Đôi nét về lịch sử
Bóng đá ở cấp CLB đã xuất hiện ở cả Hà Nội và TP.HCM từ cuối Thế chiến II. Các CLB được thành lập chủ yếu từ các cơ quan nhà nước. CLB Quân đội (Thể Công), Công an Hà Nội, Cảng Sài Gòn, Công an TP.HCM hay Tổng cục Đường Sắt đều tự sáng lập trong khoảng thời gian từ 1950 đến 1970.
Trước khi Việt Nam thống nhất, các đội bóng ngoài Bắc chỉ thi đấu với các đội bóng ngoài Bắc, và tương tự, các đội bóng trong Nam chỉ thi đấu với các đội bóng trong Nam. Tuy nhiên, sau năm 1975 và kế đến là Đổi Mới năm 1986 đã mở cửa cho đầu tư nước ngoài, kéo theo đó là nhiều loại hình giải trí cho người dân, và đặc biệt đã đem lại nguồn năng lượng điện ổn định.
Nhờ có điện, TV và sau đó là Internet trở nên phổ biến. Cũng từ khi chính sách mở cửa được áp dụng, bóng đá dần dần hoạt động có tổ chức hơn, và giải đấu cấp quốc gia (bắt đầu từ năm 1980) tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay, với một cái tên nghe na ná một giải tennis - Giải Bóng đá Vô địch Quốc gia Việt Nam.
Sau những năm đầu thập kỉ 90 không mấy chuyển biến, giải bóng đá cấp cao nhất ở Việt Nam chính thức lên chuyên nghiệp vào năm 2000, cùng với đó là xu hướng thương mại hóa và tài trợ quy mô lớn. Học theo các đội bóng tại Hàn Quốc và Trung Quốc, các CLB Việt Nam bắt đầu gắn thương hiệu nhà tài trợ vào tên đội bóng.
Các đội bóng ở Việt Nam có tên đa phần gắn với nhà tài trợ, như Becamex Bình Dương là một ví dụ.
Đội vô địch V-League 2015 là Becamex Bình Dương, do công ty xây dựng và phát triển Becamex tài trợ; gã khổng lồ Hà Nội T&T (nay đơn thuần chỉ là Hà Nội FC) được thành lập với vốn đầu tư của tập đoàn T&T; còn đội bóng hùng mạnh của miền Trung SHB Đà Nẵng thì nhận hỗ trợ tài chính từ ngân hàng thương mại Sài Gòn - Hà Nội.
Thậm chí cả tên các giải đấu bóng đá cũng xuất hiện tên các nhà tài trợ, cụ thể là Toyota V-League 1, KienlongBank V-League 2, và giải bán chuyên hạng Nhì Quốc gia Cúp Động Lực.
Người dân Việt Nam thích đội nào?
Đa số - khoảng 95% các fan hâm mộ bóng đá tại Việt Nam - ủng hộ các đội bóng trên khắp thế giới, trừ các đội bóng ở... Việt Nam.
Real Madrid, Barcelona, Manchester United, và Liverpool có lượng cổ động viên Việt Nam hùng hậu, với rất nhiều nhóm Facebook hoạt động tích cực, thường xuyên tổ chức các sự kiện tụ họp xem bóng đá, cùng với đó là hàng trăm nghìn chiếc áo bóng đá in nhái bán ngoài chợ.
Ở Việt Nam tồn tại một tình yêu bóng đá không thể phủ nhận - nhưng tình yêu ấy lại dành cho bóng đá nước ngoài.
Có một số nguyên nhân khiến người dân Việt Nam chuộng bóng đá nước ngoài hơn bóng đá trong nước. Một trong những nguyên nhân chính là chất lượng chuyên môn, song có một nguyên nhân khác lý giải một cách súc tích hơn tình trạng "sính ngoại" này - đó là các CLB Việt Nam thành lập rất nhanh nhưng biến mất cũng nhanh không kém.
Số CLB bị "xóa xổ" ở Việt Nam cũng nhiều như số Messi mới tại Argentina.
Nếu ở Argentina, cứ mỗi mùa giải lại thấy có một anh "Messi mới" xuất hiện, thì tương tự, ở Việt Nam, các đội bóng đến và đi cũng chỉ trong một cái nháy mắt.
Một nét đặc trưng của bóng đá cấp CLB ở Việt Nam là nhiều đội bóng tồn tại hơn 30 năm để rồi sau đó tách ra thành hai đội, đổi tên, rồi lại sát nhập với đội khác, hoặc biến mất luôn.
Những cái tên như Thể Công hay Công an Hà Nội ở miền Bắc, Hải quan Sài Gòn hay Cảng Sài Gòn ở miền Nam nay đều không còn xuất hiện - chí ít là tên gốc của các CLB này - trên bảng xếp hạng V-League.
Tuy nhiên, nếu tìm hiểu kĩ hơn một chút, bạn có thể thấy "tàn dư" của những đội bóng nói trên đang ẩn mình sau tên gọi của các nhà tài trợ cũng như những huy hiệu, thương hiệu mới.
Quê ở đâu thì cổ vũ đội bóng ở đấy?
Trở lại với câu hỏi ở trên, người Việt Nam ủng hộ đội nào? Dễ thôi, ai sinh ra ở Hà Nội thì cổ vũ Hà Nội FC, ai quan tâm đến nhà tài trợ chứ, đúng không nào?
Đâu có đơn giản vậy. Vì thực chất Hà Nội FC là ai, và câu hỏi quái gở hơn là Hà Nội FC... ở đâu mà ra?
Năm 1956, đội bóng Công an Hà Nội được thành lập và thi đấu tại các giải đấu cấp cao nhất của bóng đá Việt Nam cho đến năm 2001, khi họ đổi tên thành Hàng Không Việt Nam trong một mùa giải.
Trong khi đó, cũng vào năm 1956, CLB Tổng cục Đường sắt được thành lập, sau đó đến năm 1989 đổi tên thành Đường sắt Việt Nam. Năm 2000, ngân hàng ACB đầu tư vào CLB và đổi tên thành ACB FC, có trụ sở tại Hà Nội.
Rối lắm rồi đúng không, cố gắng lên, còn nữa này...
Năm 2002, Hàng Không Việt Nam và ACB FC sát nhập, thu hút thêm một nhà tại trợ khác là Điện tử LG, và LG.Hà Nội.ACB đã ra đời. Năm 2006, LG rút lui, và đội bóng đổi tên thành Hà Nội ACB.
Cũng trong năm 2002, khi Hàng Không Việt Nam và ACB FC sát nhập, nhóm cầu thủ và ban huấn luyện không được chọn vào LG.Hà Nội.ACB đã tách ra lập một đội bóng mới, lấy tên là Hòa Phát Hà Nội, và bắt đầu thi đấu ở các giải hạng dưới.
Hà Nội ACB tồn tại đến năm 2011. CLB này kết thúc mùa giải 2011 ở vị trí cuối bảng xếp hạng, và đứng trước nguy cơ phải xuống thi đấu ở giải hạng Nhất. Trong khi đó, Hòa Phát Hà Nội (trước đó vài mùa đã lên được V-League), về đích ở vị trí thứ 10 và trụ hạng thành công.
Các CLB ở Hà Nội cứ đổi tên liên xoành xoạch.
Vậy là để tránh không phải xuống hạng, ban lãnh đạo Hà Nội ACB đã... mua luôn Hòa Phát Hà Nội, và từ đó lập ra 2 CLB mới - một là Hà Nội FC đá ở V-League, và đội còn lại là Trẻ Hà Nội FC đá ở giải hạng Nhất.
Cuối mùa giải 2012, ông chủ của ACB phải ngồi tù do bị buộc tội tham nhũng. Hai CLB này ngay lập tức giải thể, cầu thủ và ban huấn luyện phải đi tìm những mái nhà mới, những công việc mới...
Đâu đó cũng tại Hà Nội...
Năm 1954, một trong những CLB bóng đá thành công và nổi tiếng nhất Việt Nam đã được thành lập ở Hà Nội, đó chính là Thể Công. Với 13 chức vô địch trước năm 1980 và sau đó là 5 lần đăng quang giải vô địch quốc gia (nay là V.League 1), Thể Công chính là đội bóng giàu thành tích nhất lịch sử bóng đá Việt Nam, là niềm tự hào của quân đội.
Tuy nhiên, từ năm 2000, khi bóng đá Việt Nam bắt đầu lên chuyên, Thể Công gặp nhiều khó khăn ở cả trong lẫn ngoài sân cỏ. Họ thiếu đi bản sắc địa phương, và không theo kịp mặt thương mại của bóng đá bấy giờ. Bởi dù sao thì họ vẫn là một đội bóng của quân đội, không quá quan tâm đến các bản hợp đồng tài trợ thương mại.
Năm 2004, Thể Công lần đầu tiên phải xuống thi đấu ở giải Hạng nhất (nay là V.League 2). Chính kết quả này đã khiến đội bóng phải tự nhìn nhận lại, cả trong và ngoài sân cỏ. Kết quả là Thể Công lần đầu tiên nhận tài trợ vào năm 2005, từ chính tập đoàn viễn thông quân đội Viettel, và đổi tên thành Thể Công Viettel.
Thể Công là CLB huyền thoại của bóng đá Việt Nam nhưng giờ đã biến mất.
Sau hai mùa giải, Thể Công Viettel thăng hạng trở lại, và tiếp tục thi đấu dưới cái tên Thể Công đến năm 2010, khi bộ Quốc phòng quyết định nhượng lại toàn bộ quyền kinh doanh cho Viettel.
Nhưng thay vì giữ đội bóng ở lại V.League 1, Viettel bán lại quyền "trụ hạng" này cho Lam Sơn Thanh Hóa, đội đáng lẽ ra đã phải xuống thi đấu ở giải hạng Nhất, đồng thời chuyển nhượng phần lớn các cầu thủ cũ của Thể Công Viettel sang biên chế Lam Sơn Thanh Hóa.
Sau đó, Viettel tiếp tục thi đấu ở V.League 2 với một đội hình trẻ hơn rất nhiều, và kết thúc mùa giải 2010 ở vị trí thứ 9. Viettel cũng thành lập một đội trẻ khác để thi đấu các giải không chuyên. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là những thay đổi cuối cùng...
Trong mùa giải 2006, một CLB mới đã được thành lập và được tập đoàn T&T, một công ty chứng khoán quy mô lớn tại Hà Nội, tài trợ. Hà Nội T&T khởi đầu từ giải hạng Ba, nhưng nhờ những khoản đầu tư đáng kể, CLB này thăng hạng trong 3 mùa giải liên tiếp và đến năm 2009 đã có mặt tại V.League 1.
Hà Nội T&T cán đích ở vị trí thứ 4 trong mùa giải đầu tiên ở V.League 1, và từ đó đến nay vẫn trụ hạng thành công. Cuối năm 2010, Hà Nội T&T mua lại đội trẻ của Viettel FC và thành lập đội Trẻ Hà Nội T&T thi đấu ở giải hạng Nhất.
Năm 2013, đội trẻ này được bán cho một doanh nghiệp khác, và từ đó đổi tên thành Hà Nội FC. Năm 2016, Hà Nội FC lại bị bán cho doanh nghiệp khác, chuyển vào TP.HCM, và lại đổi tên thành Sài Gòn FC.
Ai là ai?
Cuối cùng cũng xong. Trở lại thời hiện tại, TP.HCM - "thủ đô" thương mại của Việt Nam với dân số 8,2 triệu người, một lần nữa lại sở hữu hai đội bóng chuyên nghiệp: Thành phố Hồ Chí Minh FC, và Sài Gòn FC (Hà Nội FC cũ, Trẻ Hà Nội T&T cũ, Viettel FC cũ, và Thể Công cũ).
Trong mùa giải đầu tiên, "tân binh" Sài Gòn FC vẫn thi đấu trong màu áo hồng nổi tiếng của Hà Nội FC cũ. Toàn đội có 26 cầu thủ mang quốc tịch Việt Nam, đa phần quê quán ở các tỉnh thành phía bắc, và 2 ngoại binh.
Sài Gòn FC không còn tạo được sự tò mò của NHM TP. HCM.
Vào cái ngày Hà Nội FC "nhổ neo" chuyển vào TP.HCM để trở thành Sài Gòn FC, truyền thông chẳng mấy quan tâm, nhưng cũng nhờ thế mà CLB có thể âm thầm thực hiện quá trình chuyển giao.
Có ý kiến cho rằng nhiều khả năng CLB muốn tránh ánh đèn dư luận để nếu như số lượng người đến xem trận "khai sân" có thấp quá thì cũng không phải xấu hổ với ai cả.
Ngoài ra, Công ty Cổ phần Bóng đá Chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cũng không muốn rùm beng chuyện một đội bóng được phép đổi thành phố, đổi sân, và đổi cầu thủ ngay khi mùa giải đang diễn ra.
Tuy nhiên, đội ngũ an ninh khoảng 80 người túc trực trong trận "khai sân" dường như đã phải làm việc hơi quá sức, bởi khán giả dần kéo đến sân ngày một đông. 15 phút trước giờ bóng lăn, khoảng 3.000 CĐV đã có mặt trên các hàng ghế bê-tông nóng nực trên khán đài.
Sau đó các CĐV tiếp tục kéo đến. Khi đội khách Quảng Nam FC có được cơ hội đầu tiên của trận đấu cũng là lúc đã có khoảng 8.000 CĐV ngồi trên khán đài - tất cả đều háo hức, vui mừng được chứng kiến một "đội nhà" mới thi đấu.
Câu chuyện về nhượng quyền kinh doanh trong bóng đá
Bất cứ ai thường xuyên theo dõi bóng đá ở Việt Nam, hay ở bất kì quốc gia đang phát triển nào khác, cũng sẽ nói với bạn rằng sẽ rất khó để giữ được nhiệt huyết của các CĐV, để khiến họ đến sân hàng tuần.
12 tháng sau khi quyết định di chuyển hơn 1500 km để đưa Hà Nội FC vào nam, cũng như đổi tên đội thành Sài Gòn FC, tình hình có vẻ không mấy sáng sủa.
Dù có một đội ngũ phụ trách mạng xã hội rất cấp tiến và sáng tạo, nhưng Sài Gòn FC vẫn gặp khó khăn trong việc tạo lập một đội ngũ CĐV. Trận đấu "khai sân" của đội đã thu hút được khoảng 8.000 CĐV háo hức muốn được theo dõi một đội bóng mới thi đấu.
Nhưng trong trận đón tiếp Quảng Nam ngay trước khi nửa đầu mùa giải khép lại, khi một chiến thắng sẽ đưa Sài Gòn FC lên ngôi đầu bảng xếp hạng, sân Thống Nhất hôm ấy chỉ có vỏn vẹn 350 người, mà có khi cũng chẳng được đến vậy.
CLB mới của Sài Gòn đang ngày càng đón ít NHM tới sân hơn.
Từ vòng đấu đầu tiên đến vòng đầu thứ 13, lượng khán giả tới xem Sài Gòn FC cứ giảm dần theo từng trận, dù đội bóng đã bỏ tiền ra thuê hẳn một đội cổ vũ, đơn giản bởi các CĐV chẳng còn hứng thú nữa.
Sức hút của một đội bóng mới toanh đã không còn. Đội bóng giàu truyền thống cùng thành phố, TPHCM FC (Cảng Sài Gòn cũ), cũng phải chịu cảnh CĐV đến sân ngày một ít hơn, nhưng chỉ từ 5.000/trận xuống còn khoảng 3.500/trận. Lý do là bởi đội bóng vừa thăng hạng mùa trước, và đang thi đấu khá làng nhàng trong mùa này.
Dù lượng khán giả đến sân thấp, nhưng các trang bóng đá Việt Nam và nhiều hội nhóm Facebook về bóng đá đều chẳng đề cập gì mấy về vấn đề này.
Có một sự thờ ơ rất đáng nói đối với năng lực tài chính của CLB, hay đối với đánh giá về thành công trong việc "chuyển hộ khẩu" đội bóng xét trên nhiều phương diện. Nhưng không biết có khi lại hay hơn. Và có lẽ nếu không ai bàn đến thì cũng sẽ không tạo ra vấn đề - đây chắc hẳn là cách tiếp cận mà VFF hay VPF mong muốn.
Tuy nhiên, người viết lại rất quan ngại trước vấn đề này. Các ông chủ đội bóng là một nhóm doanh nhân giàu có, tuy nhiên nếu họ cứ thấy tiền mất mà không thu được kết quả thì cũng đến một lúc nào đó sẽ không còn hứng thú với việc đầu tư vào bóng đá.
Nếu lượng CĐV đến sân trong nửa sau của mùa giải không được cải thiện - và dự kiến là cũng khó cải thiện - thì như đã nói ở trên, các CLB ở Việt Nam có thể giải thể chỉ sau một đêm, và điều này hoàn toàn có thể tái diễn. Các cầu thủ và thành viên ban huấn luyện được trả lương thấp sẽ lại một lần nữa mất việc.
Làm sao để V-League không ngày càng vắng bóng NHM?
Trong cái rủi sẽ có cái may?
Nếu, và đây vẫn chỉ dừng lại ở mức dự đoán, "Dự án Sài Gòn FC" có thất bại, thì có lẽ đây sẽ là thông điệp cần thiết cho giới quản lý: rằng nhượng quyền kinh doanh trong bóng đá sẽ không đem lại hiệu quả. Các CLB bóng đá đại diện cho một cộng đồng, có thể là một ngôi làng, một thị trấn, hay một thành phố.
Họ không phải là các tổ chức để cứ thể mà nhặt từ chỗ này bỏ sang chỗ khác chỉ để lấp đầy chỗ trống - các CLB bóng đá phải được xây dựng từ dưới lên, với nòng cốt là những người dân địa phương tập hợp lại cùng nhau để theo dõi đội nhà thi đấu.
TPHCM là thành phố đông dân nhất Việt Nam, và rõ ràng vẫn còn chỗ cho một đội bóng khác thi đấu ở giải vô địch quốc gia.
Nếu VFF và VPF thực sự muốn tăng thêm số lượng CLB ở TPHCM, thì hãy đầu tư vào các đội bóng đang thi đấu tại đây, vào các đội bóng đã xây dựng được một cộng đồng xung quanh họ, với một đội ngũ CĐV luôn sát cánh bên họ, dù kết quả thi đấu có ra sao đi nữa.