Người bán vé số đặc biệt
Ông Sơn (sinh năm 1958, quê Long An) lên thành phố Hồ Chí Minh bán vé số đã gần 3 năm. Ông cũng có vợ con nhưng đã thôi không liên hệ, giờ đây ông ở đất này một mình. Ông Sơn bị câm điếc nên chỉ có thể giao tiếp với mọi người qua việc ghi chép. Ông còn giữ cả cuốn sổ ghi lại những lời mình đã "nói" với mọi người, khi những vị khách ghé qua trò chuyện với ông.
Chỉ một thân một mình nơi đất khách quê người nên ông Sơn nuôi những chú cún như để vơi bớt sự cô đơn. Từ vài năm trước, người ta đã quen với hình ảnh một ông cụ đi xe đạp cùng bé cún rong ruổi hết mọi nẻo đường Sài thành với tấm biển “Tôi bị câm điếc, xin cô bác làm ơn giúp đỡ”.
Bây giờ, ông Sơn đã có 2 bé cún để bầu bạn. Ông âu yếm gọi cả hai là “người bạn đồng hành” của mình. Mọi người vẫn bắt gặp lại ông với "hai đứa cháu cưng" sáng sáng bán vé số ở khu vực Nguyễn Văn Cừ, buổi tối sẽ ở góc đường Hai Bà Trưng và Điện Biên Phủ. Ông bán đến tận 11 giờ mới về phòng trọ của đại lý vé số.
Khoảnh khắc đáng yêu của ông Sơn cùng những người bạn đồng hành của mình.
Một bạn trẻ vì cảm động với câu chuyện của ông đã vẽ tặng ông một tấm biển mới. Hình ảnh cả 3 ông cháu tươi cười với câu nói đáng yêu “Mỗi ngày là một ngày vui, cứ vui đi chớ có nghĩ suy…” truyền đi một năng lượng tích cực đến với mọi người đi qua ngã tư này. Dù họ có mua hay vé số của ông hay không, tin chắc rằng họ đã nhận được một điều nhỏ nhắn tuyệt vời cho hôm nay.
Coi 2 chú cún như những đứa cháu cưng
Trước đây, ông Sơn có một em cún được dân mạng đặt biệt danh là “Công chúa Sài Gòn”, có cả những món đồ chơi riêng và được tất cả mọi người ở nơi đây chung tay nuôi nấng.
Đáng tiếc, cách đây không lâu, bé cún này đã gặp tai nạn, bỏ lại ông Sơn một mình. Ông Sơn không thể nói nhưng qua từng câu chữ, ông kể lại, người ta biết rằng ông thương bé cún này lắm. Ông đã khóc rất nhiều khi bé ra đi bởi với ông, bé như một người thân trong gia đình.
Bé cún Đậu (đã mất) của ông. Bé được mọi người gọi là "công chúa nhỏ Sài Gòn" vì nhiều người hợp sức nuôi bé
Một người biết đến câu chuyện của ông và bé Đậu đã đề nghị tặng ông một bé cún 2 tháng tuổi - chính là Pon Pon. Pon Pon đến với ông, bầu bạn cùng ông và trở thành gia đình của ông Sơn.
Khi chúng tôi đến, ông Sơn đang chăm sóc cho Pon Pon. Nhìn từng động tác của ông cũng biết được ông chăm sóc những đứa cháu cẩn thận và chu đáo như thế nào. Ông còn khoe với chúng tôi sổ tiêm phòng cho hai đứa cháu.
Kế bên Pon Pon bé nhỏ là Vui - một chú chó ta béo tốt. Vui đã được ông nuôi hơn 2 năm nên tròn quay. Vui ngoan ngoãn, yên tĩnh nằm kế bên ông, trái ngược với Pon Pon năng động, thỉnh thoảng sẽ chạy lăng xăng xung quanh.
Cô Mai, một người dân địa phương, chia sẻ, bản thân cứ vài ngày sẽ ghé qua một lần để ủng hộ ông Sơn vài tờ vé số và một phần tiền để chăm sóc hai chú cún. “Hôm Đậu bị tai nạn, tôi cũng có ghé qua, ủng hộ vài tờ rồi để ông về sớm còn đi chôn nó. Tội nghiệp ông lắm. Ông chăm sóc hai đứa này rất cẩn thận, tiêm phòng đầy đủ, mỗi mũi cũng vài trăm chứ không rẻ đâu” - cô Mai kể. Cô còn dành thời gian vuốt ve những chú cún trước khi rời đi.
Cô Mai chụp cùng chú chó Pon Pon
Có những người trẻ hoặc những gia đình có con nhỏ tiện đưởng đi qua cũng ghé lại vuốt ve những bé cún đáng yêu. Được ông Sơn chăm sóc, cả Pon Pon và Vui đều rất sạch sẽ, ngoan ngoãn. Người qua đường không ai là không khen "hai đứa cháu" ngoan ngoãn, không sủa bậy và thân thiện, để khách mua vé của ông đến vuốt ve, chơi đùa cùng. “Không phải dễ gì mà huấn luyện được nó như vậy đâu” - cô My, một người thường ghé qua chơi với hai chú chó, cho biết.
Trời Sài Gòn càng về tối, người trên đường cũng dần thưa, 3 ông cháu lại trở về với dáng vẻ tĩnh lặng. Những chú cún đã thoáng buồn ngủ, ư ử dưới chân ông Sơn. Sài Gòn ồn ào bất giác thu lại thành một góc của riêng 3 ông cháu.