Một trong những dấu ấn đậm nét nhất của Cristiano Ronaldo tại những giải đấu lớn cấp độ đội tuyển quốc gia, oái oăm thay, lại đến từ 10 năm về trước. Tại World Cup 2006, cái nháy mắt tinh quái của CR7 sau khi Wayne Rooney lĩnh thẻ đỏ vẫn còn được nhắc mãi cho tới ngày hôm nay.
Năm đó Ronaldo mới 21 tuổi còn Rooney 20 tuổi. Họ đều trẻ trung và nhiệt huyết. Nhưng trong khi Rooney vụng về, nông nổi đánh nguội Carvalho rồi lĩnh thẻ đỏ, thì Ronaldo cho thấy tố chất của một cầu thủ có chất quái của bậc đàn anh.
CR7 chạy tới bên trọng tài, rỉ tai khích bác và khi nhìn thấy tấm thẻ đỏ đã được tặng cho R10, anh kết thúc bằng cái nháy mắt đầy trêu ngươi. Trờ thành kẻ thù trong mắt cả một dân tộc không phải chuyện mà một cầu thủ tầm thường có thể làm được.
Ronaldo "hại" Rooney rời sân.
Đáng tiếc, quãng thời gian 10 năm chỉ khiến Ronaldo trông bóng bẩy hơn, ghi được nhiều bàn thắng hơn, có kinh nghiệm nâng cao vài danh hiệu lớn, chứ chưa thật sự trở thành một cầu thủ lớn, một điểm tựa vững chắc của ĐTQG.
Không quá mỉa mai khi nói, CR7 thậm chí còn trẻ con hơn năm xưa. Chúng ta không bàn tới hành động giật micro của phóng viên rồi ném thẳng xuống hồ của Ronaldo trước thềm trận đấu với Croatia . Đó chỉ là cơn giận bột phát và nó có thể đến với bất kỳ ai.
Điều chúng ta cần để ý là thái độ trên sân của Ronaldo. Là đội trưởng, anh lẽ ra phải là điểm tựa tinh thần của toàn đội, phải là người động viên anh em thi đấu, là người hứng mũi chịu sào.
Người Bồ nhớ da diết cái nháy mắt tinh quái của CR7 10 năm trước. Dĩ nhiên là họ không cổ xúy cho những hành động tiểu nhân trên sân cỏ, nhưng nó là một biểu hiện cho thấy Ronaldo rất biết sống vì tập thể.
Anh chấp nhận trở thành kẻ thù quốc dân trong mắt người Anh để đội nhà đạt được mục đích.
Ronaldo giận hờn với tất cả.
Nhưng Ronaldo của ngày hôm nay giận dỗi với tất cả. Anh giành quyền thực hiện mọi cú đá phạt, dù hiệu quả gần như bằng 0.
Người ta có cảm giác CR7 muốn đá phạt đơn giản chỉ vì anh không muốn thua kém Gareth Bale và Messi – chủ nhân của những cú đá phạt siêu đẳng tại EURO và Copa America.
Mỗi khi đồng đội xử lý không thật sự chuẩn mực, thay vì động viên họ, Ronaldo nổi cáu. Hẳn NHM vẫn còn nhớ như in cơn giận dữ như núi lửa phun trào của Ronaldo sau khi Luis Nani, trong nỗ lực ngăn cản cú sút của đối phương, đã để bóng chạm chân đổi hướng bay vào lưới ở trận gặp Hungary .
Ronaldo đấm tay vào không khí, gào thét, vùng vằng, giận dỗi. Ngay thời khắc đó, CR7 trông thật nhỏ nhen, tầm thường và ích kỷ.
Highlight Bồ Đào Nha 3-3 Hungary, vòng 3 Euro 2016
Tất cả những gì anh muốn là ghi bàn và lập kỷ lục để được ngợi khen, tán tụng. Thật đáng kinh ngạc là sau 10 năm, sau khi đã ghi tới hơn 500 bàn thắng trong sự nghiệp, sau khi đã có đầy đủ danh hiệu cả tập thể lẫn cá nhân, Ronaldo vẫn muốn tên của mình được xướng lên ở bất kỳ đâu.
Người ta vẫn không thể lý giải nổi tại sao Ronaldo vẫn cố kiễng chân để cao hơn tất thảy đồng đội trong lúc chụp ảnh lưu niệm trước trận.
Ronaldo không nhận ra rằng, thói háo danh đã ảnh hưởng tới anh ở mọi mặt trong cuộc sống. Ronaldo làm từ thiện vì danh hay vì cái tâm?
Ronaldo giúp đỡ một nạn nhân sóng thần ở châu Á vì anh thật sự yêu quý chú bé trong thời khắc sinh tử vẫn mặc chiếc áo CR7 hay muốn tên của mình đến với người châu Á?
Và hôm nay, trong một trận tứ kết EURO, liệu có xảy ra kịch bản Ronaldo vẫn ghi được bàn thắng, nhưng Bồ Đào Nha nói lời chia tay nước Pháp hay không?
Giả sử CR7 lại lập một kỷ lục gì đó, nhưng Bồ bị loại, anh sẽ xử sự như một sát thủ chuyên gia ghi bàn hay một người đội trưởng thật sự?
Người Bồ cần một đội trưởng chứ không cần một sát thủ. Xin CR7 hãy nhớ.