Gói kích thích kinh tế mới của Trung Quốc gây chấn động thị trường toàn cầu

Vũ Ngọc Diệp |

Các thị trường tài chính tuần qua đã biến động mạnh sau khi Bắc Kinh công bố gói kích thích kinh tế lớn nhất kể từ đại dịch Covid-19. Tuy nhiên, liệu tác động từ gói này liệu có kéo dài?

Áp lực giảm phát - đè nặng lên nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới kể từ năm 2023 - đang có dấu hiệu trầm trọng thêm, ảnh hưởng tiêu cực đến thị trường tiền tệ và cổ phiếu toàn cầu trong năm nay. Nhằm thúc đẩy nền kinh tế tăng nhanh trở lại, Trung Quốc hôm thứ Ba (24/9) đã tung ra một gói kích thích kinh tế lớn.

Theo đó, Ngân hàng Nhân dân Trung Hoa (PBoC) hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) ở các ngân hàng thương mại và lãi suất đối với các khoản vay mua nhà thế chấp hiện tại 0,5 điểm phần trăm, đồng thời giảm tỷ lệ trả trước đối với người vay thế chấp mua căn nhà thứ hai từ 25% xuống 15% giá trị căn nhà.

Lãi suất đối với các hợp đồng mua lại đảo ngược (reverse repo) kỳ hạn 7 ngày sẽ được giảm từ 1,7% xuống 1,5%.   Điều này có thể giúp lãi suất cơ bản giảm khoảng 0,2-0,25 điểm phần trăm. Trong khi đó, lãi suất trung hạn có thể giảm 0,3 điểm phần trăm. Động thái này được cho là sẽ giúp cung cấp thanh khoản khoảng 1 nghìn tỉ nhân dân tệ (141 tỉ đô la Mỹ) cho thị trường tài chính.

Ngay sau khi Trung Quốc công bố gói kích thích trên, cổ phiếu châu Âu, tiền tệ và hàng hóa của các thị trường mới nổi đã dậy sóng. Nhưng các nhà phân tích đặt câu hỏi về hiệu quả của gói kích thích kinh tế trên trong dài hạn, do nhu cầu tín dụng từ các doanh nghiệp và người tiêu dùng Trung Quốc đang trong tình trạng cực kỳ yếu.

Chúng ta hãy xem xét 5 lĩnh vực cảm nhận rõ rệt nhất tình trạng kinh tế yếu kém ở Trung Quốc và những biện pháp kích thích mới này có thể có ý nghĩa gì?

NGÀNH KHAI KHOÁNG THẾ GIỚI

Cổ phiếu lĩnh vực khai khoáng trong thời gian gần đây bị suy giảm nhưng ngay sau khi Trung Quốc công bố gói kích thích đã lọt vào nhóm những cổ phiếu tăng giá mạnh nhất ở châu Âu và Úc, hứa hẹn sẽ tăng trưởng khả quan trong thời gian tới.

"Các biện pháp kích thích mới ở trung Quốc có thể hỗ trợ thị trường bất động sản nhiều hơn là lĩnh vực tiêu dùng hay hoạt động công nghiệp, do đó không có gì ngạc nhiên khi các cổ phiếu khai khoáng đang từ chỗ suy thoái lại chuyển sang hoạt động tốt hơn", Gerry Fowler, giám đốc chiến lược cổ phiếu châu Âu tại UBS cho biết.

Tuy nhiên, ông cảnh báo: "Vẫn phải xem liệu các biện pháp này có đủ để khơi dậy sự lạc quan ở khu vực tư nhân hay không. Lịch sử cho thấy các biện pháp tài khóa có hiệu quả hơn là các biện pháp tiền tệ".

Chỉ số cổ phiếu khai khoáng châu Âu ( Stoxx 600 Basic Resources PR ( SXPP ) hôm 24/9 đã tăng 4,6%, mức tăng hàng ngày lớn nhất trong hai năm, trong khi cổ phiếu khai khoáng Úc tăng 2,8%, ghi nhận mức tăng hàng ngày lớn nhất trong một năm. Đáng chú ý là cả 2 chỉ số này đều chịu áp lực giảm trong những tháng gần đây.

Các chỉ số chứng khoán cơ bản của Châu Âu năm nay giảm mạnh do kinh tế Trung Quốc yếu đi.

NGÀNH HÀNG XA XỈ CHÂU ÂU

Cổ phiếu của các nhà bán lẻ hàng xa xỉ châu Âu (hàng xa xỉ châu Âu đã từng được tầng lớp trung lưu thành thị Trung Quốc rất ưa chuộng) là một trong những nạn nhân rõ ràng nhất khi nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sa sút.

Chỉ số cổ phiếu hàng xa xỉ châu Âu ( STOXX Europe Luxury 10 index - .STXLUXP) đã giảm 4,2% trong năm nay, mặc dù chỉ số chứng khoán châu Âu STOXX 600 tăng 7,7%.

Tuy nhiên, chỉ số .STXLUXP hôm 24/9 đã tăng 3% nhờ các biện pháp kích thích mới của Trung Quốc, là mức tăng trong một ngày lớn nhất kể từ tháng 1/2024.

Các nhà phân tích tại RBC cho biết trong lĩnh vực xa xỉ, doanh thu của Swatch Group, Burberry và Richemont là những công ty chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ Trung Quốc. Tuy nhiên, cổ phiếu của họ đã tăng từ 2 đến 5% hôm 24/9.

Cổ phiếu Mỹ phản ứng ít hơn so với châu Âu, với chỉ S&P 500 giảm 0,1% hôm 24/9.

"Ngành xa xỉ của Mỹ ít phụ thuộc vào nhu cầu của Trung Quốc trong khi ở châu Âu, lĩnh vực này lại phụ thuộc khá nhiều", Andreas Bruckner, chiến lược gia cổ phiếu châu Âu tại Bank of America lưu ý.

Cổ phiếu hàng xa xỉ Châu Âu liên tục giảm trong 6 tháng gần đây.

THƯƠNG MẠI Ở ĐỨC

Trung Quốc là đối tác thương mại lớn thứ hai của Đức sau Mỹ. Vì vậy nhiều công ty Đức đã chịu thiệt hại khi nhu cầu ô tô và máy móc xuất khẩu suy yếu trong khi sự cạnh tranh từ các đối thủ trong nước của Trung Quốc gia tăng.

Nếu các biện pháp mới của Trung Quốc giúp ổn định thị trường bất động sản, điều này sẽ có tác động tích cực, đặc biệt là đối với lĩnh vực hóa chất của Đức, Uwe Hohmann, chiến lược gia vốn chủ sở hữu tại Metzler Capital Markets cho biết.

Các nhà sản xuất ô tô Đức như Volkswagen và BMW và các nhà cung cấp phụ tùng ô tô nước này đang phải đối mặt với ngày càng nhiều vấn đề về cấu trúc do sự cạnh tranh với các đối thủ Trung Quốc trên thị trường Trung Quốc.

Cổ phiếu của các công ty ô tô Châu Âu năm nay giảm do kinh tế Trung Quốc yếu đi.

CÁC NƯỚC XUẤT KHẨU HÀNG HÓA

Trung Quốc đã trở thành động lực tăng trưởng cho các thị trường mới nổi gần xa, đặc biệt là thu hút hàng hóa và dầu xuất khẩu của họ trong thời kỳ nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới bùng nổ, nhất là khi kinh tế Trung Quốc có những cú hích.

Nhưng lần này có thể sẽ khác.

"Trung Quốc vẫn chưa có biện pháp kích thích tài khóa lớn nào nhắm trực tiếp vào người tiêu dùng, đây vẫn là hạn chế chính", nhà phân tích Hasnain Malik của Tellimer cho biết. "Do đó, (gói) này một lần nữa không đạt được hiệu quả kích thích lan rộng để có thể làm thay đổi triển vọng nhu cầu hàng hóa toàn cầu".

Tuy nhiên, theo ông Charu Chanana, chiến lược gia của Saxo Markets ở Singapore, các nền kinh tế gần Trung Quốc về mặt địa lý và có quan hệ thương mại chặt chẽ với quốc gia này có thể cảm nhận được một số động lực - cũng như những nền kinh tế nắm giữ trái phiếu chính phủ Trung Quốc.

Biện pháp kích thích của Trung Quốc cũng đang diễn ra ngay sau đợt cắt giảm lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ - vốn thường là động thái hấp dẫn đối với các nền kinh tế mới nổi.

Dòng vốn vào các nền kinh tế mới nổi trong tháng 8/2024.

THỊ TRƯỜNG TIỀN TỆ

Đồng nhân dân tệ của Trung Quốc trong tuần qua đã tăng lên mức cao nhất trong 16 tháng, trái ngược với thông lệ (là khi một chính phủ đưa ra các biện pháp kích thích kinh tế và giảm lãi suất thì đồng nội tệ của họ thường có xu hướng yếu đi).

Nhưng triển vọng thúc đẩy nền kinh tế khổng lồ của đất nước và các thị trường của nước này đủ để khiến mọi người đổ xô đến.

Các loại tiền tệ nhạy cảm với Trung Quốc như đồng euro (EUR), đô la Úc (AUD) và đồng ringgit Malaysia (MYR) - đã tăng vọt lên mức cao nhất trong ba năm sau khi Bắc Kinh tung ra các biện pháp kích thích - đều có khả năng chiếm ưu thế so với đồng đô la, vì các nhà đầu tư ưa chuộng các loại tiền tệ có tính chu kỳ hơn.

Nhưng theo một số nhà phân tích, "cặp tiền tệ phục hồi", đồng euro so với đồng đô la Úc, có thể đóng vai trò là thước đo tốt hơn về mức độ thành công mà các nhà đầu tư tin tưởng vào những nỗ lực của Trung Quốc.

Tỷ giá Euro/đô la Úc (EUR/AUD) hôm 24/9 tăng do kỳ vọng vào việc Úc thay đổi lãi suất – nhưng nhìn chung vẫn có xu hướn giảm (giảm 5,5% trong 7 tuần, so với mức tăng 1,6% của tỷ giá euro/đô la và mức tăng 0,8% của tỷ giá euro/nhân dân tệ nội địa).

Nhân dân tệ đang tăng mạnh.

Tham khảo: Reuters

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại