngày càng thân thiện với môi trường. COFUN chính là một gợi ý.
Da PU có thành phần chính là da thật loại split trộn cùng với phụ gia và chất kết dính để tạo thành. Tấm da này sẽ được tráng một lớp Polyurethane và dập nổi ở trên bề mặt tạo thành những đường vân đẹp mặt. Trên thực tế, da PU có đô mịn, mềm mại rất giống với da thật. Do đó, dùng da PU để bọc ghế ô tô giúp mang đến tính thẩm mỹ cao, đồng thời giúp nội thất xe ô tô trở nên sang trọng và đẳng cấp hơn nhiều.
Mặt khác, da PU còn có khả năng chống nước, chống thấm cao và rất dễ vệ sinh. Chính vì có giá thành hợp lý và nhiều ưu điểm nên da PU chủ yếu được dùng trên hầu hết các mẫu xe hiện nay.
Các mẫu xe của VinFast như VinFast Fadil, VinFast Lux A2.0, VinFast Lux SA2.0 đều được trang bị ghế bọc da PU, giúp nội thất xe sang trọng và mang lại cảm giác thoải mái cho các hành khách.
Trải qua hơn 5 tháng với gần 1.700 thí sinh là các em học sinh THPT trên cả nước, cuộc thi Tiếng nói xanh hứa hẹn mang lại những ý tưởng mới mẻ cho cộng đồng, đóng góp vào sự phát triển bền vững của xã hội. Vòng chung kết của cuộc thi Tiếng nói xanh diễn ra vào ngày 24/3/2024. "Tiếng nói xanh" là một trong nhiều hoạt động cụ thể do Quỹ Vì tương lai xanh, thuộc Tập đoàn Vingroup, phát động để nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy xã hội chung tay hành động vì một tương lai tốt đẹp.