Gỡ nút thắt tự chủ bệnh viện

NGUYỄN QUỐC - THÀNH SƠN |

Sau 2 năm thí điểm, Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện K (TP Hà Nội) đã phải xin dừng tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33/NQ-CP để chuyển sang thực hiện tự chủ theo (nhóm 2) của Nghị định 60/2021/NĐ-CP. Theo lãnh đạo 2 bệnh viện này, việc tự chủ toàn diện trong 2 năm qua đã khiến bệnh viện “hụt hơi” và gặp nhiều khó khăn.

Hành lang pháp lý chưa hoàn thiện

Trước đó, vào tháng 9-2019, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 33/NQ-CP về thí điểm tự chủ toàn diện của 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế, gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, K và Chợ Rẫy. Tuy nhiên, đến nay mới có 2 đơn vị thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện là Bệnh viện K và Bệnh viện Bạch Mai. Dù đây là 2 bệnh viện đầu ngành của cả nước với đội ngũ y, bác sĩ giỏi và lượng bệnh nhân tới khám, điều trị rất đông, nhưng sau 2 năm thí điểm tự chủ, cả 2 đơn vị này đều xin dừng thực hiện.

Gỡ nút thắt tự chủ bệnh viện - Ảnh 1.

Bệnh nhân tăng cao, thiết bị y tế thiếu khiến các bệnh viện tự chủ toàn diện gặp khó khăn

Ông Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết, trong thời gian tự chủ, không chỉ bệnh viện mà cả người bệnh đã đối mặt nhiều khó khăn. Điển hình là việc giá dịch vụ y tế chưa được tính đúng, tính đủ (mới tính 4/7 cấu phần); nhiều máy móc hiện đại trong các đề án liên doanh liên kết tại bệnh viện đang dừng hoạt động nên thiếu trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ khám chữa bệnh. Cùng với đó là khó khăn, vướng mắc trong công tác đấu thầu, mua sắm cũng dẫn tới tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế… phục vụ người bệnh. Bên cạnh đó, hầu hết các dịch vụ tại bệnh viện đang thu theo giá của BHYT, nhưng bệnh viện lại trong giai đoạn triển khai thí điểm tự chủ. Hơn nữa, Bộ Y tế cũng chưa ban hành khung giá và mức giá trần của dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu, nên bệnh viện gặp rất nhiều khó khăn khi tự chủ.

Theo bà Đoàn Thu Trà, Chủ tịch Công đoàn Bệnh viện Bạch Mai, nhiều tháng nay, cán bộ, nhân viên y tế của bệnh viện phải đi làm sớm, về muộn. Nhiều bác sĩ phải làm việc và trực 24/24 giờ, nhưng thù lao trực vẫn tính theo mức từ 11 năm trước: 115.000 đồng/ca. Thu nhập trung bình hiện nay của một điều dưỡng ở bệnh viện khoảng 7-8 triệu đồng/tháng, bác sĩ khoảng 13-17 triệu đồng/tháng. “Với mức lương này, họ không thể tập trung cho công việc, nhất là các bác sĩ giỏi. Bệnh viện tư nhân luôn mời chào họ với mức lương 100-200 triệu đồng/tháng. Trong 2 năm qua, đã có 221 cán bộ y tế, người lao động thôi việc, trong đó có nhiều bác sĩ, tiến sĩ giữ vị trí quan trọng”, bà Đoàn Thu Trà chia sẻ.

Gỡ nút thắt tự chủ bệnh viện - Ảnh 2.

Bệnh nhân tăng cao, thiết bị y tế thiếu khiến các bệnh viện tự chủ toàn diện gặp khó khăn

Đồng quan điểm, ông Lê Văn Quảng, Giám đốc Bệnh viện K, cho rằng, Nghị quyết 33 có tính chất thí điểm đề án và hiện mới có Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai thực hiện, nhưng hành lang pháp lý hướng dẫn cụ thể để thực hiện nghị quyết này thì chưa hoàn thiện. Do đó, thời gian qua, việc tự chủ mua sắm trang thiết bị là trở ngại khó khăn đối với bệnh viện thực hiện tự chủ toàn diện. Trong 2 năm qua, Bệnh viện K chưa đủ kinh phí để đầu tư, mua sắm trang thiết bị mới nào.

Gấp rút nâng cao chế độ cho cán bộ y tế

Để tháo gỡ khó khăn trong việc tự chủ tại các bệnh viện, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, thời điểm này Bộ Y tế cần động viên, chia sẻ với các bệnh viện để họ tiếp tục thực hiện cơ chế tự chủ toàn diện. Bởi 2 năm qua, việc thí điểm tự chủ bệnh viện được triển khai trong bối cảnh dịch Covid-19 khiến các bệnh viện chưa có điều kiện để làm được. Bên cạnh đó, phải gấp rút nâng cao chế độ cho cán bộ y tế. “Tự chủ ở các bệnh viện là con đường duy nhất để giải quyết được vấn đề này của ngành y tế”, vị này khẳng định.

Theo ông Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Xã hội của Quốc hội, mỗi bệnh viện có đặc thù riêng nên cần có nghị quyết riêng cho từng bệnh viện. Để tìm được hướng đi mới phù hợp cho cơ chế tự chủ, đã đến lúc cần đúc kết, đánh giá lại cơ chế tự chủ bệnh viện trong những năm qua. Nếu tự chủ mà các cơ sở y tế phải tìm mọi cách có nguồn thu từ người bệnh thì chết bệnh nhân. Kinh nghiệm các nước trên thế giới, họ chỉ giao cho các bệnh viện tự chủ ở một mức nhất định. Nếu chi thiếu nhà nước sẽ bù, nếu vượt sẽ nộp lại cho nhà nước.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho rằng, hầu hết vướng mắc của các đơn vị liên quan cơ chế tài chính. Bộ Y tế yêu cầu Bệnh viện K, Bệnh viện Bạch Mai có báo cáo, phân tích các vướng mắc khi thực hiện Nghị quyết 33 và nếu đề xuất chuyển sang thực hiện theo Nghị định 60, cũng cần thêm các hướng dẫn chi tiết, từ đó đánh giá kỹ để trình lên Chính phủ. Nếu chúng ta tháo gỡ được vướng mắc này, cùng với việc Chính phủ đang tập trung tháo gỡ vướng mắc về văn bản pháp luật, sẽ đưa ra hành lang pháp lý giúp cho bệnh viện có định hướng thời gian tới tốt hơn.

TS-BS NGUYỄN TRI THỨC, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy:

Chế độ chính sách chưa phù hợp, chậm thay đổi

Đến nay, giá dịch vụ y tế vẫn chưa được tính đúng, tính đủ các chi phí cấu thành, gây nhiều khó khăn đối với các bệnh viện tự chủ nhóm 1 và nhóm 2 (do không được cấp kinh phí chi thường xuyên và đầu tư). Mặt khác, các chi phí có tính biến động giá theo điều chỉnh của Nhà nước, lại không được điều chỉnh đồng thời vào giá dịch vụ y tế, như: điện nước, chi phí, xăng dầu, chi phí tiền lương tiền công, BHXH, BHYT… Chưa kể đến các chi phí vật tư tiêu hao biến động giá theo cơ chế thị trường và trượt giá ảnh hưởng đến nguồn chi lương, thu nhập cho cán bộ viên chức, khó thực hiện chế độ đãi ngộ thu hút nhân tài. Bên cạnh đó, chế độ chính sách cho nhân viên y tế đã lạc hậu, không còn phù hợp như: phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại