Sau khi trải qua thời gian khá dài chìm trong bất ổn kinh tế và lạm phát phi mã, rất nhiều người dân Venezuela đã tìm ra những cách độc đáo để kiếm được cái ăn, tờ National Interest trích dẫn nghiên cứu của các học giả Mỹ Doug Dubrowski, Sven Peterson và Hayden Gilmore.
Cụ thể, những người am hiểu công nghệ, đặc biệt là giới trẻ Venezuela đã tìm đến "nguồn thu nhập" ở nơi ít ai ngờ tới: Đó là RuneScape, trò chơi thuộc thể loại game nhập vai trực tuyến nhiều người chơi (MMORPG) đã được phát hành và phát triển gần 2 thập kỷ qua.
Gần đây trò chơi này đã trở thành một trong số những nguồn thu nhập ổn định nhất cho một bộ phận người dân Venezuela, trong bối cảnh bất ổn kinh tế - chính trị - xã hội leo thang tại quốc gia này kể từ sau khi lãnh đạo đối lập Juan Guaidó tự phong làm "Tổng thống lâm thời".
RuneScape cho phép người chơi kiếm tiền như thế nào?
Runescape là một trò chơi trực tuyến gần như miễn phí, bất cứ ai cũng có thể tải về chơi. Hơn nữa, nền tảng MMORPG giúp người chơi có thể tương tác với nhau thông qua các kênh trò chuyện, và thậm chí có thể trao đổi, buôn bán vật phẩm trong "chợ".
Theo National Interest, cách kiếm được nhiều vàng nhanh chóng nhất và dễ dàng nhất trong RuneScape là giết Rồng Xanh. Bằng cách này, người chơi có thể thu thập những vật phẩm và sau đó đem rao bán ở "chợ".
Điểm đặc biệt là số vàng trong trò chơi này có thể được đem bán cho một bên thứ ba để đổi lấy tiền mặt (thường là dưới dạng tiền ảo như Bitcoin). Giá cả có thể dao động, nhưng trung bình 1 triệu vàng trong RuneScape có thể đổi được 1 USD, và người chơi có thể thu được ít nhất 500.000 vàng sau 1 giờ làm nhiệm vụ giết Rồng Xanh.
Tất nhiên, chiến thuật có tên gọi là "cày vàng" này là điều vi phạm quy định của trò chơi. Nhiều người chỉ chơi để giải trí sẽ thấy bất bình trước tình trạng trò chơi bị một số người lợi dụng để thu lợi nhuận. Nhà phát triển RuneScape cũng đã cảnh báo sẽ khóa các tài khoản vi phạm.
Rồng Xanh là "mỏ vàng" của nhiều người dân Venezuela. Ảnh: Reddit.
Tuy nhiên, trước tình trạng kinh tế đình trệ, lạm phát phi mã tăng đến 1.300.000%, nhiều người dân Venezuela và đặc biệt là những lao động trẻ tuổi đã bất chấp tìm đến trò chơi RuneScape để kiếm thêm thu nhập.
Thu nhập ổn định hơn các công việc bình thường
Theo các nhà nghiên cứu Dubrowski, Peterson và Gilmore, việc "cày vàng" trong trò chơi rồi đem bán lại có thể đem lại cho họ nguồn thu nhập ổn định hơn so với nhiều công việc khác.
Ngày 14/1 vừa qua, Tổng thống Nicolás Maduro đã tăng mức lương tháng tối thiểu của người dân Venezuela lên 300%, tương đương với 6,7 USD. Để có được số tiền này, người chơi RuneScape chỉ cần "cày vàng" trong chưa đầy 16 tiếng đồng hồ.
Tuy vậy, Rồng Xanh chỉ xuất hiện tại một số khu vực đặc biệt, nơi những người chơi được phép "đồ sát" (giết những người chơi khác) trong game. Việc nhiều người chơi Venezuela lạm dụng việc "cày vàng" quá mức đã dấy lên làn sóng phẫn nộ trong cộng đồng RuneScape. Thậm chí hồi năm 2017 đã từng xuất hiện phong trào kêu gọi "đồ sát" người chơi Venezuela.
Trái lại, một số người chơi khác đã bày tỏ sự cảm thông và cho rằng việc "đồ sát" những người chơi Venezuela có thể gây ra hậu quả thực sự. Khi một người chơi mất mạng trong RuneScape, họ sẽ mất toàn bộ số vàng chưa kịp lưu lại. Do đó, việc người chơi Venezuela bị "đồ sát" có thể khiến họ phải "nghiến răng" ôm bụng đói đi ngủ vào ngày hôm đó.
Hiện các nhà nghiên cứu chưa thể thu thập được số liệu chính xác về số người chơi Venezuela tham gia "cày vàng" trên RuneScape để đổi lấy thu nhập, nhưng họ đã tìm thấy một số trang fanpage và nhóm Facebook tụ hội rất đông đảo người chơi Venezuela tham gia thảo luận và rao bán các vật phẩm trong trò chơi.
Trong bối cảnh bất ổn chính trị, kinh tế và xã hội ngày càng leo thang, lại cộng thêm với những lệnh trừng phạt hà khắc của Mỹ, nền kinh tế của Venezuela sẽ rất khó bình ổn trong thời gian trước mắt. Điều này có nghĩa là RuneScape vẫn sẽ tiếp tục là "cần câu cơm" của nhiều người dân Venezuela trong thời gian tới, 3 nhà nghiên cứu kết luận.
* Nội dung trên được lược dịch từ bài viết của 3 tác giả Doug Dubrowski, Sven Peterson và Hayden Gilmore - các nhà nghiên cứu thuộc Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ tại Washington DC.