Ngày 23/5, trong bối chiến tranh thương mại Trung-Mỹ đang leo thang và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, hãng thông tấn nhà nước Trung Tân Hoa Xã đã đăng bài xã luận với tiêu đề "Động năng mới lớn mạnh bùng nổ tiêu thụ mới - Nhận biết nhiệt độ và điểm sáng của kinh tế Trung Quốc từ sản lượng tiêu thụ điện:.
Giới quan sát cho rằng, dù không đề cập trực tiếp đến mâu thuẫn thương mại Trung-Mỹ nhưng đây dường như là thông điệp gửi đến Washington rằng kinh tế Trung Quốc vẫn phát triển mạnh mẽ cũng như trấn an dư luận trong nước trong bối cảnh nền kinh tế nước này gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng từ xung đột thương mại.
Tân Hoa Xã cho biết, tiêu thụ điện được coi là một "phong vũ biểu" (tức áp kế) của nền kinh tế Trung Quốc. Kể từ đầu năm nay, các chỉ số kinh tế chính đã ổn định, đặc biệt là sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp mới và tiêu dùng tích cực của người dân, điều này đã thúc đẩy sự tăng trưởng vượt bậc của sản lượng tiêu thụ điện.
Một trạm biến áp mở rộng được xây dựng ở Hồ Bắc. Ảnh: Tân Hoa Xã
Theo dữ liệu từ Cơ quan Năng lượng Quốc gia Trung Quốc, tổng sản lượng tiêu thụ điện của nước này đạt 553,4 tỷ Kwh trong tháng 4, tăng 5,8% so với năm trước. Đặc biệt, sự tăng trưởng điện năng tiêu thụ trong các lĩnh vực như xe ô tô sử dụng năng lượng mới, sản xuất linh kiện quang điện tử và dịch vụ dữ liệu Internet đều vượt 50%, cho thấy động năng mới của kinh tế Trung Quốc đang tăng lên dẫn đến sự bùng nổ của mức tiêu thụ mới.
"Khu vực mới" dẫn đầu sự tăng trưởng tiêu thụ điện
"Vào tháng Tư, tốc độ tăng trưởng sản xuất điện trong nước đã tăng thêm. Tốc độ tăng trưởng sản xuất điện ở khu vực Tây Nam, Trung Nam cao hơn mức trung bình quốc gia", ông Mạnh Vĩ - người phát ngôn Ủy ban cải cách và phát triển quốc gia Trung Quốc phát biểu trong cuộc họp báo gần đây đã lấy chỉ số tiêu thụ điện để "đo nhiệt độ" kinh tế.
Theo Tân Hoa Xã, xét từ hoạt động của các chỉ số vật lý như tiêu thụ điện, hoạt động kinh tế của Trung Quốc vẫn nằm trong phạm vi hợp lý, tiếp tục xu hướng ổn định và phát triển.
Xét từ các khu vực, theo thống kê của Ủy ban Điện lực Trung Quốc, từ tháng 1 đến tháng 4, tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện ở Tây Tạng, Nội Mông, Quảng Tây, Hồ Bắc, An Huy, Hải Nam và Tân Cương đều vượt 10%.
"Trước đây, sản lượng tiêu thụ điện của các tỉnh phát triển phía Đông và duyên hải tương đối cao nhưng giờ đây các tỉnh miền tây và miền trung nam đã "dẫn đầu", ông Diệp Xuân, cán bộ thuộc Ủy ban liên hợp doanh nghiệp điện lực Trung Quốc (CEC) cho biết, nguyên nhân chủ yếu được xác định xuất phát từ mở rộng xây dựng công trình phục vụ xóa đói giảm nghèo, tỷ lệ đô thị hóa và cải thiện thiết bị điện gia dụng v.v...
Xe ô tô chạy bằng điện được triển lãm ở Thượng Hải. Ảnh: Tân Hoa Xã
Trong khi đó, vào tháng Năm, nhiều công trường dọc theo sông Yarlung Tsangpo (Tây Tạng) xuất hiện dày đặc. Ở độ cao 3.000 mét so với mực nước biển, các công nhân đang bận rộn thi công trạm biến áp của ga tàu Lạp Lâm.
Bạch Tiểu Vĩ thuộc Cục Điện khí hóa Đường sắt Trung Quốc, cho biết: "Kể từ khi tuyến đường sắt Lạp Lâm được xây dựng trên quy mô lớn trong năm nay, các đường hầm và cầu đường sắt đã bắt đầu được xây dựng vào tháng 3 và mức tiêu thụ điện đã tăng lên rất nhiều. Trong nửa cuối năm, 17 nhà ga phải được đấu thầu để xây dựng và mức tiêu thụ điện sẽ tiếp tục tăng".
Theo dữ liệu của CEC, trong bốn tháng đầu năm, mức tiêu thụ điện của Tây Tạng đã tăng 18,3% so với năm trước, đứng đầu Trung Quốc.
"Động năng mới" tiếp tục phát triển
Dữ liệu của CEC cũng cho biết, trong tháng 4, mức tiêu thụ điện trung bình hàng ngày của ngành sản xuất Trung Quốc đạt đỉnh trong 5 tháng qua.
"Tiêu thụ điện trong ngành công nghiệp và sản xuất tăng trưởng đều đặn. Tốc độ tăng trưởng tiêu thụ điện trong các ngành liên quan đến thông tin và kỹ thuật số vượt hẳn trước đây, điều này phản ánh sự phát triển chuyển đổi mô hình của các ngành sản xuất truyền thống... ", ông Diệp Xuân nói.
Vào tháng Tư, mức tiêu thụ điện của các ngành sản xuất thiết bị công nghệ năng lượng gió, sản xuất thiết bị quang điện tử, sản xuất ô tô năng lượng mới và dịch vụ dữ liệu Internet tăng lần lượt 40,35%, 64,21%, 50,5% và 58,99% so với cùng kỳ.
Theo Tân Hoa Xã, đằng sau những con số nổi bật này còn, điểm sáng còn được thể hiện trong sản xuất công nghệ cao.
Hàng hóa được phân bổ tự động theo địa chỉ tại một trung tâm vận chuyển ở Chiết Giang. Ảnh: Tân Hoa Xã
"Dây chuyền sản xuất tự động hóa dài 138m chứa 48 bộ thiết bị thông minh cao cấp đã kết nối con người, máy móc và vật liệu với nhau. Đây là dây chuyền sản xuất linh hoạt đầu tiên cho các máy đào thủy lực cảm ứng nội địa đầu tiên ở Trung Quốc do Công ty XCMG (Từ Châu) phát triển độc lập.
Kể từ đầu năm nay, các sản phẩm của công ty liên tục ra mắt trên thị trường. Chỉ riêng trong tháng 3, xuất khẩu của XCMG đã vượt 100 triệu USD", báo Trung Quốc viết.
"Trong bốn tháng đầu năm, ngành công nghiệp sản xuất thiết bị ở Từ Châu nhận vô số đơn đặt hàng, giúp sản xuất của các doanh nghiệp ổn định. Tiêu thụ điện tăng 60,37% so với năm trước. Mức tiêu thụ điện của một số doanh nghiệp chế tạo thiết bị quy mô nhỏ thậm chí lên tới 98,54% trong tháng Tư", Lý Dĩnh - Trưởng phòng phát triển kế hoạch chính sách Công ty cung cấp điện Từ Châu Guowang cho biết.
Cũng theo Tân Hoa Xã, tại Nội Mông, trong quý đầu tiên, giá trị gia tăng của ngành công nghiệp sản xuất đường sắt, đóng tàu, hàng không vũ trụ, máy tính tăng đáng kể so với năm trước. Sản lượng các sản phẩm công nghiệp mới như TV thông minh và thiết bị quang điện tử tăng nhanh, khiến sản lượng tiêu thụ điện đứng đầu toàn quốc.
"Tiêu thụ mới" đang bùng nổ và phát triển nhanh chóng
Theo thống kê của CEC, từ tháng 1 đến tháng 4, mức tiêu thụ điện của ngành doanh nghiệp thứ ba (bao gồm tài chính, giáo dục...) và hộ gia đình tăng lần lượt 10,5% và 10,9% so với cùng kỳ, trở thành động lực quan trọng nhất cho sự tăng trưởng tiêu thụ điện toàn Trung Quốc. Tốc độ tăng trưởng sản lượng tiêu thụ điện trong các dịch vụ thông tin dữ liệu Internet, vận chuyển hậu cần kho bãi, lưu trú ăn uống đều nổi bật.
Tại huyện Phủ Tùng, thành phố Bạch Sơn, tỉnh Cát Lâm, lợn được hưởng "sự đãi ngộ" công nghệ cao trong một trang trại hiện đại. "Robot" giám sát do Tập đoàn Jingdong cung cấp có thể "nhận diện" mặt lợn thông qua camera thông minh, từ đó "ước tính" lượng thức ăn nhằm kiểm soát cân nặng, đồng thời thông qua việc "nhận diện âm thanh" từ tiếng kêu của lợn để theo dõi, giảm nguy cơ bệnh tật.
Trong khi đó, 300.000 trang phục trẻ em được tiêu thụ thông qua buổi phát sóng trực tiếp trong 24 giờ trên kênh bán lẻ trực tuyến Taobao trong ngày hội gia đình ở Chức Lý, Chiết Giang.
Lối sống thay đổi, bối cảnh tiêu dùng trực tuyến và ngoại tuyến, xu hướng tiêu dùng thông minh đang kích hoạt thị trường nội địa khổng lồ Trung Quốc.
Theo Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, doanh số bán lẻ trực tuyến đã tăng tốc từ tháng 1 đến tháng 4. Doanh số bán lẻ hàng hóa trực tuyến tại quốc gia này tăng 22,2% so với cùng kỳ năm ngoái và khối lượng chuyển phát nhanh tăng 24,8%.
"Với thị trường nội địa khổng lồ của gần 1,4 tỷ người thì xu hướng tiêu dùng tăng cao là điều hiển nhiên", Lý Đạo Quỳ, Viện trưởng Viện nghiên cứu tư duy và thực tiễn kinh tế Trung Quốc, Đại học Thanh Hóa nói: "Tiêu dùng mới sinh ra động lực mới cho tăng trưởng kinh tế, tăng sự tự tin và đàn hồi của kinh tế Trung Quốc".