Thất bại 1-2 trước U18 Campuchia ở lượt đấu cuối, U18 Việt Nam phải chính thức dừng chân ngay từ vòng bảng của giải U18 Đông Nam Á năm nay. Nhìn lại lịch sử giải đấu, có thể thấy chưa bao giờ U18 Việt Nam lại chơi tệ như thế khi được thi đấu trên sân nhà.
Kể từ khi được đưa vào chương trình thi đấu chính thức của AFF (năm 2002) đến nay, Việt Nam là quốc gia đăng cai giải đấu khu vực giành cho lứa tuổi U18 nhiều lần nhất với tổng cộng 8 lần.
Thực tế cho thấy sân nhà thường không mang lại thành công cho U18 Việt Nam khi trong 7 lần được AFF trao trọng trách là chủ nhà của giải U18 Đông Nam Á trước đây, Việt Nam chỉ duy nhất 1 lần trở thành nhà vô địch của khu vực (năm 2017).
Trong 6 lần đăng cai còn lại, dù không thực sự thành công nhưng cũng chưa bao giờ đoàn quân áo đỏ lại kết thúc giải với một vị trí nằm ngoài Top 4 như giải U18 Đông Nam Á năm nay: 1 lần hạng nhì (năm 2014), 2 lần hạng 3 (năm 2009, 2016) và 3 lần hạng 4 (năm 2003, 2010, 2012).
Bóng đá trẻ Việt Nam đang thụt lùi
Có một thực tế là sau chiến tích giành quyền tham dự VCK giải U20 thế giới 2017, bóng đá trẻ Việt Nam đang có dấu hiệu thụt lùi. Tại các giải trẻ khu vực (U15, U18, U22) kể từ năm 2017 đến nay, chúng ta chỉ giành được duy nhất 1 chức vô địch (giải U15 năm 2017).
6 giải đấu còn lại, Việt Nam 1 lần về đích ở vị trí thứ 3 (giải U22 năm 2019), 1 lần xếp thứ 4 (giải U15 năm 2019), trong khi có tới 4 lần phải trở thành khán giả ngay sau khi vòng đấu bảng kết thúc.
Giải đấu | Thành tích của Việt Nam | Đội vô địch |
U15 AFF 2017 | Vô địch | Vô địch |
U18 AFF 2017 | Vòng bảng | Thái Lan |
U15 AFF 2018 | Vòng bảng | Indonesia |
U18 AFF 2018 | Vòng bảng | Malaysia |
U22 AFF 2019 | Hạng 3 | Indonesia |
U15 AFF 2019 | Hạng 4 | Malaysia |
U18 AFF 2019 | Vòng bảng | ? |
Ở khu vực Đông Nam Á, thành tích của bóng đá trẻ Việt Nam trong vòng 3 năm trở lại đây chỉ xếp thứ 4, sau Malaysia (2 lần vô địch, 1 lần á quân), Indonesia (2 lần vô địch) và Thái Lan (1 lần vô địch, 4 lần á quân).
Điều đó chứng tỏ đang có một khoảng trống không nhỏ sau thế hệ của những Quang Hải, Văn Hậu, Tiến Dũng, Đức Chinh… cho dù trong thời gian gần đây, các đội bóng và các trung tâm càng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến công tác đào tạo trẻ.
VFF phải hành động thôi, trước khi quá muộn, để vực dậy bóng đá trẻ, làm nền tảng cho ĐTQG trong tương lai, nếu như bóng đá Việt Nam còn đặt mục tiêu tiến ra châu lục và thế giới.