Dự án đường Vành đai 2,5, đoạn Đầm Hồng – Quốc lộ 1A được UBND TP. Hà Nội phê duyệt quy hoạch từ năm 2002. Theo đó, để giải tỏa lưu lượng phương tiện khu vực Linh Đàm, năm 2002, UBND TP. Hà Nội đã quyết định phê duyệt dự án đầu tư tuyến đường Đầm Hồng - Giáp Bát trên địa bàn huyện Thanh Trì (nay là quận Hoàng Mai), tuyến đường nối từ Khương Trung (Thanh Xuân) đến Giải Phóng (đối diện với đường Kim Đồng hiện nay) dài 2,1km.
Tuyến đường có tổng mức đầu tư hơn 1.300 tỷ đồng, được xây dựng theo hình thức BT (Xây dựng – chuyển giao) do liên danh Công ty CP Kinh doanh phát triển nhà và đô thị Hà Nội cùng Công ty Xây dựng công trình Hoàng Hà làm chủ đầu tư, sau đó, hai nhà đầu tư đã lập ra Công ty TNHH Đầu tư xây dựng Hoàng Mai trực tiếp quản lý dự án.
Tổng diện tích đất thu hồi 67.125m2, trong đó riêng quận Hoàng Mai là 54.411m2 (phường Định Công: 51.333m2, phường Thịnh Liệt: 7.079m2). Tương ứng có 557 hộ gia đình với đủ loại công trình, nhà ở, đất đai nằm trong diện di dời, nhưng đến nay do vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng cũng như bồi thường nên dự án vẫn ì ạch gần 2 thập kỷ qua.
Hiện trên dự án đường Vành đai 2,5 đoạn nối cầu L3 qua Sông lừ vẫn còn hàng chục ngôi nhà chưa được giải phóng mặt bằng đoạn khiến việc thi công dậm chân tại chỗ không biết ngày hoàn thành.
Tuyến đườngvành đai 2,5 tạo hình vòng cung khi đi qua khu đô thị Định Công. Đây cũng là lý do khiến các hộ dân không đồng thuận bàn giao mặt bằng, người dân cho rằng đường đã được nắn từ thẳng thành cong khiến nhà của họ vào diện giải toả dẫn đến những khúc mắc, bất cập như hiện nay. Trong khi đó, đại diện cơ quan giải phóng mặt bằng của quận Hoàng Mai khẳng định chỉ giới, mốc giới của đường tuân thủ đúng phê duyệt, không có sai lệch hay nắn chỉnh từ thẳng thành cong.
Sau nhiều năm thi công cầu L3 qua Sông Lừ vẫn chưa thể thông xe do vướng giải phóng mặt bằng.
Trụ cầu sau khi được đổ bê tông, nhưng lâu nay bị bỏ hoang không một bóng dáng công nhân thi công tiếp.
Sắt thép trên cầu L3 gỉ sét sau nhiều năm phơi mưa, phơi nắng.
Do cầu chính L3 không thể thông xe nên hàng ngày phương tiện và người dân đi qua khu vực này vẫn phải sử dụng cầu tạm nhỏ hẹp và đầy nguy hiểm.
Nhiều khu vực trên tuyến đường Vành đai 2,5 trở thành bãi tập kết rác thải, nơi đổ trộm rác thải xây dựng trông rất nhếch nhác, gây mất mỹ quan đô thị.
Những ngôi nhà đoạn gần cầu L3 Sông Lừ vẫn chưa được giải phóng mặt bằng, trong khi mặt đường ở đây trở thành "hố bom, ổ trâu, ổ gà" làm ảnh hưởng việc đi lại của người dân khó khăn khi trời mưa gì ngập nước, trời nắng thì bụi mịt mù.
Nhiều máy móc phục vụ thi công công trình đường Vành đai 2,5 nằm bất động từ lâu không có hề bóng dáng của công nhân thi công.
Đoạn đường Vành đai từ khu đô thị Định Công đến Đầm Hồng cũng vẫn đang dang dở, ngổn ngang. Nhiều đoạn vẫn chỉ mới được đổ đá dăm. Khu vực này cũng xuất hiện nhiều hố công trình sâu, ngập nước khiến người dân qua đây gặp nhiều khó khăn.
Đoạn gần Đầm Hồng do không thể thông đường nhiều năm nay nên được tận dụng làm kinh doanh sân bóng cỏ nhân tạo.
Hàng loạt kios, nhà xưởng mọc bên đường vành đai 2,5 đoạn qua khu đô thị Định Công.
Sau18 năm, tuyến đường Vành đai 2,5 đoạn từ Đầm Hồng-Định Công tới Giải Phóng (quận Hoàng Mai, Hà Nội) chỉ dài 2,1km vẫn ì ạch không thể hoàn thành, trong khi áp lực giao thông ở khu vực Linh Đàm luôn trong tình trạng quá tải. Nhiều đoạn mặt đường của tuyến đường nghìn tỷ này trở thành "hố bom, ổ trâu, ổ gà" làm ảnh hưởng việc đi lại của người dân khó khăn khi trời mưa gì ngập nước, trời nắng thì bụi mịt mù.
Được biết, theo quy hoạch đường vành đai 2,5 sẽ bắt đầu từ Khu đô thị Tây Hồ Tây, đi qua đường Nguyễn Văn Huyên - đường Dương Đình Nghệ - Trung Kính - Hoàng Đạo Thúy - đường trục Khu đô thị Khương Đình - Khu đô thị Định Công - Kim Đồng - Tân Mai - điểm cuối là Đền Lừ. Tuyến đường được thiết kế chiều rộng 40m, 2 lòng đường với 4 làn xe chạy rộng 22m, vỉa hè rộng 7,5m....