Gỡ phong tỏa hẻm trụ sở nhóm truyền giáo: Người dân đặt hoa ăn mừng, hát múa tưng bừng vui hơn Tết

Huy Hậu ghi |

Nghe tin gỡ phong tỏa hẻm trụ sở nhóm truyền giáo, một người dân bày tỏ cảm xúc: "Suốt 14 ngày phong toả, chẳng nhà nào dám mở cửa... Giờ chúng tôi có thể nhìn thấy được mặt nhau. Thực sự vui hơn cả Tết".

"Chưa bao giờ có một ngày vui như vậy!"

6h sáng ngày 10/6, bà Lý Hứa Trân Châu (54 tuổi) nhận được cuộc gọi từ UBND Phường 3, Q. Gò Vấp. Bên kia đầu dây, chính quyền thông báo: "9h sáng này chính thức dỡ bỏ phong toả hẻm 415 Nguyễn Văn Công nhà chị!".

Bà Châu mừng đến bất ngờ nhảy cẫng lên như trẻ nhỏ.

Vừa cúp máy, bà Châu đã gọi điện cho tất cả bà con trong hẻm 415. "Có thật không? Hay cô đang đùa" - anh Nguyễn Trung Nam (32 tuổi) không còn tin vào điều mình nghe được. Bên kia nữa, ông Hồ Công Bé cười tủm tỉm: "Bà đừng trêu tôi nghen". Mãi đến lúc bà Châu khẳng định thêm một lần nữa thì mọi người mới vỡ oà vui sướng.

"Thật sự ở đây mấy chục năm nhưng chưa bao giờ có một ngày vui đến vậy! Suốt 14 ngày phong toả, chẳng nhà nào dám mở cửa, chẳng người nào dám trò chuyện. Giờ chúng tôi có thể nhìn thấy được mặt nhau. Thực sự vui hơn cả Tết" - ông Bé chia sẻ.

Gỡ phong tỏa hẻm trụ sở nhóm truyền giáo: Người dân đặt hoa ăn mừng, hát múa tưng bừng vui hơn Tết - Ảnh 2.

Cả hẻm 415 vui mừng, họ đặt pháo hoa, hoa để chúc mừng ngày gỡ phong toả tại hẻm.

Theo đó, hẻm 415 Nguyễn Văn Công (P.3, Q. Gò Vấp) là nơi có trụ sở sinh hoạt của nhóm truyền giáo Phục Hưng. Từ 40 F0 ban đầu, chỉ trong 10 ngày, ngành y tế đã truy vết được hơn 300 trường hợp dương tính là F1, F2, thậm chí có cả F3.

Tối 26/5, hẻm 415 Nguyễn Văn Công trở thành hẻm đầu tiên phong toả tại TP.HCM.

Sau 14 ngày cách ly, bà Trân mới cảm giác được sự vui mừng như vậy. Bà gọi điện đặt một lẵng hoa tươi, vài cây pháo hoa giấy, một tấm cờ đỏ sao vàng. 7h sáng, tiếng nhạc "Việt Nam ơi" vang dội khắp xóm. Biết chắc có tin vui, anh Hoàng Vũ Minh Tâm (50 tuổi) lần đầu mở cửa chạy ra trước hẻm, miệng cười không ngớt trong lớp khẩu trang.

Đúng 9h sáng, 40 hộ dân trong hẻm chính thức được gỡ bỏ phong toả. Trong tiếng nhạc bật to, người lớn vẫy cờ, trẻ em mặc áo quốc kỳ nhảy múa tưng bừng đợi đến giây phút quan trọng.

"Tôi không còn biết diễn tả như thế nào bằng lời nữa. Chỉ biết rất cảm ơn những ngày tháng đã qua thật nhanh để đến được ngày này" - bà Châu chia sẻ.

Gỡ phong tỏa hẻm trụ sở nhóm truyền giáo: Người dân đặt hoa ăn mừng, hát múa tưng bừng vui hơn Tết - Ảnh 4.

Mọi người giương cao quốc kỳ để ăn mừng.

Công việc đầu tiên anh Nam làm sau gỡ phong toả là mua ít rau về nấu buổi trưa cho cả nhà. Đó là bữa ăn đầu tiên anh tự đi chợ mua đồ sau những ngày nhận đồ cứu trợ. Riêng cô Trân đã chạy xe một vòng những điểm gần nhà để tìm hiểu không khí xung quanh.

"Lúc đó, có nhiều người đẩy xe ra đi cùng nhưng để lâu quá xe không đề được máy. Cảm giác như lần đầu chúng tôi được tập đi xe vậy á.

Giờ biết đã dỡ phong toả, an toàn rồi, nhưng cư dân trong hẻm đều thống nhất sẽ tiếp tục cách ly tại nhà, hạn chế di chuyển trên địa bàn theo chỉ thị của Thành phố để tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch" - bà Châu kể thêm.

Gỡ phong tỏa hẻm trụ sở nhóm truyền giáo: Người dân đặt hoa ăn mừng, hát múa tưng bừng vui hơn Tết - Ảnh 5.

"Cư dân thống nhất sẽ tiếp tục cách ly tại nhà, hạn chế di chuyển trên địa bàn để tiếp tục thực hiện công tác phòng chống dịch".


Bây giờ chỉ mong thành phố này hết dịch

Bà Châu và anh Tâm mãi không quên được cái buổi tối cách đây 14 ngày. 20h30, người quen gọi: "Chị Châu ở hẻm 415 phải không?"

"Đúng. 415/8".

"Thôi chết rồi! Có người dương tính ở nhóm hội truyền giáo Phục Hưng hẻm 415/8".

Bà Châu hoang mang, chạy ra trước nhà. Chỉ 15 phút sau, nhân viên y tế đã tập trung, họ chia người dân để thực hiện test Covid-19, phong toả toàn bộ con hẻm ngay trong đêm.

"Mùa dịch đầu tiên, cô còn chuẩn bị được lương thực thực phẩm để đảm bảo giãn cách xã hội, nhưng lúc đó tình huống bất ngờ quá, trong nhà chẳng còn gì. Ai nghe xong đều bàng hoàng…"

Gỡ phong tỏa hẻm trụ sở nhóm truyền giáo: Người dân đặt hoa ăn mừng, hát múa tưng bừng vui hơn Tết - Ảnh 7.

Bà Châu mãi không quên 14 ngày cách ly.

Ngày đầu tiên phong toả, mọi hoạt động đều bị ngừng trệ, con trai buộc làm việc tại nhà, cửa đóng kín 24/24, chỉ cách nhau 3 bước chân nhưng hàng xóm đều phải nói chuyện, thông báo tin tức qua di động.

"May mắn, hôm sau chính quyền và mạnh thường quân tìm tới, cung cấp gạo, trứng, sữa, rau củ quả đầy đủ... Cô ra nhận rồi đặt trước cửa chia cho từng nhà. Ngày thứ 2 có kết quả dân trong hẻm đều âm tính thì mọi người mới bình tĩnh lại" - cô Châu chia sẻ.

Vài ngày sau, TP.HCM giãn cách xã hội theo chỉ thị 15, riêng quận Gò Vấp phong toả theo chỉ thị 16. Mỗi ngày xem tin tức, thấy số ca nhiễm tại quận tăng liên tục khiến cô Châu không khỏi lo lắng.

"Lúc đó, nơi mình bị phong toả, nhưng ngoài đường đã lây tới F5, thật sự không biết nguồn bệnh từ đâu ra nữa. Mình vẫn hay nói với bà con: Nơi nguy hiểm nhất là nơi an toàn nhất, vì khi ấy mình đã cách ly từ trước, kết quả dân hoàn toàn âm tính, nhưng lại bắt đầu lo cho bên ngoài…"

Gỡ phong tỏa hẻm trụ sở nhóm truyền giáo: Người dân đặt hoa ăn mừng, hát múa tưng bừng vui hơn Tết - Ảnh 8.

Căn nhà trụ sợ của nhóm truyền giáo Phục Hưng trong hẻm 415 Nguyễn Văn Công.

Qua 14 ngày cách ly, cô Châu càng trân quý hơn tình làng nghĩa xóm tại con hẻm. Trong ngặt nghèo, bà con càng san sẻ nhau từng thứ nhỏ nhặt hơn. Nhà nào có con nhỏ, hoàn cảnh khó khăn thì nhận hỗ trợ dân cũng sẽ nhường phần quà nhiều hơn để cùng nhau vượt qua. Có tin tức họ lại truyền nhau qua điện thoại. Chưa một ai bị bỏ lại trong tâm dịch.

"Giờ tôi chỉ mong thành phố này hết dịch. Giống như chúng tôi mọi người sẽ có một ngày vui khi Gò Vấp yên bình trở lại" - cô Châu cười.

Gỡ phong tỏa con hẻm liên quan nhóm truyền giáo Phục Hưng

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại