Trong thời gian vừa qua, bên cạnh tác động của dịch bệnh tại nhiều quốc gia trên thế giới khiến công việc sản xuất có phần đình trệ, một tác nhân khác cũng khiến việc sản xuất xe trở nên khó khăn đó là tình trạng thiếu linh kiện, cụ thể là chip bán dẫn. Hàng loạt nhà sản xuất đối mặt với cuộc khủng hoảng này có thể kể tên như GM, Ford, Toyota, VinFast...
Tuy nhỏ bé nhưng lại là một bộ phận không thể thiếu, hàng loạt nhà sản xuất đã không thể sản xuất được xe chỉ vì thiếu linh kiện này. Đối mặt với 'cơn khát' chip bán dẫn, Ford đã từng loại bỏ nút bấm khởi động trên xe để giảm số lượng chip sử dụng, song lại khiến khách hàng nổi giận và đã phải hứng chịu nhiều chỉ trích.
Ở chiều ngược lại, Tesla đang cho thấy mình như 'miễn nhiễm' với cuộc khủng hoàng này.
Tesla Model S Plaid (trong ảnh) có thể tăng tốc 0-100km/h trong chưa đầy 2 giây
Minh chứng là trong quý 3 vừa qua, doanh số Tesla đã vượt chỉ tiêu tới 12.000 chiếc. Cụ thể, tính từ tháng 7 tới tháng 9 vừa qua, doanh số toàn cầu của Tesla đạt 241.300 chiếc, tăng tới 73% so với cùng kỳ năm trước. Nếu so sánh với quý 2/2021, Tesla đã tăng trưởng thêm 15%.
Nhìn lại về phía nhà sản xuất 'đồng hương' là Ford, 'ông lớn' này đã sụt giảm tới 33% trong quý vừa qua. Nguyên nhân được cho là bởi Ford buộc phải dừng sản xuất mẫu xe Ford F-150 (mẫu xe nổi trội trong dòng sản phẩm F-sereries bán chạy nhất nước Mỹ trong vòng 40 năm). Mức giảm này được đánh giá là thấp nhất trong suốt hơn một thập kỷ vừa qua.
Bán tải điện Ford F-150 Lightning (trong ảnh) có thể cấp ngược điện cho ngôi nhà, có thể sử dụng trong tới 10 ngày liên tiếp
Chip bán dẫn cũng khiến VinFast không thể giao kịp VinFast Lux SA2.0 tới khách hàng. Ảnh: Autoblog
Không nằm ngoài cuộc khủng hoảng chip bán dẫn, lý do nào khiến Tesla đang tỏ ra trội hơn dù Ford có hẳn 100 năm đi trước Tesla trong ngành xe? Câu trả lời được cho là cách mà Tesla đã xử lý cuộc khủng hoảng này.
CEO của Tesla là Elon Musk, vị tỷ phú công nghệ hình mẫu của Iron Man, đã cố gắng đa dạng hóa nguồn cung chip, thành lập các đội viết lại code cho các con chip đó.
Elon Musk nói rằng "Không đơn giản chỉ là đổi con chip khác là xong, sẽ cần phải viết lại phần mềm đó nữa". Tức là Tesla đã tận dụng lợi thế công nghệ của mình, linh hoạt chuyển đổi để thích ứng nhanh với diễn biến của cuộc khủng hoảng.
Đó là chưa kể tới nhiều nguồn tin gần đây cho thấy Samsung sẽ xây dựng một nhà máy chip 17 tỷ USD cách nhà máy của Tesla ở bang Texas chỉ ít cây số. Được biết Samsung là một trong các nhà cung ứng linh kiện quan trọng của Tesla. Việc xây dựng nhà máy này được giới chuyên gia nhìn nhận là mang tới lợi ích cho cả hai nhà sản xuất Tesla và Samsung.
Chưa rõ cuộc khủng hoảng chip sẽ ra sao trong tương lai nhưng nhìn vào cách Tesla đang thực hiện, có thể tạm nói rằng Tesla đứng vững trong 'cơn giông tố' này.