Những vườn ổi Bo bạt ngàn nuôi sống bao thế hệ người dân nơi đây nay hầu như không còn nữa. Những tưởng ổi Bo chỉ còn vang bóng một thời nhưng đến Hoàng Diệu hôm nay, chúng ta vẫn có cơ hội được thưởng thức thứ đặc sản quý này. Người có công bảo tồn và giữ “báu vật” của làng chính là ông Bùi Hữu Trọng, tổ 2, phường Hoàng Diệu.
Nguồn gốc ổi Bo
Làng Bồ Xuyên giờ là phố thị, tốc độ đô thị hóa nhanh trong những năm gần đây khiến ngôi làng nhỏ nằm phía tả sông Trà Lý thay đổi nhiều. Những mảnh vườn bạt ngàn cây trái ven đô đã khuất dần, thay vào đó là những dãy nhà cao tầng san sát...
Dù không có tài liệu nào đề cập rõ ràng đến nguồn gốc của ổi Bo nhưng người làng Bồ Xuyên vẫn truyền tai nhau rằng ổi Bo có nguồn gốc ở làng này khoảng 200 năm về trước.
Cây ổi Bo “tổ” mọc ở bờ giậu nhà cụ Phạm Hữu Thiên (tên thường gọi là cụ Trương Thiên) thuộc dòng họ Phạm Hữu ở thôn Bồ Xuyên, xã Đông Ninh, huyện Đông Quan (nay là phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình).
Khi cây ổi mọc lên xanh tốt, cụ Thiên không chặt đi mà để nguyên chăm sóc. Sau 3 năm, ổi bói lứa quả đầu tiên, quả chưa chín có màu xanh và vị chát nhưng khi quả chín to như quả lê, màu trắng như lê, khi bổ ra, cùi dày, ruột quả bé và chỉ có một vành hạt.
Ổi Bo có tên ban đầu là ổi lê. Do phù hợp với thổ nhưỡng của vùng nên dần dần được trồng nhiều ở làng Bồ Xuyên và cả làng Bo. Đến mùa ổi chín, người dân trong làng mang ổi ra chân cầu Bo để bán. Vì thế, cái tên ổi Bo dần được người dân quen gọi.
Trải qua những thăng trầm của lịch sử, sự thay đổi của vùng đất ven đô hôm nay, ổi Bo không còn được trồng nhiều nữa. Trên địa bàn phường Hoàng Diệu, số cây ổi Bo thuần chủng cũng chỉ còn vài chục gốc. Riêng ở khu vực làng Bồ Xuyên, chỉ có gia đình ông Trọng còn bảo tồn được 10 cây ổi Bo bản địa, còn lại một số gia đình còn vườn tạp cũng chỉ có 1, 2 cây.
Ông Trọng cho biết: Nếu như trước kia, vườn ổi Bo vài chục gốc có thể nuôi sống cả một gia đình thì hiện nay, ổi Bo không còn mang lại hiệu quả kinh tế cao bởi diện tích đất vườn thu hẹp.
Nhiều cây ổi Bo của các gia đình khác vẫn cho quả đúng vụ nhưng do phát triển tự nhiên, thiếu bàn tay chăm sóc của con người nên quả chất lượng kém, đa số không được thu hoạch bởi sự tấn công của ruồi vàng...
10 gốc ổi của gia đình tôi có tuổi đời hơn 10 năm, do chính tôi nhân giống và lựa chọn từ các cây ổi Bo trước đó. Hàng năm, gia đình tôi vẫn thu hoạch từ 50 - 70kg quả/cây. Chất lượng ổi bảo đảm “ăn một lần nhớ mãi”.
Chính những hương vị đặc trưng riêng có mà ổi Bo đã trở thành một thứ đặc sản mang đậm hồn cốt quê hương như nhắc nhở những người ở xa luôn nhớ về quê lúa Thái Bình.
Quy trình chăm sóc đặc biệt
Ổi Bo ra hoa từ độ tháng 3 âm lịch và quả cho thu hoạch độ giữa tháng 7 âm lịch hàng năm. Có điều đặc biệt ở giống ổi này là đặc tính sinh trưởng và quá trình chăm sóc cây hết sức nghiêm ngặt. Nếu có sự thay đổi về môi trường, thổ nhưỡng, quả ổi Bo sẽ không còn giữ được hương vị vốn có của nó.
Theo ông Trọng: Ổi Bo có cây cao tới 10m, quả có trọng lượng từ 0,1 - 0,7kg/quả. Khi còn xanh, quả ăn rất chát nhưng khi chín da có màu trắng lê, có khía kiểu như múi. Để chín đẫy thì xuất hiện những chấm đỏ.
Khi thưởng thức ổi Bo, người ăn cảm nhận được 7 mùi vị (thơm, ngọt, ngậy, giòn, xốp nếu hơi xanh thì chan chát mà chín quá thì ngọt chua). Ổi Bo là cây khó trồng bởi bộ rễ phát triển kém nên khi gặp bão gió cây dễ đổ hay bị chết.
Khi chăm sóc, tuyệt đối không bón phân hóa học cho ổi Bo mà chỉ được dùng phân hữu cơ hoặc dùng bùn ao vun gốc hay đôn vườn hai ba thâm để đảo đất.
Cũng bởi sự “khó tính” của cây ổi Bo nên khi cây đã cho quả và ăn quả thì người ta cứ nhớ mãi thứ hương vị khó quên đó. Đối với ông Trọng, mỗi cây ổi trong vườn đều được ông chăm sóc như chăm sóc những đứa con của mình. Từ việc bắt sâu, ủ gốc đến thu hoạch đều được thực hiện thủ công, hạn chế tới mức tối đa việc tác động đến bộ rễ, thân cây và tán lá.
Cây ổi Bo không cần quá xanh tốt vì khi đó cây cho quả to nhưng quả không chắc thịt mà có vị chua nhiều hơn ngọt. Những cây ổi cho quả ngon là cây có tán lá hứng đủ ánh sáng, quả không quá to nhưng chắc và ngọt dịu. Thiên địch của ổi Bo chính là ruồi vàng, nếu không bọc quả khi quả vừa bằng đầu ngón tay cái thì khó có thể cho thu hoạch.
Những năm trước đây, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn dày công nghiên cứu, thành lập đề án nhân giống, cắt ghép, bảo tồn ổi Bo nhưng đều không thành công.
Nhiều gia đình ở Hoàng Diệu chặt bỏ ổi Bo để trồng các loại cây cho hiệu quả kinh tế cao hơn nên dường như nó không còn xuất hiện trên thị trường những năm gần đây. Gia đình ông Trọng mỗi năm thu từ 5 - 7 tạ quả nhưng chủ yếu làm quà mà không bán ra thị trường. Ổi Bo của gia đình ông là món quà quê thuộc hàng “hiếm có khó tìm”.
Nỗi niềm người dân làng Bồ Xuyên
Cuộc sống thay đổi từ làng lên phố, người dân “một nắng hai sương” ở làng Bồ Xuyên đã dần thoát ly với ruộng đồng. Những mảnh vườn cây trái ngày xưa giờ đã thành ngõ phố, nhà nhà, người người cuốn vào guồng quay kinh tế thị trường, họ cũng dần dần quên đi hương vị ổi Bo.
Còn lớp người cao tuổi ở làng Bồ Xuyên cũng vơi dần theo năm tháng mang theo nỗi niềm tiếc nuối về thứ quả “danh bất hư truyền” đang đứng trước nguy cơ tuyệt chủng.
Khi Thái Bình có chủ trương phát triển những cây đặc sản tại từng vùng, từng địa phương nhằm mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân; đồng thời, tạo ra thương hiệu sản phẩm của các vùng quê Thái Bình đã nhen lên niềm hy vọng cho người dân phường Hoàng Diệu nói chung, làng Bồ Xuyên nói riêng. Họ đều hy vọng một ngày không xa, Hoàng Diệu sẽ có vùng trồng cây ổi Bo để giữ gìn, giới thiệu và quảng bá sản phẩm trên chính quê hương của ổi Bo.
Cụ Phạm Thị Lạc, 93 tuổi, tổ 2, phường Hoàng Diệu chia sẻ: Tôi vẫn nhớ như in cái ngày cắp từng thúng ổi lên chân cầu Bo bán cho người qua đường.
Ngày ấy, người dân làng tôi và làng Bo còn trồng nhiều, vào mùa ổi chín người bán, người mua tấp nập. Tôi mong muốn chính quyền các cấp quan tâm, có phương án bảo tồn giống ổi Bo này bởi nó là thương hiệu của cả tỉnh Thái Bình chứ không riêng của Hoàng Diệu.
Còn với ông Bùi Hữu Trọng cả một đời bó bện bên vườn ổi, thấy xót xa trước viễn cảnh ổi Bo đang bị những giống ổi lai cho hiệu quả kinh tế hơn xâm lấn ngay trên “sân nhà”.
Ông Trọng trăn trở: Tôi còn khỏe ngày nào, tôi vẫn sẽ bảo tồn và giữ gìn giống ổi Bo này nhưng chỉ với sự quyết tâm của những người nặng lòng với ổi Bo như tôi thì chưa đủ, chúng tôi cần sự quan tâm và một định hướng dài hơi hơn để một ngày nào đó, người dân Việt Nam và người dân thế giới đến Thái Bình, đến với Hoàng Diệu có thể được thưởng thức ổi Bo trên đồng đất quê tôi cũng như thời trước nói tới ổi Bo, cầu Bo là người ta nhớ tới Thái Bình.