Làn sóng tiêu dùng mới mang tư duy Mỹ
Các nhà kinh tế học phương Tây từng nhận định Trung Quốc cần có một thế hệ người tiêu dùng với tư duy của người Mỹ để thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Và ở thời điểm hiện tại, Trung Quốc đã có điều đó từ giới trẻ của nước này.
Trong khi những thế hệ trước mang tư tưởng tiết kiệm, vốn là kết quả của thời kỳ kinh tế bất ổn với hệ thống an sinh xã hội thiếu phát triển, thì hơn 330 triệu người sinh ra trong giai đoạn 1990 - 2009 đã hình thành thói quen tiêu dùng gần hơn với người Mỹ, với cách chi tiêu phóng khoáng vào các thiết bị công nghệ, giải trí và du lịch.
Trong hàng thập kỷ, Bắc Kinh đã phải phụ thuộc vào hoạt động xuất khẩu và phát triển cơ sở hạ tầng để tạo ra động lực cho tăng trưởng, tuy nhiên, những động lực này đang mất dần hiệu quả trong bối cảnh căng thẳng trong cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang gia tăng.
Vì vậy, xu hướng tăng trưởng tiêu dùng hiện nay đang giúp Trung Quốc đa dạng hoá nền kinh tế ở một thời điểm mang tính quyết định.
Làn sóng tiêu dùng mới mang nguồn lợi lớn cho các công ty công nghệ Trung Quốc, điển hình là Alibaba và Tencent, đổi lại, sự phát triển mạnh mẽ của các công ty này đã tạo sức sống cho nền kinh tế Trung Quốc.
Liu Biting, 25 tuổi, nói rằng cô tiêu sạch số tiền lương, khoảng 10.000 Nhân dân tệ (1.400 USD) mỗi tháng từ công việc tiếp thị của cô ở Thượng Hải: khoảng 1/3 thuê nhà và phần còn lại chi tiêu cho thực phẩm, sở thích may vá, đi ra ngoài, âm nhạc và các sản phẩm khác.
"Đối với thế hệ cha mẹ tôi, họ kiếm một công việc ổn định, đủ tốt và tiết kiệm tiền, mua nhà và họ nuôi con. Nhưng tất cả thế hệ chúng tôi đều như vậy: không có tiền tiết kiệm và cũng không quan tâm", Liu nói.
Giám đốc điều hành Alibaba Daniel Zhang từng nhận định giới trẻ đã trở thành "động lực tăng trưởng tiêu dùng chính" ở Trung Quốc. Những người sinh sau năm 1990 chiếm gần một nửa số người tham gia sự kiện mua sắm hàng năm ngày "Độc thân", khi Alibaba bán được số hàng hoá trị gía gần 30,8 tỷ đô la chỉ trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Liu Biting, 25 tuổi, thường tiêu sạch số tiền lương, khoảng 1.400 USD mỗi tháng. Ảnh: WSJ.
Một thống kê cho thấy 1/4 khách hàng mua xe ô tô ở Trung Quốc chưa đến 30 tuổi, tỉ lệ này dự kiến sẽ tăng lên gần 60% vào năm 2025, Zhou Ya, Trưởng bộ phận nghiên cứu thị trường và hành vi khách hàng tại Volkswagen Trung Quốc, nhận định.
Bên cạnh tiêu dùng, giới trẻ Trung Quốc cũng sẵn sàng chi nhiều hơn cho du lịch. Một báo cáo được công bố vào năm 2018 từ Mastercard và Ctrip.com cho thấy 1/3 khách du lịch của công ty này sinh sau năm 1990, và họ cũng chi nhiều hơn so với những người sinh trong những năm 80.
Kịch bản xấu nhất: Suy thoái
Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng gia tăng cũng mang lại những rủi ro nhất định. Trong vài năm gần đây, mức nợ của hộ gia đình tại Trung Quốc đã tăng đáng kể, trong đó chủ yếu là giới trẻ vay mượn để thanh toán cho các khoản mua sắm. Khảo sát trong năm 2018 của trang web tư vấn vay tiêu dùng Rong360 tiết lộ một nửa trong số khách hàng vay của họ sinh sau năm 1990. Đáng lưu ý, 1/3 trong số đó vay ngắn hạn để trả nợ, trong khi một nửa không bao giờ trả nợ đúng hạn.
Chưa kể mức nợ chính phủ và doanh nghiệp đang ở mức cao vẫn luôn là một trong những mối lo ngại thường trực của chính phủ Trung Quốc. Khi mức nợ của hộ gia đình tăng, một số nhà kinh tế học lo rằng chính phủ sẽ không thể kiểm soát các khoản nợ và tạo ra gánh nặng cho tăng trưởng kinh tế.
Để giải quyết vấn đề này, nhiều chuyên gia khuyến nghị Trung Quốc cần nhanh chóng kiểm soát hoạt động vay mượn cá nhân, mà trong kịch bản xấu nhất với sự kết hợp giữa các khoản nợ chính phủ, doanh nghiệp và tiêu dùng sẽ có thể đẩy nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới vào suy thoái.
Chuyên gia ngân hàng Zhou Xiaochuan cảnh báo sự phát triển của các công ty fintech, cùng với tốc độ tăng trưởng như vũ bão của thị trường tài chính tiêu dùng có thể khiến giới trẻ Trung Quốc chi tiêu vượt quá khả năng của họ.
JPMorgans ước tính tỉ lệ nợ của hộ dân ở Trung Quốc trên GDP sẽ tăng lên 61% vào 2020, tăng 26% so với năm 2019 và cao hơn mức nợ hiện tại của Italy và Hi Lạp. Con số này của Mỹ là 76% sau khi đã giảm từ mức 98% vào năm 2006, theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Nếu tính theo tỉ lệ nợ hộ dân trên thu nhập khả dụng, con số này của Trung Quốc đã vượt qua Mỹ ở mức 117,2% trong năm 2018, tăng 42,7% so với 10 năm trước, theo tính toán của nhà nghiên cứu Lei Ning tại trường đại học Thượng Hải về Tài chính và Kinh tế. Tỉ lệ này của Mỹ trong năm 2018 là 101%, giảm mạnh từ mức 135% vào năm 2007.
Một lo ngại khác là tăng trưởng Trung Quốc sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng nếu giới trẻ Trung Quốc mất việc hoặc bị giảm lương, qua đó tác động trực tiếp đến mức chi tiêu. Một ví dụ điển hình từ việc này là tỉ lệ vỡ nợ tại Mỹ ở thời điểm khủng hoảng tài chính năm 2008 đã tăng mạnh khi tăng trưởng chậm lại.
Giới trẻ Trung Quốc hiện nay không hiểu rõ những gì họ sẽ phải đối mặt, nhà kinh tế học Dong Tao tại Credit Suissee nhận định. "Sau bất cứ giai đoạn tăng trưởng tiêu dùng cá nhân nào sẽ là thời kì giảm tốc, và không có ngoại lệ", Dong Tao nói.
Các gia đình Trung Quốc thường giúp con cái họ mua nhà, xu hướng mà Dong Tao xem là nguy hiểm, khi nhiều thế hệ giờ cần chung tay để chỉ mua 1 tài sản. Tình trạng tương tự cũng từng xảy ra ở Nhật Bản vào những năm 80, khi có trường hợp 3 thế hệ góp tiền mua tài sản, dấu hiệu cho thấy thị trường đang phát triển quá nóng. Nền kinh tế Nhật Bản sau đó đã bước vào giai đoạn tăng trưởng chậm lại khi giá bất động sản hạ nhiệt.