Theo Reuters, máy bay chiến đấu F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua đã tiến hành bay phía trên thủ đô Ankara để thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 mới mua của Nga, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cho biết.
Động thái này diễn ra bất chấp sức ép từ Washington muốn Ankara từ bỏ hệ thống này.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống S-400 của Nga đã là một nguồn cơn căng thẳng trong quan hệ với Mỹ. Washington cho rằng hệ thống này không tương thích với các hệ thống phòng thủ của NATO và là mối đe dọa đối với các máy bay chiến đấu tàng hình Lockheed Martin F-35.
Thông báo của lực lượng chức năng địa phương vào Chủ nhật rằng F-16 của Không quân Thổ Nhĩ Kỳ và các máy bay khác sẽ thực hiện các chuyến bay tầm thấp và cao trên lãnh thổ của Ankara vào thứ Hai và thứ Ba để thử nghiệm một hệ thống phòng không.
Đài CNN Thổ Nhĩ Kỳ và các phương tiện truyền thông khác nói cụ thể rằng các chuyến bay này là để thử nghiệm hệ thống radar của S-400. Ankara đã bắt đầu tiếp nhận S-400 vào tháng 7 năm ngoái nhưng vẫn chưa vào hoạt động.
Những thông tin này có tác động tiêu cực đến đồng lira, vốn đã suy yếu xuống 5.780 lira đổi một đồng đô la từ mức đóng cửa 5.7140 vào thứ Sáu. Căng thẳng trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ đã là một yếu tố quan trọng trong việc đẩy đồng lira trượt giá gần 30% trong năm ngoái.
Thổ Nhĩ Kỳ đã thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 mới mua của Nga
Mới gần đây nhất là vào thứ Năm tuần trước, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Mỹ đã nói với các phóng viên rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần phải loại bỏ hệ thống này. Những bình luận đó được đưa ra sau khi Tổng thống Tayyip Erdogan gặp Tổng thống Mỹ Donald Trump tại Nhà Trắng.
Ông Trump nói rằng, cuộc đối thoại của họ tuyệt vời, nhưng không rõ liệu hai đồng minh NATO có tạo ra bất kỳ đột phá nào về vấn đề S-400 hay không và ông Erdogan sau đó nói rằng áp lực của Mỹ về việc loại bỏ S-400 là vi phạm quyền chủ quyền.
Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ ra khỏi chương trình sản xuất F-35 của Mỹ vì Ankara mua S-400. Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị Mỹ đe dọa tiến hành lệnh trừng phạt.
Tuy nhiên, bất chấp thiệt hại Mỹ gây ra cho Thổ Nhĩ Kỳ, một chuyên gia nói với Express rằng Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tiếp tục hành động của mình để thực hiện cho được mong muốn đưa quốc gia của ông lên vị thế siêu cường.
Tiến sĩ Simon Waldman chia sẻ: "Từ khoảng năm 2002 trở đi, Thổ Nhĩ Kỳ ngày càng tự coi mình là một quốc gia quan trọng trên thế giới, thuật ngữ Ottoman luôn được sử dụng. Ý nghĩa của thuật ngữ này là Thổ Nhĩ Kỳ coi mình là một siêu cường trong khu vực".
"Vì điều này, Thổ Nhĩ Kỳ nghĩ rằng họ nên tự hành động vì lợi ích quốc gia và tự đứng trên đôi chân của chính mình. Từ đó để thấy, không có gì lạ khi Thổ Nhĩ Kỳ quyết định đối phó với các mối đe dọa an ninh của mình bất kể Mỹ đánh giá ra sao", tiến sĩ nhận định.
"Chúng ta sẽ mua vũ khí Nga, tại sao lại không chứ? Nga mang đến cơ hội cho chúng ta. Chẳng có lý do gì để phải làm theo ý của Mỹ cả", tiến sĩ nhận định về quan điểm của Ankara.