Giữa khủng hoảng Qatar, Mỹ đồng ý bán 500 triệu USD vũ khí cho Ả Rập Saudi

A.T |

Trong lúc Trung Đông đang nóng bỏng với khủng hoảng Qatar thì Quốc hội Mỹ đã tranh cãi việc bán vũ khí cho Ả Rập Saudi nhưng rốt cuộc phe đồng ý đã thắng phe phản đối.

Thượng nghị sĩ bang Kentucky Rand Paul thuộc đảng Cộng hòa và Thượng nghị sĩ Chris Murphy bang Connecticut thuộc đảng Dân chủ đã đề nghị dừng việc bán 500 triệu USD bom dẫn đường cho Ả Rập Saudi.

Khi đưa ra bỏ phiếu thì hầu hết người phe Dân chủ và 4 thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ đề nghị. Tuy nhiên, hầu hết người của phe Cộng hòa và 5 thượng nghị sĩ đảng Dân chủ lại bỏ phiếu không tán thành đề nghị nói trên. Kết quả là tỷ số 53-47 nghiêng về phe chấp thuận bán vũ khí cho Riyadh.

Sở dĩ đa số Thượng viện đồng ý thông qua việc bán vũ khí cũng là do đảng Cộng hòa nắm giữ lợi thế 52-48 trong Thượng viện. Kết quả bỏ phiếu 53-47 cũng giúp Phó tổng thống Mike Pence (người giữ luôn vai trò chủ tịch Thượng viện theo hiến pháp Mỹ) đỡ phải ra mặt dùng quyền bỏ phiếu của mình trong trường hợp tỉ số hòa.

Hai người đưa ra đề xuất dừng việc bán vũ khí tỏ ra rất thất vọng khi kiến nghị của họ không được Thượng viện thông qua.

"Chúng ta đang thúc đẩy một cuộc chạy đua vũ trang ở Trung Đông", Thượng nghị sĩ Paul cho biết và không quên nhắc về tình trạng tại Yemen.

Còn Thượng nghị sĩ Murphy nhận xét cụ thể hơn: "Những gì đang diễn ra ở Yemen ngày nay là một cuộc khủng hoảng nhân đạo. Mỹ ủng hộ chiến dịch ném bom do Ả Rập Saudi dẫn đầu đã gây ra một cơn ác mộng nhân đạo ở đất nước này".

Theo báo cáo gần đây của tổ chức Theo dõi Nhân quyền, hơn 4.125 thường dân đã thiệt mạng và hơn 7.200 thường dân bị thương ở Yemen kể từ khi chiến dịch không kích do Ả Rập Saudi tiến hành vào tháng 3.2015. Hầu hết những thương vong này là kết quả từ chiến dịch không kích của liên minh Ả Rập.

Nhưng phe ủng hộ bán vũ khí có cách lý giải riêng. Thượng nghị sĩ Lindsey Graham đến từ bang South Carolina, một người thuộc đảng Cộng hòa đổ lỗi cho những đe doạ về quân sự do Iran gây ra.

Theo ông Graham thì Iran là nước gây bất ổn cho Trung Đông và lại có tiềm lực quân sự mạnh nhất. Do vậy, Mỹ cần phải trang bị vũ khí cho Ả Rập Saudi trước áp lực từ Iran.

Năm ngoái, Tổng thống Barack Obama đã từ bỏ việc bán hệ thống ném bom dẫn đường cho Ả Rập Saudi do lo ngại Riyadh tấn công dân thường và cơ sở hạ tầng quan trọng ở Yemen. Tuy nhiên, đến thời ông Donald Trump làm tổng thống thì việc bán vũ khí cho Ả Rập Saudi lại được bật đèn xanh.

Tranh chấp việc bán vũ khí dẫn đường nêu trên chỉ là một phần nhỏ trong gói vũ khí trị giá 110 tỉ USD - bao gồm xe tăng M1, trực thăng Chinook và Black Hawk mà ông Donald Trump cam kết trong chuyến thăm Ả Rập Saudi vừa qua.

Theo Đạo luật kiểm soát vũ khí năm 1976, Quốc hội có quyền yêu cầu Tổng thống phải thông báo bất kỳ hoạt động buôn bán vũ khí nào sắp tiến hành trong trường hợp khách hàng là đối tác ở Trung Đông.

Điều này nhằm đảm bảo việc bán vũ khí không ảnh hưởng xấu đến lợi thế quân sự của Israel so với các nước láng giềng trong khu vực.

Quốc hội có thể chặn các đơn hàng vũ khí bằng cách thông qua một nghị quyết không chấp thuận. Nhưng lần này thì Thượng viện Mỹ đã bật đèn xanh cho việc bán vũ khí tới Ả Rập Saudi.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại