Tên lửa đạn đạo Patriot. Ảnh: Bộ Quốc phòng Hà Lan
Các thương vụ vũ khí được công bố giữa lúc nhiều chính phủ trên thế giới đang theo dõi sát chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine và ngày càng sẵn sàng đầu tư vào các hệ thống vũ khí.
Trong số các thương vụ, gói vũ khí dành cho Hà Lan sẽ bao gồm 96 tên lửa đạn đạo Patriot và các thiết bị liên quan. Nếu suôn sẻ, Tập đoàn công nghệ Raytheon Technologies (Mỹ) sẽ là nhà thầu chính cho thương vụ này, có thể trị giá lên tới 1,2 tỉ USD.
Úc cũng đã được chấp thuận mua 80 tên lửa phòng không liên hợp hoặc tên lửa hành trình tầm xa. Được chế tạo bởi hãng Lockheed Martin Corp, những tên lửa này có thể được phóng từ máy bay F/A-18 Super Hornet và F-35. Thỏa thuận trên có thể trị giá tới 235 triệu USD.
Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất cũng được duyệt mua một hệ thống thiết bị quan sát hải dương học bao gồm các cảm biến đa điểm và các phương tiện thu thập dữ liệu từ xa với tổng chi phí là 206 triệu USD. Hãng Lockheed Martin là nhà thầu chính trong thương vụ này.
Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho phép bán các loại bom, đạn do Raytheon và Lockheed sản xuất trị giá tới 397 triệu USD cho Kuwait. Các vũ khí bao gồm tên lửa không đối không, bom và bộ dụng cụ đánh bom chính xác và gây sát thương cao hơn.
Cơ quan Hợp tác An ninh Quốc phòng của Lầu Năm Góc đã thông báo cho Quốc hội về các thương vụ tiềm năng nói trên nhưng không cho biết hợp đồng vũ khí đã được ký kết hoặc các cuộc đàm phán đã kết thúc hay chưa.
Nhật cảnh báo nguy cơ an ninh
Nhật Bản hôm 22-7 cảnh báo trong sách trắng quốc phòng thường niên về các mối đe dọa an ninh quốc gia leo thang, bao gồm hậu quả từ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, căng thẳng giữa Trung Quốc và đảo Đài Loan và chuỗi cung ứng công nghệ dễ bị ảnh hưởng.
Sách trắng quốc phòng đặt ra những lo ngại về an ninh của chính phủ Nhật Bản khi nước này chuẩn bị yêu cầu ngân sách cho Bộ Quốc phòng sắp đến hạn vào tháng tới. Sách trắng quốc phòng Nhật Bản nêu rõ: "Sự cạnh tranh chính trị, kinh tế và quân sự giữa các quốc gia là rõ ràng và thách thức đặt ra đối với trật tự quốc tế là một vấn đề toàn cầu". Sách trắng quốc phòng do chính quyền của Thủ tướng Kishida Fumio thông qua xác định Trung Quốc, Nga và Triều Tiên là những mối quan tâm an ninh chính của nước này.
Sách trắng quốc phòng trích dẫn ước tính so sánh của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về chi tiêu quốc phòng của Nhật Bản và 8 quốc gia khác, cho thấy chi tiêu quốc phòng Nhật Bản ở mức 0,95% GDP, Mỹ là 3,12%, Hàn Quốc là 2,57%, Trung Quốc là 1,2% và Nga ở mức 2,73%.