"Tình hình trên bán đảo Triều Tiên và khu vực hiện nay đang bế tắc và đã đạt tới điểm tới hạn có thể khiến mọi thứ quay trở về vạch xuất phát ban đầu khi Mỹ đơn phương thể hiện thái độ thiếu thiện chí trong hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai gần đây”, ông Kim đã nói như vậy ở Vladivostok.
Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đang ở thăm Nga để tham dự một hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Putin về vấn đề hòa bình và an ninh khu vực. Chủ tịch Kim cho rằng, hòa bình và an ninh khu vực phụ thuộc hoàn toàn vào thái độ trong tương lai của nước Mỹ, hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên - KCNA đưa tin.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai diễn ra ở Hà Nội hôm 27/2 và 28/2. “Không thỏa thuận nào đạt được trong lần này, nhưng các đội ngũ làm việc của hai bên vẫn trông chờ vào cuộc gặp gỡ trong tương lai”, thư ký báo chí của Nhà Trắng - bà Sarah Sanders cho biết trong một tuyên bố.
Cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa ông Trump và ông Kim đã không đạt được kết quả như mong đợi dù trước đó nó đã được kỳ vọng khá nhiều.
Nguyên nhân khiến hội nghị thượng đỉnh lần này không đạt được thỏa thuận là do có một khoảng cách trong lập trường của hai bên. Mỹ và Triều Tiên vốn vẫn mâu thuẫn về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt.
Bình Nhưỡng luôn đòi hỏi Mỹ phải dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước họ trước khi họ phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Mỹ đòi hỏi Triều Tiên phải tiến hành phi hạt nhân hóa một cách đầy đủ và có kiểm chứng trước khi họ hủy bỏ chính sách trừng phạt.
Bình Nhưỡng kiên trì theo đuổi mục tiêu đòi Mỹ phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt trong khi Washington khăng khăng duy trì chính sách này cho đến khi Triều Tiên tiến hành phi hạt nhân hóa hoàn toàn.
Triều Tiên đã không tiến hành thử vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa trong hơn một năm qua.
Mỹ và Triều Tiên được tin là đang chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh thứ ba nhưng khả năng thành công của hội nghị này là thấp khi cả Bình Nhưỡng và Washington đều kiên quyết không nhượng bộ trong lập trường của hai bên.
Chuyến thăm đến Nga vào thời điểm này của Chủ tịch Kim được xem là lời nhắc nhở, cảnh báo với Washington rằng Nhà lãnh đạo Triều Tiên còn có những sự lựa chọn khác trong khu vực để ủng hộ vai trò lãnh đạo của ông này.
Nga vốn có quan hệ khá tốt đẹp với Triều Tiên. Cùng với Trung Quốc, Nga không ít lần lên tiếng và hành động bênh vực Triều Tiên. Tuy nhiên, trong mấy năm trở lại đây, Nga không hài lòng với những hành động thách thức liên tiếp của Triều Tiên và đã ủng hộ các gói biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên.
Về phía Nga, thông qua hội nghị thượng đỉnh với Triều Tiên, Nga muốn nâng cao vị thế của nước này trên trường quốc tế. Moscow muốn tham gia vào tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên - một tiến trình thu hút nhiều sự chú ý của quốc tế.