Phần 1: Chuyện về cuộc đời danh tướng đã hiến kế giúp Ngô Quyền bày trận trên sông Bạch Đằng
Phần 2: Chân dung "đạo diễn" chính trận địa cọc ngầm lừng danh trên sông Bạch Đằng
Phần 3: Chiến tướng nào đã dũng cảm lấy thân mình dụ địch vào bãi cọc ngầm trên sông Bạch Đằng?
LTS: Với những ai đam mê lịch sử, đặc biệt là lịch sử dân tộc ta đều biết đến Ngô Quyền với chiến công hiển hách năm 938 tại sông Bạch Đằng. Nơi đây đánh dấu chiến thắng quan trọng của quân và dân ta trước quân Nam Hán.
Nhưng để có được chiến tích huy hoàng với trận địa cọc ngầm hiểm yếu đó, vẫn còn rất nhiều điều chúng ta chưa biết. Sau nhiều tìm tòi, nghiên cứu, thông qua loạt bài viết về Trận Bạch Đằng chúng tôi sẽ gửi đến quý độc giả những câu chuyện, những khía cạnh chưa được lịch sử đề cập tới.
Trong phần đầu hai này, chúng ta sẽ đến với số phận thăng trầm của người anh hùng có công giết chết tướng giặc Hoằng Tháo trong trận Bạch Đằng.
Người kết liễu tên tướng giặc Hoằng Tháo
Hoằng Tháo (có sách chép là Hoằng Thao, Hoành Thao, Hồng Tháo…) là Thái tử, con Lưu Cung – vua sáng lập ra nhà Nam Hán, một trong những nước thời Ngũ đại thập quốc ở phương Bắc.
Khi Hoằng Tháo hùng hổ dẫn quân theo đường thủy tiến vào nước ta, Ngô Quyền đã bố trí sẵn trận địa cọc ngầm ở sông Bạch Đằng, "lúc nước thủy triều dâng lên mới sai quân dùng thuyền nhỏ ra khiêu chiến mà giả vờ thua. Hoằng Tháo đuổi theo.
Lúc ấy nước thủy triều rút xuống, cọc bày ra. Hoằng Tháo chống trả túi bụi, rồi thì nước chảy rất mạnh vào hết các thuyền đang vướng mắc nơi cọc. Ngô Quyền ra sức đánh phá dữ dội. Quân Nam Hán chết đuối đến quá nửa, giết được Hoằng Tháo" (Đại Việt sử lược).
Theo sách Đại Việt sử ký toàn thư thì quân ta "bắt được Hoằng Tháo giết đi. Vua Hán thương khóc, thu nhặt quân lính còn sót rút về". Sách Đại Việt sử ký tiền biên thì viết: "Ngô Quyền thừa thắng tiến lên, bắt sống Hoằng Thao rồi giết chết".
Danh tướng lập công trong trận Bạch Đằng lịch sử (Hình minh họa – Nguồn: hsvietnam)
Chính sử không ghi tên người đã lập công giết chết chủ tướng giặc, nhưng dã sử và các nguồn thư tịch dân gian lại cho biết rõ về nhân vật này, người đó chính là Dương Tam Kha, con của Tiết độ sứ Dương Đình Nghệ, quê ở làng Ràng, xã Dương Xá, đất Ái châu (nay thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá).
Trong trận Bạch Đằng, Dương Tam Kha đã lập công lớn, bản thần tích đền Cổ Lễ (nay thuộc huyện Trực Ninh, tỉnh Nam Định) có đoạn viết:
"Tam Kha xuất bản bộ binh dĩ trường tiễn tự lưỡng ngạn loạn phóng, trảm đắc Hoàng Tháo" (Nghĩa là: Tam Kha dẫn quân dưới trướng, dùng tên dài bắn từ hai bên bờ, chém được Hoằng Thao), chính từ công trạng đó mà tại đền thờ Dương Tam Kha tại Cổ Lễ có câu đối:
Khuông phù Ngô Chủ, lập Nam bang, thiên thu hách tạc,
Trảm diệt Hoằng Thao, bình Bắc khấu, lịch đại bao phong
Nghĩa là:
Dốc phù Ngô Chủ, dựng nước Nam, nghìn thu hiển hách,
Chém chết Hoằng Thao, trừ giặc Bắc, nối đời bao phong.
Một số tài liệu khác cũng cho biết điều này, trong bài "Quá Bình Vương cựu trạch từ" (Qua đền trên nền nhà cũ của Bình Vương) của Thượng thư Lê Tung nhà Hậu Lê được chép trong bộ Thiên gia thi vựng tuyển cũng có câu: "Trảm Hán Hoằng Tháo tuyết phụ cừu" (Nghĩa là: Chém Hoằng Tháo người Hán trả thù cho cha).
Công tội nhìn từ nhiều phía
Sau chiến thắng quân Nam Hán xâm lược, Ngô Quyền lên ngôi lập ra nhà Ngô, triều đại phong kiến đầu tiên của thời kỳ độc lập, tự chủ; lúc này Dương Tam Kha trở thành đại thần của vương triều mới.
Năm Giáp Thìn (944), Ngô Vương lâm bệnh mất, thọ 46 tuổi để lại lời ủy thác cho Dương Tam Kha phù giúp con trưởng của mình là Ngô Xương Ngập nối nghiệp nhưng Dương Tam Kha đã cướp ngôi của cháu, xưng hiệu là Dương Bình Vương.
Trong tình hình đó, Ngô Xương Ngập buộc phải bỏ trốn; những người con khác của Ngô Vương, gồm Ngô Xương Văn thì Dương Tam Kha lấy làm con nuôi, Ngô Nam Hưng và Ngô Càn Hưng còn nhỏ thì để cho chị mình là Dương Quốc mẫu (Dương Thị Như Ngọc) nuôi dưỡng.
Hành động cướp ngôi của Dương Tam Kha bị sử sách phê phán gay gắt, nhà sử học thời Trần là Lê Văn Hưu nhận xét: "Đuổi con vua mà tự lên làm vua là tội công, nuôi con vua làm con mình mà cho thực ấp là ơn riêng.
Đuổi Xương Ngập mà tự lên làm vua là bề tôi nghịch cướp ngôi, đối với nghĩa thì cố nhiên giết chết cũng chưa đáng tội" (Đại Việt sử ký). Còn sử thần nhà Hậu Lê là Ngô Sỹ Liên trong sách Đại Việt sử ký toàn thư viết: "Tam Kha là kẻ gia thần, đuổi con đích của vua để cướp lấy ngôi, việc lấy Xương Văn làm con mình chẳng qua là chuyện giả cách mà thôi, ai mà biết được…".
Đến năm Canh Tuất (950) con nuôi của Dương Bình Vương là Ngô Xương Văn cùng các tướng Dương Cát Lợi và Đỗ Cảnh Thạc bất ngờ đem quân lật đổ ngôi vị. Tổng cộng thời gian ở trên ngai vàng của Dương Bình Vương được 6 năm.
Sau khi đã bị phế ngôi, nghĩ tình cậu cháu, lại ít nhiều có ơn với mình nên Ngô Xương Văn không giết mà chỉ giáng Dương Tam Kha làm Chương Dương Công, ban cho đất Chương Dương làm thực ấp (nay là xã Chương Dương, huyện Thường Tín, Hà Nội).
Tại đây ông dạy dân trồng trọt, chăn nuôi, khai hoang, lập lên nhiều làng xóm… Có câu đối ca tụng rằng:
Lục tải xưng vương truyền nội sử,
Thiên thu thực ấp hiển dư linh.
Nghĩa là:
Sáu năm xưng vương ngời sử sách,
Nghìn thu thực ấp rạng uy linh.
Đền thờ Dương Tam Kha ở xã Chương Dương (Thường Tín, Hà Nội). Hình minh họa – Nguồn: khampha
Đến năm Qúy Sửu (953) ông đưa gia quyến và thuộc hạ đi xuống phía Đông Nam để khai khẩn vùng đất mới ở Giao Thủy (nay thuộc huyện Giao Thủy, Nam Định) và quyết định ở lại đó sinh sống, đổi tên thành Dương Tùng Khê để giấu tung tích.
Thấy dân khó khăn, Dương Tam Kha tự bỏ tiền của cho dân làng đắp đê chống lụt lội, cho khai sông ngòi phục vụ tưới tiêu; ông còn khuyến khích việc khai khẩn đất hoang ở Cổ Lễ hay còn gọi là Cổ Lĩnh (nay thuộc huyện Trực Ninh, Nam Định), lập ra các làng trại là Tùng Khê, Trúc Khê, Lệ Khê, Lộ Khê và Nga Khê…
Cuối đời Dương Tam Kha về sống ở quê nhà là Ràng, xã Dương Xá (nay thuộc xã Thiệu Dương, huyện Thiệu Hoá, tỉnh Thanh Hoá) và mất tại đây ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn (980).
Nhiều nơi nhớ ơn đã lập đền thờ phụng và tôn Dương Tam Kha làm Đương cảnh phúc thần; các triều đại sau này cũng không còn giữ cái nhìn khắt khe về ông nữa, bởi vậy đã ban nhiều sắc phong, đặt mỹ tự là Bột Hải Hoàng đế, Tùng Khê đại vương, Trung hưng tôn thần…; những đình, đền thờ phụng ông đều được chăm sóc chu đáo, hương khói mãi mãi.
Tài liệu tham khảo:
1. Bách thần đất Việt – NXB Quân đội nhân dân, 2011
2. Đại Việt sử lược- NXB Thuận Hóa, 2005
3. Đại Việt sử ký tiền biên – NXB Văn hóa thông tin, 2011
4. Đại Việt sử ký toàn thư - NXB Văn hóa thông tin, 2006
5. Khâm định Việt sử thông giám cương mục - NXB Giáo dục, 1998.
6. Thần tích Việt Nam – NXB Thanh niên, 2007
7. Thế thứ các triều vua Việt Nam - NXB Giáo dục, 1998
8. Tóm lược niên biểu lịch sử Việt Nam – NXB Lao động, 2014
9. Việt sử, những dấu ấn đầu tiên – NXB Văn hóa thông tin, 2011
10. Tạp chí nghiên cứu lịch sử số 9 – năm 2006