Không tiết lộ khách hàng
Theo nguồn tin này, tổ hợp tên lửa phòng không SAM-3 Pechora (S-125M) do một Công ty Ukraine có tên Radionix phối hợp cùng Phòng thiết kế nhà nước Luch tiến hành nâng cấp, đã lần đầu tiên bắn đạn thật ngay tại trường bắn của một khách hàng giấu tên.
Nguồn tin trên không nói khách hàng giấu tên đó là quốc gia nào cũng như kết quả cụ thể, nhưng có tiết lộ, nói chung lần bắn đạn thật đầu tiên này đã diễn ra khá thành công.
Hiện nay, có rất nhiều gói nâng cấp tên lửa phòng không SAM-3 Pechora được chào bán bởi các công ty quốc phòng nổi tiếng trên thế giới. Đây là một cuộc cạnh tranh quyết liệt bởi hiện vẫn còn khá nhiều quốc gia đang sử dụng SAM-3 như là xương sống của hệ thống phòng không quốc gia, cho dù loại tên lửa này đã ra đời từ hàng chục năm trước.
Về cơ bản các gói hiện đại hóa tập trung vào việc thay thế các khối linh kiện cũ bằng các linh kiện điện tử kỹ thuật số hiện đại nhằm nâng cao tuổi thọ hoạt động và cải tiến một số tính năng kỹ - chiến thuật đem lại sức sống mới cho những tổ hợp tên lửa đã qua hàng chục năm vận hành.
Bệ phóng của tổ hợp tên lửa phòng không SAM-3
Gói nâng cấp có gì đặc biệt?
Gói hiện đại hóa SAM-3 do phía Ukraine cung cấp cho khách hàng này được đánh giá là cải tiến khá triệt để bao gồm nâng cấp toàn bộ các thành phần của tổ hợp tên lửa tạo ra một sự lột xác toàn diện như có thêm "vòng đời thứ 2".
Một trong những cốt lõi của chương trình nâng cấp này là cải tiến, hiện đại hóa đạn tên lửa 5V27D của tổ hợp SAM-3. Theo đó, các tên lửa 5V27D sẽ được lắp đầu tự dẫn bán chủ động hoặc chủ động thế hệ mới được phát triển gần đây bởi các chuyên gia Công ty Radionix.
Sau cải tiến, vùng diệt mục tiêu hiệu quả của tổ hợp tên lửa SAM-3 đã được mở rộng đáng kể với cự ly bắn xa nhất tới 40km và chiều cao tới 25km. Trong đó, đạn 5V27D-M1 được trang bị đầu tự dẫn bán chủ động còn đạn 5V27D-M2 sử dụng đầu tự dẫn chủ động.
Theo thông số kỹ thuật mà công ty Radionix công bố, các đầu tự dẫn này có thể bắt bám mục tiêu là máy bay tiêm kích kiểu như MiG-29 ở cự ly ít nhất là 20km với xác xuất diệt mục tiêu tăng đáng kể, đạt khoảng 0,9 đối với mỗi phát bắn.
Radar chiếu xạ sau nâng cấp có khả năng phát hiện mục tiêu với diện tích phản xạ radar hiệu dụng 5m2 từ cự ly 130km và có thể cùng lúc bắt bám, điều khiển nhiều tên lửa nhắm vào nhiều mục tiêu khác nhau.
Kíp trắc thủ có thể lựa chọn các chế độ như bám sát và điều khiển cùng lúc 2 đạn 5V27D vào 1 mục tiêu, hoặc bám sát và điều khiển cùng lúc 6 đạn 5V27D-M1 vào 3 mục tiêu hoặc bám sát và điều khiển cùng lúc 8 đạn 5V27D-M2 vào 4 mục tiêu.
Như vậy, sau cải tiến tổ hợp tên lửa phòng không SAM-3 do Ukraine triển khai có tính năng kỹ - chiến thuật vượt trội hoàn toàn so với trước đó.
Tuy nhiên nhà sản xuất chưa công bố hình ảnh chi tiết về cuộc thử nghiệm bắn đạn thật nói trên. Đồng thời họ cũng không cho biết các thông số thời gian triển khai, thu hồi toàn bộ tổ hợp để có thể đánh giá chi tiết hơn về khả năng cơ động nhanh hay chậm của chúng.
So với một só gói nâng cấp của Nga, Belarus hay Ba Lan chào bán thì phiên bản của Ukraine này không hề thua kém, thậm chí có một số đặc tính ưu việt hơn, nhất là khả năng bám sát, khóa và điều khiển cùng lúc nhiều đạn vào nhiều mục tiêu khác nhau.
SAM-3 (S-125 Pechora) là một tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung do Phòng Thiết kế Trung ương Almaz (Liên Xô/Nga) phát triển và đưa vào sử dụng từ đầu thập niên 1960. Với đạn tên lửa 5V27, tổ hợp tên lửa này có thể diệt các mục tiêu bay ở cự ly 3,5 - 28km ở độ cao từ 100m-18km.