Góc khuất ẩn sau danh tiếng ''nền giáo dục tốt nhất thế giới'' của Nhật Bản: Tiến sĩ cũng đói việc, nghèo thu nhập

VŨ HUẾ |

Nếu trung bình đàn ông Nhật Bản thu nhập 4,57 triệu yên/năm (tương đương 943 triệu đồng), thì các tiến sĩ lại có thể chỉ kiếm nổi 1,5 triệu yên/năm (tương đương 309 triệu đồng) trở xuống.

Theo số liệu thống kê mới nhất từ Nhật Bản, 62% tiến sĩ ở đây thuộc độ tuổi từ 40 trở lên. Tuy chưa có con số chính xác nhưng ước tính, trên 50% không công việc ổn định và bị xếp vào lớp… lao động nghèo.

Giảng viên bán thời gian

Nhật Bản là quốc gia có tỷ lệ tiến sĩ đáng nể. Theo thống kê từ năm 2014, họ đã có 16.039 người, thuộc top 6 quốc gia có số lượng tiến sĩ đông nhất thế giới. Nguyên nhân đến từ chính sách "tăng cường khả năng cạnh tranh bằng tri thức" được chính phủ Nhật Bản thực hiện vào thập niên 1990.

Góc khuất ẩn sau danh tiếng nền giáo dục tốt nhất thế giới của Nhật Bản: Tiến sĩ cũng đói việc, nghèo thu nhập - Ảnh 1.

Thập niên 1990, Nhật Bản tăng cường đào tạo tiến sĩ

Dưới sự khuyến khích và tạo điều kiện theo học sau đại học từ chính phủ, số lượng tiến sĩ không ngừng gia tăng theo cấp số nhân. Cùng với họ là sự leo thang số lượng các trường đại học. Nếu vào năm 1990, Nhật Bản chỉ có tổng cộng 507 cơ sở thì đến năm 2020 đã có 795 trường.

Hầu hết các cơ sở giáo dục đại học mới ở Nhật là trường tư thục. Họ đều có khoa sau đại học, sẵn sàng theo đuổi tham vọng "nâng cấp giáo dục lên tầm cao mới".

Éo le một nỗi, ngay từ thập niên 1990, số lượng sinh viên Nhật Bản đã liên tục giảm. Nếu vào năm 1992, Nhật Bản có tổng cộng 2,1 triệu thanh niên tuổi 18 thì đến năm 2020, họ chỉ còn 1,2 triệu. Nó tất yếu dẫn đến việc số lượng sinh viên mới tuột dốc, còn giảng viên thì thừa. Vì lợi nhuận, các trường đại học, đặc biệt là tư thục phải cắt giảm số lượng người giảng dạy cố định.

Góc khuất ẩn sau danh tiếng nền giáo dục tốt nhất thế giới của Nhật Bản: Tiến sĩ cũng đói việc, nghèo thu nhập - Ảnh 2.

Trái với số lượng tiến sĩ gia tăng, số lượng sinh viên giảm dần đều mạnh

Mất công việc, các tiến sĩ buộc phải chọn 1 trong 2: Ký hợp đồng giảng viên ngắn hạn hoặc chuyển đổi nghề. Thuật ngữ "giảng viên bán thời gian" xuất hiện và ngày càng trở nên quen thuộc.

Lương thấp, việc nhiều, nguy cơ đứt hợp đồng cao

Ngày nay, giảng viên bán thời gian là công việc bình thường ở Nhật Bản. Trong phần lớn các trường đại học tư thục, tỷ lệ tiến sĩ dạy hợp đồng là từ 60% trở lên. Ngay cả các trường công lập cũng tăng thuê tiến sĩ làm bán thời gian, giảm giảng viên chính thức.

Góc khuất ẩn sau danh tiếng nền giáo dục tốt nhất thế giới của Nhật Bản: Tiến sĩ cũng đói việc, nghèo thu nhập - Ảnh 3.

Từ công lập đến tư thục, các trường đại học Nhật Bản đều cắt giảm giảng viên cố định

Mức lương trung bình cho bằng cấp tiến sĩ ở Nhật Bản là $110.000/năm (khoảng 2,5 tỷ đồng). Nó tương đối cao, nhưng chỉ đối với những tiến sĩ có công việc cố định (thường ở trường công). Theo báo cáo thống kê được lập vào tháng 3/2021 của JAICOWS (Hiệp hội Cải thiện Môi trường của các Nhà nghiên cứu Khoa học Nữ Nhật Bản - 女性科学研究者の環境改善に関する懇談会), chỉ 10% các giảng viên bán thời gian kiếm được từ 3 triệu yên/năm (tương đương 619 triệu đồng) trở lên.

Còn lại thì có đến 59,1% nam và 55,6% nữ giảng viên bán thời gian thu nhập thấp từ 1,5 triệu yên/năm (tương đương 309 triệu đồng) trở xuống. Thực tế bết bát này đẩy các tiến sĩ vào nhóm "lao động nghèo".

Trái với thu nhập quá thấp, lịch trình giảng dạy của các tiến sĩ dạy hợp đồng lại dày đặc. Khoảng 72% làm việc với từ 2 trường trở lên, ¾ dạy ít nhất 3 - 8 lớp/tuần và ¼ phải dạy từ 9 – 12 lớp/tuần.

Góc khuất ẩn sau danh tiếng nền giáo dục tốt nhất thế giới của Nhật Bản: Tiến sĩ cũng đói việc, nghèo thu nhập - Ảnh 4.

Giảng viên bán thời gian Nhật Bản phải dạy cả 10 lớp/tuần, nhưng chỉ kiếm được bằng 1/3 thu nhập trung bình

Luật lao động sửa đổi năm 2013 của Nhật Bản quy định, thời gian gia hạn hợp đồng lao động là 5 năm. Trên lý thuyết, các giảng viên bán thời gian có thể duy trì công việc khá lâu. Tuy nhiên, đa phần các trường đại học Nhật Bản từ chối gia hạn hợp đồng. Trong thực trạng thừa tiến sĩ, bất cứ giảng viên bán thời gian nào cũng trong nguy cơ mất việc.

Tương lai bế tắc

"Phải dạy cả 10 lớp/tuần là quá mệt nhọc," - một nam giảng viên bán thời gian tuổi 50 than thở. "Mặc dù tôi có thể xoay xở kiếm thêm thu nhập bằng cách nhận nhiều dạy nhiều chỗ, nhưng sức khỏe có hạn," - một nữ giảng viên bán thời gian tuổi 40 tham gia. "Chưa hết, tôi vẫn còn nợ sinh viên và cần đóng bảo hiểm y tế. Không lúc nào, tôi ngớt lo nghĩ về tương lai".

Sau khi Nhật Bản bị cuốn vào đại dịch Covid-19, các trường đại học cũng nhanh chóng chuyển đổi sang giảng dạy trực tuyến. Trong khi các giảng viên cố định được nhà trường hỗ trợ ít nhiều, các giảng viên bán thời gian phải bỏ công sức và tiền túi để theo kịp sự tiến triển. Nhiều người mệt mỏi chia sẻ, khối lượng công việc tăng gấp đôi.

Góc khuất ẩn sau danh tiếng nền giáo dục tốt nhất thế giới của Nhật Bản: Tiến sĩ cũng đói việc, nghèo thu nhập - Ảnh 5.

Covid-19 chồng thêm khó khăn cho sự nghiệp vốn đã ảm đạm của các tiến sĩ hợp đồng

Năm 2019, tờ Asahi Shimbun, Nhật Bản thuật lại câu chuyện đáng buồn về cái chết vì tự vẫn của 1 nữ tiến sĩ. Cô tốt nghiệp năm 2004, từng được Hiệp hội Xúc tiến Khoa học Nhật Bản (Japan Society for the Promotion of Science) trao học bổng và giật 2 giải thưởng nghiên cứu danh giá. Vậy mà, sau khi nộp đơn xin việc vào hơn 20 trường đại học, cô không được trường nào tuyển dụng. Bước đường cùng, cô chọn từ bỏ sự nghiệp và kết hôn, nhưng cuộc sống hôn nhân lại không như ý. Năm 2016, ở tuổi 43, cô tự kết liễu cuộc đời.

Bất chấp thực tế đầy bi kịch, các trường đại học và chính phủ Nhật Bản chưa có giải pháp nào cải thiện công việc và cuộc sống của những tiến sĩ không việc làm cố định. Họ thậm chí còn chưa thống kê con số giảng viên bán thời gian, mỗi lần đề cập đến vấn đề đều tránh né bằng câu "Đó là một bức tranh phức tạp".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại