Sẽ không ngoa nếu như nói Greta Thunberg hiện đang là nhà hoạt động môi trường “hot” nhất thời điểm hiện tại, đặc biệt là sau bài diễn thuyết của em tại Hội nghị biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc.
Không thể phủ nhận Greta đáng khen vì trở thành tấm gương dành cho rất nhiều người trẻ trên thế giới dành sự quan tâm sâu sắc đến vấn đề vĩ mô như môi trường.
Vậy nhưng, xung quanh thiếu niên 16 tuổi này cũng tồn tại nhiều tranh cãi, mọi người cho rằng em chỉ giỏi nói mà chưa hề có bất kỳ hoạt động thiết thực và tạo ảnh hưởng lớn, góp phần ngăn chặn biến đổi khí hậu.
Chính vậy nên người ta càng thêm ngưỡng mộ Saalumarada Thimmakka, cụ bà 107 tuổi trồng cây, công việc ý nghĩa cho môi trường một cách thầm lặng nhưng lại được người dân Ấn Độ vô cùng kính trọng.
Trong khi nhà hoạt động môi trường nhí Greta bận rộn với những buổi diễn thuyết thì cụ bà 107 tuổi lại chỉ âm thầm tập trung làm công việc thiết thực hơn.
Không phải khi không mà người ta gọi bà Saalumarada là huyền thoại của tiểu bang Karnataka hay “mẹ cây”. Trong quá khứ, bà không được học hành đến nơi đến chốn và ra đời chỉ là 1 dân lao động bình thường.
Từ hàng chục năm trước, bà Saalumarada cùng chồng quá cố đã bắt tay vào việc trồng cây banyan (cây đa cổ thụ rất được người dân Ấn Độ tôn thờ) dọc đoạn đường cao tốc giữa Hulikal và Kudur.
Tính đến thời điểm hiện tại, nơi đây đã có hơn 380 cây banyan trải dài suốt 4km. Số tuổi của chúng đã lên tới 70 nhưng vẫn mạnh mẽ sống tốt trên nền đất.
Nhờ có nguồn cảm hứng từ chồng mà bà Saalumarada tìm thấy sự thanh thản trong việc trồng cây, 2 vợ chồng bà chưa từng nghĩ sẽ thu được bất kỳ lợi ích gì từ việc làm của mình.
Cứ thế trong suốt nhiều thập kỷ, thậm chí đến tận sau khi chồng qua đời vào năm 1991, bà Saalumarada vẫn tiếp tục trồng cây.
Số lượng cây xanh do bà trồng ước tính rơi vào khoảng 8000 cây. Cụ bà 107 tuổi cũng là khách mời thường trực tại các chương trình trồng rừng ở Ấn Độ.
Mới đây, bà Saalumarada vinh dự nhận được giải thưởng Công dân quốc gia Padma Shri được chính phủ trao tặng.
Ngoài công việc trồng cây, cụ Saalumarada còn tham gia các hoạt động xã hội khác như xây dựng bể chứa nước mưa phục vụ cho mùa lễ hội trong làng hay đi vòng quanh các trường đại học để chia sẻ về việc trồng cây của mình cũng như diễn thuyết kêu gọi người trẻ chung tay bảo vệ môi trường.
Bà ấp ủ thành lập 1 bệnh viện cho dân làng cũng là hành động để tưởng nhớ chồng.
“Tôi muốn những điều tốt đẹp cho mọi người xung quanh. Nhất là thai phụ gặp rất nhiều khó khăn trong việc đi đến bệnh viện mỗi khi chuyển dạ.
Tôi đã yêu cầu chính quyền xây dựng 1 bệnh viện phụ sản nhưng đến nay không ai đá động đến nó. Tôi phải làm gì đây? Tôi không có tiền. Tôi thật thất vọng” - bà Saalumarada nói.
Mới đây, chính quyền Karnataka dự định mở rộng đường cao tốc và hàng trăm cây banyan của vợ chồng bà Saalumarada đứng trước nguy cơ bị chặt bỏ.
Không chấp nhận nhìn thấy công sức nhiều năm qua đổ sông đổ biển, bà và con trai nuôi quyết định đứng lên bảo vệ những “đứa con” của mình.
Sau thời gian tranh đấu dữ dội, cuối cùng 1 trong những bộ trưởng của Ấn Độ đã lên tiếng trấn an bà Saalumarada và khẳng định họ sẽ không động đến cây của bà trong công cuộc mở rộng đường sá trong thời gian tới.
Là một người có trình độ học vấn không cao, xuất thân từ tầng lớp bình dân, bà Saalumarada chỉ âm thầm trồng cây như tận hưởng một thú vui và đi đến nhiều nơi để truyền cảm hứng.
Trong lùm xùm chỉ trích cô bé Greta đi khắp nơi diễn thuyết, thậm chí chửi thẳng mặt các lãnh đạo thế giới, người ta không khỏi nhớ đến cụ bà 107 tuổi nói ít làm nhiều, không phô trương nhưng không ngừng đóng góp công sức giúp thế giới ngày một tốt đẹp hơn.