Giữa cuộc "huynh đệ tương tàn" vô tận ở Yemen, vì sao Ả Rập Saudi quyết rút khỏi vũng lầy?

Đại sứ Nguyễn Quang Khai |

Trong khi người dân Yemen đang đứng trước nạn đói, thì các bên liên quan đang mải tìm cách "chia bánh".

Sứ mệnh khó khăn của Đặc phái viên Martin Griffits

Đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Yemen Martin Griffits đang thực hiện chuyến đi con thoi giữa thủ đô Sana’a, Riyadh và Muscat, mang theo một kế hoạch nhằm khởi động lại các cuộc đàm phán hòa bình giữa các bên tham gia vào cuộc xung đột kéo dài từ tháng 4/2015 đến nay tại Yemen.

Các cuộc đàm phán này dự kiến sẽ được tổ chức tại Thụy Điển trong tuần đầu của tháng 12 tới.

Các nguồn tin cho biết Đặc phái viên Martin Griffits đã kết thúc các cuộc thảo luận hết sức khó khăn tại Sana’a với thủ lĩnh Abdul Malik Al-Houthi của phe nhóm Houthi và các quan chức khác trong vòng ba ngày trước khi đến Riyadh và Muscat, và sau đó lại trở về Sana’a.

Mục đích của chuyến đi con thoi này của ông Martin Griffits là nhằm đạt được thỏa thuận về các biện pháp xây dựng lòng tin và thu xếp cho các cuộc đàm phán sắp tới.

Thời gian từ nay đến đầu tháng 12 tới không còn nhiều. Ông Martin Griffits đang phải chạy đua với thời gian để duy trì được lệnh ngừng bắn khá mong manh tại thành phố cảng chiến lược Hodeidah, khu vực giáp biên giới với Ả Rập Saudi và các mặt trận khác ở Tai’z, Dhali và ngoại ô Thủ đô Sana’a.

Nguyên nhân, nguồn gốc của cuộc nội chiến Yemen

Do tác động của phong trào "Mùa Xuân Ả Rập", các cuộc biểu tình chống chính phủ tại Yemen đã bùng nổ và lan rộng vào tháng 2/2011, và sau đó dẫn đến một cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng trong nước.

Vào tháng 11/2011, với sự hòa giải của Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) tại Riyadh, Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh, người nắm giữ quyền lực từ năm 1978, đã ký với phe đối lập một thỏa thuận về chuyển giao chính quyền.

Theo thỏa thuận trên, ngày 21/2/2012, cuộc bầu cử Tổng thống mới đã diễn ra và ông Abdrabbuh Mansur Hadi, người từng giữ chức Phó Tổng thống dưới thời Abdullah Saleh được bầu vào chức vụ này cho giai đoạn chuyển tiếp hai năm.

Tháng 1/2014, nhiệm kỳ của Tổng thống Hadi kết thúc, nhưng đã được kéo dài thêm một năm. Mặc dù đã bầu được Tổng thống mới, nhưng cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ ở Yemen vẫn không được giải quyết, các cuộc đụng độ vũ trang thường xuyên xảy ra giữa chính quyền và các phe nhóm đối lập khác nhau.

Giữa cuộc huynh đệ tương tàn vô tận ở Yemen, vì sao Ả Rập Saudi quyết rút khỏi vũng lầy? - Ảnh 2.

Ảnh minh họa: Reuters.

Cuộc xung đột Yemen là một cuộc nội chiến kéo dài bùng nổ năm 2015 giữa những người ủng hộ Tổng thống Hadi và người Houthi.

Houthi là người Hồi giáo theo dòng Shia sống chủ yếu ở phía Bắc Yemen. Theo ước tính, người Houthi chiếm khoảng một phần ba trong tổng số 24,4 triệu dân phần lớn là người Sunni.

Phong trào Houthi được đặt tên để vinh danh thủ lĩnh Hussein Al-Houthi, người phát động cuộc nổi dậy chống chính phủ vào năm 2004, buộc tội chính quyền phân biệt đối xử với người Shia.

Người Houthi đòi được hưởng quyền tự trị rộng lớn hơn cho tỉnh Sa’dah của họ ở phía Bắc. Nhóm Ansar Allah là cánh vũ trang của người Houthi. Sau khi Hussein Al-Houthi chết, phong trào này do anh trai Abdel Malek al-Houthi lãnh đạo.

Chính phủ của Abdrabbuh Mansur Hadi và lực lượng nổi dậy Houthi cùng với những người ủng hộ và đồng minh của họ, cả hai phái đều tuyên bố thành lập chính phủ Yemen.

Lực lượng Houthi liên minh với các lực lượng trung thành với cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh kiểm soát thủ đô Sana'a, đã tuyên chiến với các lực lượng trung thành với chính phủ Abdrabbuh Mansur Hadi.

Năm 2014–2015, nhóm Ansar Allah là một đội quân người Shia vũ trang được Iran ủng hộ, dần dần chiếm được quyền lực tại Yemen. Ả Rập Saudi và các nước Ả Rập khác coi đây là cuộc đảo chính vi hiến.

Tháng 3/2015, Tổng thống Hadi và chính phủ của ông, người được quốc tế công nhận, phải rút về thành phố Aden thuộc miền Nam Yemen và lấy đây làm thủ đô tạm thời.

Ngày 21/3/2015, sau khi tiếp quản Sana'a và chính phủ Yemen, Ủy ban Cách mạng Tối cao (HRC) Houthi đã tiến hành một cuộc tổng động viên nhằm lật đổ Hadi và tiếp tục tiến về các tỉnh phía Nam.

Đến 25/3, tỉnh Lahaj thất thủ, quân Houthi chiếm được các vùng ngoại ô Aden. Cùng ngày, Hadi phải rời Aden chạy sang sống lưu vong tại Ả Rập Saudi. Ngay sau đó, một liên minh Ả Rập do Ả Rập Saudi lãnh đạo đã mở một chiến dịch quân sự nhằm khôi phục lại chính phủ của Hadi. Mỹ đã cung cấp hỗ trợ tình báo và hậu cần cho chiến dịch.

Người Houthi được Iran ủng hộ. Các nước thành viên Hội đồng hợp tác vùng Vịnh (GCC) tố cáo Iran gây mất ổn định trong khu vực. Trên thực tế, trong những năm gần đây, Yemen đã trở thành một chiến trường giữa Tehran ủng hộ người Houthi và Riyadh đứng về phía Hadi.

Giữa cuộc huynh đệ tương tàn vô tận ở Yemen, vì sao Ả Rập Saudi quyết rút khỏi vũng lầy? - Ảnh 4.

Khủng hoảng Yemen. Ảnh minh họa: AP.

Vì sao Ả Rập Saudi chấp nhận ngừng bắn và nối lại đàm phán?

Trong gần 4 năm qua, liên quân hùng mạnh gồm 10 nước do Ả Rập Saudi lãnh đạo với khoảng 150.000-200.000 quân, hơn 100 máy bay chiến đấu vẫn không đánh bại được các lực lượng Houthi.

Đến nay, Houthi vẫn kiểm soát được Thủ đô Sana’a và nhiều tỉnh miền Bắc giống như tình hình trước khi thống nhất Yemen năm 1990.

Trong khi đó, Liên quân do Ả Rập Saudi đứng đầu đã chịu nhiều tổn thất nặng nề. Đến nay vẫn chưa có con số thống kê chính thức, nhưng theo hãng tin Al-Jazeera, hơn 11.000 binh sĩ của liên quân đã bị giết. Tạp chí Times của Anh thì cho biết chi phí cho cuộc chiến tại Yemen lên tới 200 triệu USD/ngày, tức khoảng 72 tỷ USD/năm, chủ yếu do Ả Rập Saudi gánh chịu.

Cuộc chiến ở Yemen đã đi tới mốc mà Riyadh không thể đi tiếp được nữa. Đặc biệt sau vụ giết hại nhà báo Jamal Khashoggi ngày 2/10/2018 vừa qua, dưới sức ép của quốc tế, nội bộ Hoàng gia lục đục, Ả Rập Saudi đã buộc phải thay đổi một số chính sách của mình, trong đó có việc chấp nhận ngừng bắn, đàm phán để rút khỏi vũng lầy Yemen.

Theo ước tính của tổ chức phi chính phủ "Quỹ cứu trợ trẻ em" (Save the Children Fund), kể từ khi cuộc nội chiến bùng nổ vào tháng 4/2015, khoảng 85.000 trẻ em Yemen đã chết do bị đói hoặc bệnh tật, và hàng chục ngàn người khác bị chết và bị thương. Hơn 3,2 triệu người đã bị mất nhà cửa do chiến sự đẫm máu ở quốc gia nghèo nhất Trung Đông này.

Quỹ Nhĩ đồng của Liên Hợp Quốc UNICEF ước tính có khoảng 4,5 triệu trẻ em ở Yemen không được tới trường. Hơn 3/4 dân số của Yemen - khoảng chừng 22 triệu người - hiện đang phải duy trì sự sống nhờ vào viện trợ nhân đạo của nước ngoài.

Theo các nguồn tin của Liên Hợp Quốc, từ tháng 3/2015 đến tháng 12/2017, hơn 13.600 người Yemen đã thiệt mạng do chiến sự, trong đó có hơn 5.200 dân thường. Liên Hiệp Quốc cảnh báo rằng 13 triệu dân thường Yemen đang phải đối mặt với nạn đói và có thể đây sẽ là "nạn đói tồi tệ nhất trên thế giới kể từ 100 năm nay".

Giữa cuộc huynh đệ tương tàn vô tận ở Yemen, vì sao Ả Rập Saudi quyết rút khỏi vũng lầy? - Ảnh 5.

Thực tế này chứng tỏ rằng, vấn đề Yemen không thể giải quyết được bằng quân sự.

Cuộc xung đột huynh đệ tương tàn kéo dài gần 4 năm với chi phí khổng lồ đã không giải quyết được vấn đề gì ngoài đem đến những thiệt hại to lớn về người và của cho tất cả các bên.

Mặc dù tình hình còn hết sức phức tạp, nhưng việc các bên trực tiếp tham chiến gồm Ủy ban Cách mạng tối cao, chính phủ ở Sana’a, chính phủ của Tổng thống Hadi ở Aden, Liên quân Ả Rập, phiến quân Houthi đều ủng hộ các cố gắng của Đặc phái viên Martin Griffits, ngừng bắn để đi tới bàn đàm phán là những dấu hiệu tích cực hướng tới một giải pháp hòa bình.

Đáng lưu ý, tại Hội nghị về an ninh họp ở thủ đô Manama của Bahrain cuối tháng 10 vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis đã kêu gọi các bên tham chiến ở Yemen ngừng các hoạt động quân sự và ngồi vào bàn đàm phán.

Nhiều người hy vọng trong bối cảnh khu vực có nhiều thay đổi, các cuộc thương thảo tại Geneva sắp tới sẽ được nối lại để tìm ra một giải pháp hòa bình, chấm dứt đổ máu tại Yemen. Giải pháp duy nhất là ngừng bắn, đàm phán để thành lập một chính phủ đoàn kết dân tộc với sự tham gia của của cả hai phái trong chính Aden và Sana’a.

(*) Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại