Ukraine thất vọng liên tục, hụt hơn 100 tỷ đô viện trợ: Mỹ đổi thái độ, 300 tỷ của Nga vào tầm ngắm

An An |

Các đề xuất viện trợ trị giá lần lượt là 61 tỷ USD và 50 tỷ euro (54 tỷ USD) từ Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã không giành được sự chấp thuận trong tuần này.

G7 đẩy nhanh tốc độ viện trợ Ukraine

Tờ Financial Times (FT-Anh) ngày 16/12 cho biết, các quốc gia phương Tây đang tích cực tìm cách tịch thu tài sản của ngân hàng trung ương Nga để viện trợ cho Ukraine khi hai gói tài chính lên tới hơn 110 tỷ USD hỗ trợ cho nước này từ Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) đang bị trì hoãn.

Các quan chức G7 đã tăng cường đàm phán trong những tuần gần đây về việc chi một phần trong số tài sản cố định trị giá khoảng 300 tỷ USD của Nga, một bước đi sẽ mở ra một chương mới trong chiến dịch viện trợ tài chính của phương Tây nhằm chống lại Moscow.

Việc tịch thu tài sản của Nga có thể mang lại một nguồn tài trợ thay thế cho Kiev, đặc biệt là trong bối cảnh dự kiến ​​chi phí tái thiết sau xung đột sẽ rất lớn.

Ukraine thất vọng liên tục, hụt hơn 100 tỷ đô viện trợ: Mỹ đổi thái độ, 300 tỷ của Nga vào tầm ngắm - Ảnh 1.

G7 đang nỗ lực đẩy nhanh viện trợ cho Ukraine. Ảnh: Reuters

FT cho hay, Mỹ trước đây không công khai ủng hộ ý tưởng tịch thu thì nay chia sẻ với các đồng minh G7 rằng có một lộ trình để tịch thu tài sản Nga "phù hợp với luật pháp quốc tế". Tuy nhiên, Kho bạc Mỹ từ chối bình luận về thông tin này.

Được biết, một cuộc họp liên quan của các nhà lãnh đạo G7 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 24/2/2024, trùng với thời điểm tròn hai năm ngày Nga phát động quân sự đặc biệt ở Ukraine

Ngoại trưởng Anh David Cameron đã bày tỏ sự tin tưởng rằng có "một con đường hợp pháp" để tịch thu tài sản Nga và đề nghị Vương quốc Anh có thể hành động với Mỹ nếu các đồng minh G7 khác không thể bị thuyết phục.

"Thời điểm đặc biệt đòi hỏi các biện pháp đặc biệt", ông nói với ủy ban quốc hội Vương quốc Anh hôm 14/12, đồng thời cho biết thêm rằng ông đang "thúc đẩy mạnh mẽ" đề xuất này trong G7.

"Chúng tôi cần tìm cách đưa tiền mặt đến Ukraine, dưới bất kỳ hình thức nào", một nhà ngoại giao EU tham gia vào cuộc đàm phán thượng đỉnh tại EU trong tuần này cho biết. "Và ngày càng có nhiều quốc gia chỉ vào khối tài sản [của Nga] và tự hỏi tại sao chúng vẫn nằm ở đó".

Phần lớn khối tài sản trị giá 300 tỷ USD của Nga đang nằm ở châu Âu.

Lãnh đạo châu Âu lạc quan

Theo hãng tin Reuter, các nhà lãnh đạo EU hôm 15/12 đã bày tỏ sự tin tưởng rằng họ sẽ thông qua một gói viện trợ lớn cho Ukraine vào đầu năm 2024, bất chấp sự phủ quyết của Thủ tướng Hungary Viktor Orban.

Tất cả 26 quốc gia EU ngoại trừ Hungary hôm 15/12 đã đồng thuận mở các cuộc đàm phán về tư cách thành viên EU với Ukraine.

Nhưng khối không thể vượt qua sự phản đối của Thủ tướng Orban trong việc cải tổ ngân sách EU để chuyển 50 tỷ euro (54 tỷ USD) cho Kiev và cung cấp thêm tiền mặt cho các nhiệm vụ khác như quản lý vấn đề di cư.

Kiev phụ thuộc vào sự trợ giúp của nước ngoài khi xung đột với Nga đang diễn ra căng thẳng.

Các nhà lãnh đạo EU đang có kế hoạch B và dự kiến ​​sẽ xem xét lại vấn đề này tại hội nghị thượng đỉnh khẩn cấp vào cuối tháng 1 hoặc đầu tháng 2 tới.

"Chúng tôi đang làm việc rất chăm chỉ để có được sự đồng thuận của 27 quốc gia thành viên", Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen cho biết. "Nhưng tôi nghĩ bây giờ cũng cần phải nghiên cứu các phương thức thay thế tiềm năng để có giải pháp hoạt động trong trường hợp không thể đạt được thỏa thuận với sự nhất trí của 27 nước".

Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nằm trong số những người bày tỏ sự lạc quan về việc cấp viện trợ cho Kiev.

"Chúng tôi có những cách khác để giúp đỡ Ukraine nhưng chúng tôi không từ bỏ mục tiêu tìm ra giải pháp ở đây", ông Scholz cho biết.

Tổng thống Macron thì khẳng định, "không có rào cản" đối với viện trợ của EU vào năm tới, đồng thời nói thêm rằng ông tin rằng Thủ tướng Orban có động lực để đạt được thỏa thuận.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại