Giữa thế kỷ 21, có một thế hệ thanh niên vẫn sống không ước mơ, ‘thả trôi’ cuộc đời chính mình

Trọng Hiếu |

Một bộ phận thanh niên Trung Quốc hiện nay sống với thái độ thờ ơ trong công việc và chẳng có nổi một ước mơ. Với họ, cuộc sống là chấp nhận những điều không thể thay đổi và thuận theo đám đông.

Trong khi giới lãnh đạo Trung Quốc khuyến khích người dân làm việc chăm chỉ và ước mơ lớn hơn, một bộ phận thanh niên lại tuyên bố theo đuổi lối sống trung bình.

Được gọi là “thanh niên Phật hệ”, những người trẻ tuổi này sống thờ ơ với sự đời dù không phải là người đọc sách kinh Phật.

“Cuộc sống khá là mệt mỏi”, AFP dẫn lời Guo Jia, 23 tuổi, nói. Anh cho rằng “thanh niên Phật hệ” có nghĩa là “chấp nhận những điều bạn không thể thay đổi và thuận theo đám đông”.

Một bài đăng lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc gần đây chỉ ra những hành động của “thanh niên Phật hệ” thường bao gồm mỗi ngày đều ăn món giống nhau, cho phép người yêu quyết định mọi việc và vô cảm trước mọi thứ.

Họ là nhóm người mới nổi trên mạng xã hội Trung Quốc, với những biệt danh như “gã béo ị” (một kiểu đàn ông trung niên xuề xòa) hay “thanh niên văn hóa” (những người theo phong cách biệt dị).

Những biệt danh kể trên đều bị chính quyền lên án nhưng “thanh niên Phật hệ” lại được đón nhận với thái độ thờ ơ.

Giữa thế kỷ 21, có một thế hệ thanh niên vẫn sống không ước mơ, ‘thả trôi’ cuộc đời chính mình - Ảnh 1.

Thay vì sống với đam mê, những “thanh niên Phật hệ” bàng quang trước mọi việc. Ảnh minh họa: Shutterstock.com

Khi Guo đến Bắc Kinh lần đầu tiên, mọi thứ - từ công việc trong ngành tài chính đến chuyện đi lại bằng tàu điện ngầm - đều khiến anh lo lắng. Giống như nhiều thanh niên khác, anh tới thủ đô với mong muốn đạt được kỳ vọng tự đặt ra cho bản thân.

Nhưng hơn một năm sau, anh chấp nhận buông xuôi mọi chuyện.

“Trước đây tôi không thể ngừng lo lắng về mọi thứ”, Guo nói. “Nhưng giờ đây, tôi thường giữ thái độ bình tĩnh và vô lo. Chỉ cần hài lòng với cuộc sống là đủ”.

Những tuyên bố như Guo chia sẻ được cho là kỳ lạ ở Trung Quốc, nơi Chủ tịch Tập Cận Bình từng kêu gọi những người trẻ tuổi cùng nhau xây dựng “giấc mơ Trung Hoa”. “Một quốc gia sẽ thịnh vượng nếu thế hệ trẻ có tham vọng và kiên trì”, ông Tập phát biểu năm 2013.

Tự khám phá

Cách sống mới của một bộ phân thanh niên Trung Quốc đã thu hút sự chú ý trên mạng xã hội sau khi một tài khoản của ứng dụng WeChat mô tả chi tiết về “thanh niên Phật hệ”.

“Hành khách Phật hệ” là người chọn đi bộ ra đón taxi DiDi (ứng dụng gọi taxi ở Trung Quốc tương đương với Uber) thay vì giải thích cho lái xe vị trí chính xác của mình.

“Người mua hàng trực tuyến Phật hệ” sẽ mua những thứ họ thích nhưng chẳng buồn trả lại những đồ họ không thích.

“Nhân viên Phật hệ” là người không mong muốn gì hơn là “đi làm bình thản và ra về lặng lẽ”.

Một “thanh niên Phật hệ” không mong muốn điều gì bởi họ không mong đợi gì. Thắng hay thua, khó khăn hay thuận lợi, họ đều chấp nhận.

Lin Kexin, sinh viên 20 tuổi ở tỉnh miền đông Phúc Kiến, cho hay, cô nhận thấy mình là một “thanh niên Phật hệ” sau thời gian “điên cuồng” theo đuổi người mình thích. “Điều đó thật mệt mỏi”, cô nói.

Xu hướng sống thờ ơ, lãnh đạm trước cuộc đời của một bộ phận thanh niên Trung Quốc cũng thu hút sự chú ý của tờ People’s Daily, nhật báo chính thức của đảng Cộng sản Trung Quốc. Tờ này hồi tuần trước đã xuất bản hai bài báo về những “thanh niên Phật hệ”.

“Lối sống như vậy có thể chỉ là một cách để những người trẻ khám phá vị trí của họ trong xã hội”, tờ báo viết song thừa nhận đây là một dạng phản ứng trước “nhịp sống hối hả”.

Đánh giá của People’s Daily khá tích cực so với phản ứng của chính phủ đối với “văn hóa chán chường” của thế hệ trẻ Trung Quốc nổi lên những năm gần đây.

Trái ngược với “thanh niên Phật hệ”, những người theo đuổi quan điểm trung lập, lối sống “chán chường” thường cho thấy sự chán nản, thất vọng và phiền muộn. Tờ People’s Daily gọi thái độ này là “bi quan và vô vọng”.

“Tôi không có ước mơ”

Giữa thế kỷ 21, có một thế hệ thanh niên vẫn sống không ước mơ, ‘thả trôi’ cuộc đời chính mình - Ảnh 2.

Wang Zhaoyue cho rằng mình có thể đạt được nhiều hơn nếu không sống theo triết lý của “thanh niên Phật hệ”. Ảnh: AFP

Nhiều năm mắc kẹt trong chính sách một con cứng rắn và nền kinh tế phát triển nhanh đã đặt áp lực lớn lên những người trẻ tuổi phải thành công trên con đường học vấn và có chỗ đứng trong sự nghiệp.

Giờ đây, một số người trẻ Trung Quốc hài lòng khi chỉ đạt mức trung bình. “Tôi chỉ ở mức trung bình trong mọi việc”, Wang Zhaoyue, một thạc sĩ 24 tuổi, nói.

Wang làm việc cho một công ty quy hoạch kiến trúc đô thị ở Bắc Kinh. Cô cho rằng mình có thể đạt được nhiều hơn nếu không sống theo triết lý của “thanh niên Phật hệ”.

“Tôi luôn học tốt nhưng chưa bao giờ đạt mức xuất sắc. Nếu nhận kết quả thấp trong bài thi, tôi chỉ tự nhủ rằng đó là bởi mình chưa cố gắng hết sức, mà có như vậy thì cũng chẳng sao cả”, cô nói.

“Tôi lặng im mỗi khi nghe bạn bè nói về mục tiêu và tham vọng. Tôi chẳng có ước mơ nào hết”, Wang chia sẻ.

Nhìn bề ngoài, những “thanh niên Phật hệ” có cuộc sống bình thường, ăn trưa với đồng nghiệp và chơi thể thao cuối tuần. Nhưng họ luôn cảnh giác với việc làm quá sức.

Guo cho biết, vài tháng trước đột nhiên anh cảm thấy cần cải thiện bản thân. Anh bắt đầu tới phòng tập thường xuyên, chơi quần vợt và ôn luyện cho bài thi về kinh doanh. Một tháng sau, anh ngã bệnh: đau đầu và chảy nước mũi.

“Ngay lập tức tôi quay về ăn những thứ mình muốn và chỉ tập thể dục khi cảm thấy thích”, Guo nói. “Thật sự quá mệt mỏi nếu tôi làm khác đi”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại