Đây là thông tin được khẳng định tại Hội nghị trực tuyến triển khai và giám sát thực hiện chính sách hỗ trợ người gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 do Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phối hợp tổ chức chiều nay (27/4).
Phát biểu khai mạc tại hội nghị, Chủ tịch Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết Việt Nam vui mừng khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản đã được kiểm soát, ngăn chặn được sự lây lan trong cộng đồng, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe người.
Toàn cảnh hội nghị.
Ông Trần Thanh Mẫn cho rằng, để thực hiện Nghị quyết 42, Quyết định 15 của Chính phủ để chính sách hỗ trợ kịp thời đến đúng đối tượng, Mặt trận tổ quốc, ngành Lao động Thương binh và xã hội, các ngành có liên quan phải phối hợp chặt chẽ, tuyên truyền rộng rãi, phân công cụ thể, hướng dẫn rõ ràng triển khai bài bản, kết quả công khai.
Trong đó, để triển khai gói hỗ trợ 62.000 tỷ cho người lao động, doanh nghiệp gặp khó khăn do dịch Covid-19 hiệu quả, ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh vai trò giám sát của nhân dân.
"Ở cơ sở, làm đúng, làm sai, nhân dân biết cả, vấn đề là phải biết phát huy dân chủ để người dân phản ánh. Thực tế cho thấy, nguyên nhân dẫn đến sai phạm thường là do cán bộ chưa làm hết trách nhiệm, chưa công tâm, khách quan, chưa nắm chắc hướng dẫn, quy định", ông Mẫn nhấn mạnh.
Ông Trần Thanh Mẫn cũng đề nghị Mặt trận tổ quốc các tỉnh, thành phố, phối hợp chặt chẽ với ngành LĐ-TB-XH, các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện giám sát chặt chẽ, chính xác ngay từ đầu trong việc xác định đối tượng được thụ hưởng chính sách; danh sách tổng hợp phải rõ ràng từ tên tuổi, địa chỉ đến mức hỗ trợ, hình thức hỗ trợ.
Công khai mức hỗ trợ và đối tượng hỗ trợ qua các phương tiện thông tin đại chúng như: Đài truyền thanh, phát thanh, truyền hình, báo chí; niêm yết danh sách tại các địa điểm thuận lợi để nhân dân theo dõi, giám sát.
Cung cấp số điện thoại, địa chỉ email, từ Trung ương đến cấp tỉnh, huyện, xã, để nhân dân trực tiếp phản ánh. Có thể nhận qua hòm thư tố giác để giữ bí mật cho người phản ánh; trả lời thỏa đáng các kiến nghị của nhân dân.
Ở Mặt trận Trung ương, cần công khai 3 số điện thoại của: Trưởng Ban Phong trào, Trưởng Ban Dân chủ Pháp luật và Trưởng Ban Tuyên giáo để sẵn sàng giải đáp, tiếp nhận ý kiến góp ý, phản ánh của nhân dân.
Bên cạnh đó, cũng cần xác định rõ trách nhiệm từ việc ký các văn bản, phê duyệt danh sách, biên bản làm việc, báo cáo kết quả...trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ, nhất là ngành LĐ-TB-XH các cấp, của Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn, Tổ trưởng Tổ dân phố, Trưởng Ban công tác Mặt trận, của Công đoàn, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên, Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh. Nêu rõ thời gian triển khai, thời điểm kết thúc, thời gian tổng kết chương trình. Nơi nào để xảy ra tiêu cực sẽ phải chịu trách nhiệm về việc thực hiện quyết định.
"Hiện một số địa phương đang triển khai hỗ trợ; tôi đề nghị các địa phương cần nêu ý kiến rõ những thuận lợi, khó khăn, Trung ương hướng dẫn cụ thể những vấn đề gì, để khi triển khai không bị lúng túng, nhất định không để sảy ra sai sót trong quá trình tổ chức thực hiện", ông Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cũng cho rằng, gói hỗ trợ 62.000 tỷ đã và đang thu hút sự quan tâm, kỳ vọng của đông đảo nhân dân trên cả nước. Hiện nay, các địa phương đã có đầy đủ cơ sở pháp lý để triển khai. Các bộ, ngành sẽ tiếp tục có thông tư, văn bản hướng dẫn chi tiết thêm. Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng đề nghị địa phương bám sát nguyên tắc hỗ trợ những người dân bị ảnh hưởng sâu bởi dịch Covid-19 theo đúng tinh thần Nghị quyết Chính phủ đã ban hành, đảm bảo không để xảy ra tình trạng trục lợi chính sách, xử lý nghiêm các vi phạm nếu phát hiện./.